Ký ức kinh hoàng và niềm vui đoàn tụ
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:31, 31/07/2012
Đúng 15h25 phút ngày 24-7, chuyến bay chở 12 thuyền viên Việt Nam bị cướp biển Somalia bắt giữ hồi tháng 12-2010 đáp xuống Sân bay Nội Bài. Đặt chân xuống mảnh đất quê hương những gương mặt hốc hác vẫn chưa hết bàng hoàng, dù những giọt nước mắt mừng vui đang lăn dài trên gò má.
Thuyền viên trở về trong vòng tay gia đình. |
Bước ra khỏi cửa ga cảng hàng không Nội Bài, những ánh mắt ngó nghiêng tìm kiếm bỗng vỡ òa trong niềm vui đoàn tụ. Những người thân yêu ôm chặt lấy nhau. Bàn tay người mẹ lần sờ trên khuôn mặt, mái tóc dài bù xù của người con trai sau bao ngày bặt tin như không tin đó là sự thật: "Con tui đây rồi. Hắn đây rồi".
Ký ức hãi hùng nơi hoang đảo
Kể về những ngày tháng kinh hoàng đó thuyền viên Trần Văn Hùng (SN 1987, quê ở huyện Nghi Lộc, Nghệ An) giọng vẫn chưa hết hoảng hốt. Đó là buổi trưa ngày 24-12-2010, sau gần 10 tháng lênh đênh trên biển tìm luồng cá, tàu FV Shiuh Fu No1, với 26 thuyền viên (gồm 14 người Trung Quốc và 12 người Việt Nam) quyết định thả neo tại khu vực cách đảo quốc Madagascar 120 hải lý về phía đông bắc. Vừa buông lưới, bất ngờ các thuyền viên phát hiện hai chiếc ca nô lướt sóng nhằm thẳng hướng tàu FV Shiuh Fu No1, trên ca nô có khoảng 40 người da đen được trang bị nhiều vũ khí. Lệnh cắt lưới vừa buông, mọi người chưa kịp phản ứng thì hai chiếc ca nô đã áp sát mạn thuyền. Nhóm cướp biển ập lên tàu, nổ súng chỉ thiên, khống chế mọi người, cắt đứt mọi liên lạc, tước vũ khí của các thuyền viên rồi giam dưới boong tàu. Bọn chúng lục soát phát hiện ở khoang thuyền trưởng vẫn còn giấu 2 khẩu súng, lập tức chúng trói các thuyền viên rồi treo ngược lên. Chừng 30-40 phút sau, khi lục soát xong, chúng mới cởi trói cho các thuyền viên. Song không ai còn đủ sức đứng dậy, cứ nằm xoài dưới khoang tàu.
Khống chế được tàu, bọn hải tặc tiếp tục dùng chính chiếc tàu vừa cướp được đi cướp bóc, hoành hành trên khu vực biển Madagascar. Thuyền viên Nguyễn Văn Hải (SN 1992, ở Quỳnh Lưu, Nghệ An) còn nhớ như in những giây phút kinh hoàng trên tàu. Chúng khống chế, chỉ cho mỗi người mỗi ngày ăn hai bát cơm trắng và đi vệ sinh 1-2 lần dưới sự giám sát nghiêm ngặt. Chúng bắt các thuyền viên ở dưới tầng hầm, phục dịch, kéo ca nô cho chúng trong vòng 10 tháng. Chúng cũng liên tục tìm cách gây sức ép đòi tiền chuộc đối với chủ tàu người Đài Loan và các gia đình thuyền viên. Đã có lúc chúng trói tứ chi thuyền trưởng vào nhau rồi treo ngược lên, khiến thuyền trưởng không chịu được phải gọi điện về giục gia đình và chủ tàu chuẩn bị tiền chuộc.
Sau 10 tháng lênh đênh trên biển, đàm phán liên tục không đòi được tiền chuộc, hải tặc dồn các thuyền viên lên một hòn đảo. Trên đó giống như một vương quốc riêng của cướp biển, gồm nhiều gia đình, cả đàn ông, phụ nữ và trẻ con. Các thuyền viên được lùa vào một căn lều mái tôn rồi hằng ngày phải tháo dỡ mọi thiết bị trên tàu cá. Bắt đầu một chuỗi ngày kinh hoàng mới đối với các thuyền viên. Thuyền viên Lưu Đình Hùng (SN 1990, ở huyện Nghi Lộc, Nghệ An) cho hay, ở trên đảo tất cả các thuyền viên bị chúng dồn vào một chỗ do những tên cướp biển nhí canh gác, thậm chí trong số đó có cả những đứa trẻ chỉ 9-10 tuổi. Xung quanh lúc nào cũng có nhiều toán người lăm lăm súng ống canh chừng. Nhiều lúc chúng vô cớ đánh các thuyền viên một cách không thương tiếc. Hùng cho biết thêm: Cả đoàn thuyền viên chỉ được phát 3-4kg gạo một ngày. Cơm nấu xong lúc nào cũng có màu đất. Còn nước ngọt thì có mùi của phân dê. Không được tắm, không được vệ sinh cá nhân, thức ăn lại không hợp, không bảo đảm vệ sinh nên nhiều thuyền viên bị rối loạn tiêu hóa, mắc bệnh ngoài da, sức lực cạn kiệt nhanh chóng". Sợ nhất là muỗi độc, bọ cạp cùng các loại côn trùng luôn có thể tấn công bất cứ lúc nào. Có lần tôi bị muỗi cắn, tụ thành cục máu, nặn ra cả một con dòi to như đầu đũa, thật kinh hoàng", thuyền viên Nguyễn Văn Tâm (SN 1990, ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh) nhớ lại.
Nhiều thuyền viên cho biết, họ thường xuyên bị những tên cướp hành hạ nhằm ép công ty và gia đình nộp tiền chuộc. Cái giá mà những tên cướp biển đưa ra tương đương khoảng 60 tỷ đồng Việt Nam. Vui cũng đánh, buồn cũng đánh, thậm chí có những tên cướp không ngủ được cũng lôi thuyền viên ra đánh. Nhiều người đã có ý định kháng cự lại để nhanh chóng tìm đến cái chết, vì không chịu nổi sống đầy đọa nơi hoang đảo.
Sẽ bảo đảm quyền lợi cho các thuyền viên
Trước chuyến bay chở các thuyền viên về đến Sân bay Nội Bài một ngày, nhiều người nhà từ Nghệ An đã ra sân bay ngóng chờ người thân. Vì vậy, ngay khi vừa xuống sân bay, các thuyền viên nhanh chóng được gia đình và các công ty có hợp đồng đưa đi làm việc tại nước ngoài đưa ra xe để về công ty, làm thủ tục trở về quê, sum họp gia đình. Ông Lưu Đình Thu, bố thuyền viên Lưu Đình Hùng, đã đại diện cho các gia đình nghẹn ngào cảm ơn các cơ quan chức năng đã tạo mọi điều kiện để con em họ được trở về bình an. Ông cũng mong muốn các công ty môi giới sẽ có những biện pháp giúp đỡ người lao động một cách tốt nhất, sau bao ngày bị giam cầm, đói khổ nơi xứ người. Bởi trước khi lên đường, mỗi lao động phải nộp phí từ 17-18 triệu đồng. Số tiền không hề nhỏ đối với nhiều gia đình ở vùng quê nghèo Nghệ An, Hà Tĩnh.
Ngay tại sân bay, ông Nguyễn Đức Hoàn - Phó Giám đốc Công ty Servico Hà Nội khẳng định, ngay việc thương thảo để giải cứu các thuyền viên là sự cố gắng rất lớn của Lãnh sự quán, Ban quản lý lao động ngoài nước và đối tác của doanh nghiệp này tại Đài Loan. Quyền lợi của người lao động trong 18 tháng qua bị hải tặc giam giữ đều được phía đối tác thanh toán với mức 10 triệu đồng/quý và được công ty chuyển về cho gia đình các thuyền viên. Trước mắt, công ty tạm ứng cho mỗi lao động một triệu đồng làm lộ phí về nhà và sẽ tiếp tục giải quyết các chế độ cho người lao động ổn định cuộc sống. Còn ông Đỗ Hoàng Lê, Phó Giám đốc Công ty Cung ứng lao động quốc tế và dịch vụ (Inmasco - thuộc Cienco-1) cũng khẳng định, sau khi các thuyền viên trở về ổn định, Inmasco sẽ thanh lý hợp đồng với người lao động theo quy định. Lao động nào muốn tiếp tục đi làm việc tại nước ngoài, phía công ty sẽ ưu tiên và hỗ trợ tối đa. Ngoài ra, Inmasco sẽ đề nghị Cục Quản lý lao động ngoài nước trích Quỹ hỗ trợ xuất khẩu lao động để hỗ trợ thêm cho các thuyền viên trở về.