Ấn Độ: Hơn 300 triệu người bị mất điện
Thế giới - Ngày đăng : 15:45, 30/07/2012
Cú mất điện đã ảnh hưởng đến một vùng lớn của đất nước, tác động đến hơn 300 triệu người ở các bang Punjab, Haryana, Uttar Pradesh, Himachal Pradesh và Rajasthan.
Bộ trưởng năng lượng Sushil Kumar Shinde cho biết, hiện 60% nguồn cung cấp điện đã được phục hồi và các vùng còn lại sẽ sớm có điện.
Hiện chưa rõ lý do tại sao điện bị mất, nhưng việc các bang sử dụng năng lượng nhiều hơn so với quy định có thể là một lý do.
Ông Shinde cho biết, ông đã chỉ định một ủy ban để tìm hiểu nguyên nhân gây mất điện, một trong những vụ tồi tệ nhất tại nước này trong hơn 1 thập niên qua.
Mất điện đã xảy ra lúc 02h30' (tức 21h GMT) ngày 30/7 sau khi hệ thống lưới điện miền bắc Ấn Độ bị hỏng.
Sáng nay, Ấn Độ đã chứng kiến cảnh giao thông hỗn loạn khi hàng nghìn hành khách bị mắc kẹt bởi các dịch vụ đường sắt bị gián đoạn ở Punjab, Haryana và Chandigarh.
Dịch vụ xe điện ngầm Delhi cũng đã bị đình trệ trong 3 giờ đồng hồ, mặc dù hệ thống này sau đó đã tiếp tục phục vụ khi nhận được điện dự trữ từ Bhutan, một quan chức cho biết.
Đèn giao thông trên các đường phố của thủ đô cũng không hoạt động khi mọi người đi làm buổi sáng sớm, gây ra ách tắc.
Các nhà máy xử lý nước trong thành phố cũng đã phải đóng cửa trong một vài giờ.
Các quan chức cho biết, việc khôi phục lại dịch vụ cho các bệnh viện và hệ thống giao thông được ưu tiên.
Việc cắt điện là khá phổ biến ở các thành phố Ấn Độ bởi sự thiếu điện cơ bản và mạng lưới điện đã quá cũ. Sự hỗn loạn gây ra do cắt điện đã dẫn đến các cuộc biểu tình và bất ổn trên các đường phố.
Trước đó trong tháng 7, một đám đông ở Gurgaon, ngoại ô Delhi, đã làm tắc nghẽn giao thông và đụng độ với cảnh sát sau khi khu vực này bị mất điện.
Các phóng viên cho biết, Ấn Độ rất cần gia tăng sản xuất điện, bởi hàng trăm triệu người dân thậm chí vẫn chưa được kết nối với lưới điện quốc gia.
Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh từ lâu đã cho rằng Ấn Độ cần phải xem xét đến năng lượng hạt nhân để cung cấp điện cho người dân.
Ước tính cho thấy, năng lượng hạt nhân chỉ đóng góp 3% vào nguồn cung cấp năng lượng hiện tại của đất nước. Nhưng việc xây dựng một số nhà máy điện hạt nhân theo đề xuất đã bị đình trệ bởi sự phản đối mạnh mẽ trong nước.