Điểm chuẩn tuyển sinh ĐH, CĐ 2012: Không nhiều biến động
Tuyển sinh - Ngày đăng : 07:12, 31/07/2012
Thí sinh trao đổi sau giờ thi tại Hội đồng thi Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội. Ảnh: Viết Thành |
Tài chính - ngân hàng giảm "nóng"?
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, số bài đạt điểm cao trong mùa thi năm nay không nhiều bằng các năm trước nhưng chất lượng bài thi chung của thí sinh được cải thiện, nhất là các bài thi thuộc khối C. Phổ điểm của các trường ĐH cho thấy có sự phân hóa lớn giữa các trường nhóm trên và nhóm dưới. Trường ĐH Ngoại thương tuy không có thủ khoa đạt điểm 30 như năm 2011 song phổ điểm vẫn rất cao. Nhiều khả năng điểm chuẩn không chênh lệch nhiều so với năm ngoái. Nhà trường dự kiến điểm sàn vào trường, cơ sở Hà Nội, khối A giữ nguyên ở 24 điểm, khối A1 và D khoảng 22,5. Điểm chuẩn cao nhất là ngành kinh tế đối ngoại khối A cũng sẽ vẫn là 26 điểm, khối A1, D là 24 điểm.
Trong khi phần lớn các trường nhóm giữa khẳng định mặt bằng điểm thi năm nay tương đương năm 2011 thì các trường nhóm trên khá dè dặt. Theo ông Nguyễn Quang Dong, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân, mặt bằng điểm thi năm nay của trường không cao bằng năm trước nên điểm chuẩn dự kiến không tăng hoặc sẽ giảm ở một số ngành. Điểm sàn vào trường khối A, D (tiếng Anh hệ số 1) là 20 điểm, giảm 1 điểm so với năm 2011; ngành tài chính - ngân hàng 23 điểm (giảm 1,5 điểm); ngành kế toán 24 điểm (giảm 0,5 điểm). Điểm sàn vào trường khối D (tiếng Anh hệ số 2) là 27,5 điểm, riêng ngành ngôn ngữ Anh là 29 điểm.
Dữ liệu điểm của Học viện Tài chính cũng cho thấy, điểm chuẩn ngành "hot" nhất là tài chính ngân hàng năm nay có thể là 19, giảm 1,5 điểm so với năm ngoái.
Học viện Ngân hàng cho biết, phổ điểm thi của trường năm nay thấp hơn năm ngoái một chút và có thể ảnh hưởng tới điểm chuẩn. Điểm thi của thí sinh vào Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông năm nay không cao nên dự kiến điểm chuẩn tương đương với năm 2011. Để nâng cao chất lượng đầu vào, Học viện dành 50% chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng 2.
Cũng có một vài trường dự kiến điểm chuẩn sẽ tăng, đó là Trường ĐH Sư phạm Hà Nội với một số ngành xã hội. Học viện Ngoại giao cũng khẳng định điểm chuẩn sẽ có khả năng cao hơn do lượng thí sinh đăng ký dự thi tăng đột biến... Trường ĐH Hà Nội cho biết, năm nay kết quả thi của thí sinh tương đối cao nên điểm chuẩn sẽ không thấp hơn năm trước.
Thêm cơ hội cho thí sinh
Khi toàn cảnh điểm thi dần rõ nét, nhiều trường đã chuẩn bị cho công tác xét tuyển. Năm nay, Bộ GD-ĐT không đưa ra giới hạn về số đợt xét tuyển với một "ưu ái": cho phép thí sinh được sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi có chữ ký và đóng dấu đỏ của trường tổ chức thi hoặc bản sao có công chứng để tham gia đăng ký xét tuyển. Mặc dù khẳng định điều này không chỉ tạo thuận lợi cho thí sinh mà còn giúp các trường mở rộng nguồn tuyển, song nhiều trường vẫn e ngại về tình trạng nhiều thí sinh ảo khiến việc xét tuyển kéo dài. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, đây không phải quy định "cứng". Các trường có quyền tự quyết định có nhận bản sao giấy báo điểm có công chứng hoặc chỉ nhận giấy báo điểm gốc.
Để giảm thiểu lượng thí sinh ảo, nhiều khả năng một số trường như Trường ĐH Mỏ địa chất, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội… sẽ không nhận bản sao có công chứng giấy báo điểm. Chấp nhận nhận bản sao nhưng Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Hải Phòng bày tỏ lo ngại việc này sẽ kéo dài thời gian xét tuyển. Hơn nữa, dù cho thí sinh có nộp cho trường bản chính thì cũng không bảo đảm rằng thí sinh đó sẽ học tại trường. Thậm chí, thí sinh đã đến trường làm thủ tục rồi vẫn có thể lại chuyển sang trường khác. Trước những bất cập trên, nhiều ý kiến cho rằng quy định mới chủ yếu tạo điều kiện cho thí sinh đỡ việc đi lại, rút ra nộp vào hồ sơ, hầu như không giúp được nhiều cho các trường.
Quy định thí sinh được rút hồ sơ từ trường này để tham gia xét tuyển trường khác cũng được các chuyên gia tuyển sinh đánh giá là tạo thuận lợi cho thí sinh. Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội Nguyễn Thị Tĩnh khẳng định: Điều này là vô cùng quan trọng bởi nó giúp thí sinh chọn được trường hay ngành nghề phù hợp, quyết định cả tương lai nghề nghiệp của một con người. Bà Nguyễn Thị Tĩnh cho biết, mặc dù không xét tuyển nhiều chỉ tiêu nguyện vọng 2, nhà trường vẫn sẽ thực hiện đúng quy định của Bộ GD-ĐT về việc cập nhật thông tin xét tuyển thường xuyên để thí sinh có cơ sở quyết định việc rút hồ sơ xét tuyển. Cũng như Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, hầu hết trường thuộc nhóm trên đều cho rằng, quy định cho phép thí sinh rút hồ sơ thoải mái không ảnh hưởng nhiều tới công tác tuyển sinh, bởi về cơ bản họ đã tuyển đủ thí sinh với nguyện vọng đầu tiên.