Mẹ chủ quan, con uống thuốc ho vẫn không khỏi

Sức khỏe - Ngày đăng : 14:28, 30/07/2012

Không phải mẹ nào cũng biết chăm sóc và cho con uống thuốc đúng cách khi con có triệu chứng ho.


Dù là người lớn hay trẻ nhỏ thì ai cũng từng bị ho. Trẻ con dễ bị ho hơn người lớn do sức đề kháng thấp hơn. Bị ho cũng đồng nghĩa với việc trẻ dễ bị viêm nhiễm đường hô hấp, các bệnh tai mũi họng...


Thế nhưng, không phải mẹ nào cũng biết chăm sóc và cho con uống thuốc đúng cách khi con có triệu chứng ho.

Bé Tép nhà chị Hồng rất ít khi bị ho nhưng cứ thấy con húng hắng ho một tí là chị lại sốt ruột và bắt con uống thuốc ngay lập tức mà không cần đưa con đi khám.

Lần này cũng vậy, chỉ một đêm nằm điều hòa lạnh không đắp chăn mà hôm sau Tép có dấu hiệu ho khan. Ngay lập tức chị Hồng lại lấy lọ thuốc ho trước đó cho con uống. Đáng lẽ cần uống theo chỉ định ngày 2 lần thì chị tăng luôn lên 3 lần với mục đích "để cho con nhanh khỏi". Thế nhưng càng uống càng thấy con ho nhiều, con càng ho nhiều chị càng tăng liều lượng lên. Đến ngày thứ 3, chồng chị sốt ruột giục chị đưa con đi khám thì chị mới biết con bị viêm phế quản và có dấu hiệu chuyển sang viêm phổi vì không được chăm sóc đúng cách.

Theo bác sĩ thì trước đó Tép chỉ bị cảm lạnh và có thể viêm họng nên có biểu hiện khó chịu ở họng, húng hắng ho khan. Trong trường hợp này, chị Hồng không cần dùng thuốc trị ho mà chỉ cần chăm sóc đúng cách như giữ ấm, cho Tép nghỉ ngơi, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ chất, cho uống nước nhiều hơn (đặc biệt cho uống nước cam, nước chanh)... Tép có thể tự khỏi sau 1 - 2 tuần và không bị ảnh hưởng nhiều.


Trái với chị Hồng, chị Thanh lại cho rằng ho là chuyện hết sức bình thường. Nó là một phản xạ sinh lý có tính bảo vệ cơ thể. Mỗi lần trẻ ho chính là giúp làm sạch đường thở, long đờm hoặc dị vật lạ trong đường hô hấp ra ngoài, giúp đường hô hấp hoạt động tốt hơn.

Vậy nên, thấy con ho chị cũng không vội sốt ruột. Chị vốn cũng bận bịu nên nhiều khi con ho đến ngày thứ 3, 4 rồi chị mới nhớ ra và cho con uống thuốc. Nhưng với cái tính hay quên của chị thì việc uống thuốc của con cũng không được đều đặn, cho dù ngày nào chị cũng nghe tiếng con ho như "quốc kêu". Cũng chính vì lý do đó mà cứ mỗi lần bị ho là con chị lại ho kéo dài cả tháng mới khỏi, không ít lần tình trạng ho còn nặng thêm. Thằng bé con chị Thanh cứ còi cọc là vì vậy.

Trẻ bị ho và phải uống thuốc ho là điều đương nhiên. Nhưng không phải cứ ho là uống và uống càng nhiều càng tốt, bởi bất kì loại thuốc nào cũng có liều lượng và phải uống theo chỉ định của bác sĩ.

Mặc dù ho là một phản xạ sinh lý có tác dụng làm sạch đường thở nhưng các mẹ đừng thấy con ho mà để mặc như vậy. Không vội vàng cho con uống thuốc ho ngay nhưng cũng phải theo dõi các biểu hiện của con và cần đưa con đi khám kịp thời. Một khi đã cho con uống thuốc thì phải uống đúng quy định.

Các bác sĩ khuyến cáo, đối với trẻ, nếu thấy ho mà cách thở, nhịp thở bất thường (thở nhanh từ 50 lần/phút trở lên, thở khó, lõm ngực khi hít vào hoặc thở khó khăn kiểu suyễn) thì phải đưa ngay trẻ đến bác sĩ để được chỉ định đúng thuốc, điều trị kịp thời. Hoặc thấy trẻ ho và đã cho trẻ dùng thuốc chống dị ứng trị ho dăm ba ngày mà không thấy đỡ thì nên đưa trẻ đi khám để tránh những hậu quả không mong muốn.

Theo Maskonline