Chạm giới hạn nguy hiểm
Thế giới - Ngày đăng : 07:56, 31/07/2012
Như vậy đủ thấy các trái chủ toàn cầu đã có niềm tin lớn thế nào với nước Đức. Lòng tin ấy có thể bị suy chuyển hay không chưa rõ, nhưng những sự kiện dồn dập trong vài ngày gần đây cho thấy viên ngọc sáng của Châu Âu đã xuất hiện những tì vết.
Cùng với xếp hạng tín nhiệm quốc gia vừa mất vị trí AAA, triển vọng của 17 ngân hàng Đức cũng vừa bị nhà xếp hạng tín dụng Moody's cho rơi từ "ổn định" xuống "tiêu cực". Trong các nạn nhân mới nhất có những ngân hàng danh tiếng như: IKB Deutsche Industriebank và Deutsche Postbank. Moody's cũng cảnh báo sẽ tiếp tục theo sát tín nhiệm của những ngân hàng bị ảnh hưởng nặng trong cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2008 và cơn bão nợ công Châu Âu.
Những tin tức không vui tựa như một cơn mưa sao băng rơi xuống thị trường tài chính và ngân hàng Đức. Vẫn biết rằng, trong bối cảnh hàng loạt nền kinh tế ở Lục địa già điêu đứng vì nợ nần, Đức vẫn là trụ cột vững chắc nhất và luôn giữ vai trò đầu tàu trong các kế hoạch chèo lái con thuyền Châu Âu qua cơn sóng dữ. Tuy nhiên, thành trì vững chãi này đã bị lay động trong cơn khủng hoảng ngày một dữ dội hơn. Vốn được biết tới như một hình mẫu tiêu biểu về xây dựng thị trường lao động ít dư thừa thành một động lực để phát triển kinh tế, nhưng thời gian gần đây, tình trạng sa thải nhân công đã xuất hiện mang theo lo ngại về sự gia tăng thất nghiệp tại nền kinh tế hàng đầu Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone). Từng được xem là thiên đường giữ tiền cho giới đầu tư nhưng chiếc két sắt an toàn của người Đức giờ đã không còn là nơi trú chân bình an tuyệt đối nữa. Trong tháng 7, niềm tin của các nhà đầu tư với kinh tế Đức giảm từ âm 16,9 xuống âm 19,6. Chỉ số dự đoán sức khỏe nền kinh tế bất ngờ tụt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1-2012 khẳng định sự thật khó chấp nhận là đầu tàu kinh tế Châu Âu đã vấp phải khó khăn trong duy trì đà tăng trưởng. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi cả Lục địa già phải "thắt lưng buộc bụng", kinh tế toàn cầu vẫn xám xịt bởi khủng hoảng, suy thoái nền kinh tế Đức không thể không bị ảnh hưởng. Nhu cầu tiêu thụ hàng hóa Đức giảm kèm theo gánh nặng từ các gói cứu trợ mà Berlin luôn giữ vị trí tiên phong đã khiến bức tranh toàn cảnh kinh tế Đức không còn vẹn nguyên trong mắt giới đầu tư.
Không giống một số quốc gia Châu Âu đang ốm yếu vì nợ nần, khó khăn mà chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel sẽ phải vượt qua không phải tự mình chuốc lấy mà do ngoại cảnh mang lại. Những khoản trang trải khổng lồ cho những thành viên "gặp nạn" của Eurozone và trợ giúp cho chính những ngân hàng trong nước bị thiệt hại nặng do các thương vụ tại hai quốc gia có nguy cơ phải cứu trợ toàn diện là Tây Ban Nha và Italia đã phủ bóng đen lên tương lai của các nhà băng nước Đức. Vì lẽ đó, không phải đến bây giờ trong nội bộ quốc gia giữ vị thế trung tâm Châu Âu mới có lời "bàn ra tán vào" về những hậu quả đối với nền kinh tế Đức trước áp lực bỏ tiền cứu "người ngoài". Nhưng cũng thật ngạc nhiên khi thay vì lo lắng, một số chính khách Đức lại tỏ ra đồng tình với đòn "sát phạt" của Moody's. Lập luận rằng, sự nghiêm khắc của nhà đánh giá tín nhiệm bên kia bờ Đại Tây Dương xét ở khía cạnh nào đó là có ích khi không chỉ làm thức tỉnh Berlin mà còn gửi đi lời cảnh báo mạnh mẽ với các quốc gia Châu Âu về cột trụ số một đã chạm đến giới hạn nguy hiểm.
Sau hơn hai năm kể từ cuộc khủng hoảng nợ tại Lục địa già nổi lên, nước Đức đã chứng tỏ khả năng chống chịu đặc biệt với những tai ương chưa từng thấy. Và, ngay trong thời điểm khó khăn này, Berlin vẫn là niềm trông đợi của Châu Âu. Với những động thái quyết liệt, chính phủ của bà đầm thép Angela Merkel cùng các nhà tài trợ đã giữ cho Eurozone chưa bị đổ vỡ trước những biến cố ghê gớm.
Từ cảnh báo "tiêu cực" ở bên kia bờ đại dương, một thực tế mới đang thử thách nền kinh tế hùng mạnh nhất Eurozone; đồng thời cho thấy, nước Đức chỉ có thể duy trì vị trí số 1 nếu các nước thành viên cùng nỗ lực vì sự tồn vong của liên minh tiền tệ này.