Những câu chuyện cảm động

Xã hội - Ngày đăng : 07:53, 31/07/2012

(HNM) - Từ trước tới nay, định kiến, sự kỳ thị của xã hội, rào cản từ phía gia đình và sự tự ti của bản thân đã cản trở không ít tới chuyện hôn nhân của người khuyết tật.


Nhắc tới vợ chồng chị Lê Thị Hợi và anh Nông Viết Phương ở Hà Nội, nhiều người khuyết tật lại nhớ tới một chuyện tình đầy cảm động và trắc trở. Chị Hợi bị khuyết tật vận động, phải di chuyển bằng đôi nạng gỗ. Anh Phương là một chàng trai cao to, khỏe mạnh và đẹp trai. Ngày anh chị yêu nhau cũng là ngày cả hai phải đối mặt với sự phản đối từ phía gia đình và áp lực từ dư luận xã hội. Người thì khuyên chị Hợi không nên lấy anh Phương vì chị là người khuyết tật, khó có hạnh phúc với người bình thường. Người thì bảo, anh Phương có vấn đề về thần kinh nên mới đi yêu một cô gái khuyết tật. Vượt lên trên định kiến, cả hai kiên quyết bảo vệ tình yêu của mình. Đến nay, sau 30 năm chung sống, anh chị đã có một gia đình hạnh phúc với cậu con trai lớn đang học ĐH Công nghiệp Hà Nội, con gái út chăm ngoan, học giỏi. "Điều quan trọng nhất là cả hai phải hiểu nhau, tôn trọng lẫn nhau. Khi bố mẹ, người thân phản đối, bọn mình thuyết phục dần dần để mọi người hiểu. Tình yêu chân thành sẽ xây đắp hạnh phúc gia đình", chị Hợi tâm sự.

Trắc trở không kém là cặp vợ chồng anh Nguyễn Duy Thuần và chị Nguyễn Hồng Oanh. Để đến được với nhau, anh chị đã phải trải qua 11 năm chờ đợi kiên trì và bền bỉ. Nhớ lại quãng thời gian đầu mới yêu nhau, chị Oanh không giấu được xúc động. Hồi đó anh Thuần là sinh viên Trường Dược, tương lai tươi sáng đang ở phía trước. Chị Oanh lại bị khuyết tật bẩm sinh, với đôi chân không lành lặn, cuộc đời gắn chặt với chiếc xe lăn. Một người lành lặn, một người khuyết tật như vậy đến với nhau nên không tránh khỏi những điều tiếng. Không ai tin vào tình yêu anh Thuần dành cho chị Oanh, thậm chí không ít người còn cho rằng anh đến với chị chẳng qua cũng chỉ là lợi dụng. Bởi anh Thuần xuất thân ở vùng quê nghèo, gia đình khó khăn, trong khi gia đình chị Oanh ở Hà Nội, thuộc diện khá giả... Sau những năm tháng đấu tranh quyết liệt để bảo vệ tình yêu, anh chị đã đến được với nhau và có một mái ấm hạnh phúc. Anh Thuần giờ là cán bộ đứng đầu của một cơ quan ngành dược, chị Oanh là Phó ban Hành động vì sự phát triển hòa nhập IDEA và quản lý Diễn đàn người khuyết tật Việt Nam, con trai của họ đang là sinh viên đại học. "Định kiến của xã hội đối với hôn nhân của người khuyết tật là rất lớn. Nếu không có sự kiên định, quyết tâm của cả hai thì thật khó để vượt qua", chị Oanh tâm sự.

Nhìn tổ ấm hạnh phúc của anh Trần Quang Dũng và chị Lê Thị Mỹ Duyên, ở Hà Nam, ít ai biết rằng nó được tạo dựng bằng nghị lực và sự kiên trì vượt qua khó khăn của cả hai vợ chồng. Lấy chồng khuyết tật, chị Duyên không chỉ làm trái ý bố mẹ mà còn chấp nhận nghỉ việc ở công ty dệt để ở nhà làm hậu phương vững chắc cho chồng. Chị bảo: "Hồi đó, mọi người phản đối mình ghê lắm, bảo mình dở hơi mới lấy người khuyết tật. Nhưng mình nghĩ chỉ cần hai người yêu nhau, hiểu nhau thì khuyết tật hay lành lặn không phải là vấn đề". Sự hy sinh của chị Duyên đã được đền đáp xứng đáng. Hiện tại, mỗi tháng phòng khám đông y của anh Dũng có 300 - 400 lượt người đến cắt thuốc. Thu nhập từ nghề bốc thuốc giúp anh bảo đảm đời sống kinh tế cho gia đình. "Sự hy sinh của cô ấy đã tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để mình vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Nếu bọn mình không vượt qua được rào cản, định kiến của xã hội thì làm gì có được như ngày hôm nay", anh Dũng nói.

Hạnh phúc của vợ chồng ông Phạm Văn Bắc và bà Phạm Thị Lạc ở Thái Bình là một câu chuyện cảm động khác về sự hy sinh của người phụ nữ. Ông Bắc là thương binh nặng, khiếm thị, cụt một chân. Bà Lạc hoàn toàn khỏe mạnh, lại xinh đẹp có tiếng. Nói về người vợ của mình, ông Bắc dùng hai chữ "tuyệt vời", bởi bà đã mang hạnh phúc đến cho đời ông, là ân nhân của đời ông. Ông tự hào: "Vợ tôi như một anh chồng đảm đang ấy. Việc gì cũng đến tay". Bà Lạc sinh con, nuôi nấng vất vả, chịu đựng bao gian khổ nhưng lúc nào cũng tươi cười. Không những thế, bà còn là "cây gậy" cho ông Bắc chống nữa. Hiện ông Bắc tham gia Ban Chấp hành Hội Người mù TP Thái Bình. Mỗi khi có công việc, người vợ tảo tần lại dùng xe máy chở chồng đi đến bất cứ chỗ nào.

Những câu chuyện tình cảm động trên cho thấy, để vượt qua những rào cản, định kiến mặc cảm của bản thân, xây dựng mái ấm gia đình, người khuyết tật rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của gia đình và cộng đồng.

Quỳnh Anh