Nhân dân ngoại thành Thủ đô góp phần cho chiến thắng
Chính trị - Ngày đăng : 06:20, 16/12/2022
Từ đầu tháng 4-1972, đế quốc Mỹ bắt đầu leo thang chiến tranh phá hoại lần thứ hai ra miền Bắc. Ngày 16-4-1972, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã họp ra thông báo cho quân, dân Thủ đô sẵn sàng chiến đấu và làm tốt công tác phòng không nhân dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại, nhất là ở những nơi tập trung đông dân cư, các khu kho tàng, cơ sở công nghiệp, bảo đảm giao thông và khắc phục hậu quả khi địch đánh phá.
Tính đến giữa năm 1972, các huyện: Thường Tín, Quốc Oai, Thạch Thất, Hoài Đức, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Đan Phượng... đã đón trên 50 vạn người từ nội thành về sơ tán. Cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương đã hết lòng giúp đỡ nhân dân Hà Nội sơ tán về, từ việc sinh hoạt, ăn ở đến học hành của con em.
Không chỉ có vậy, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương ngoại thành còn tập trung sửa sang hầm hố, kiểm tra và bổ sung thuốc men dụng cụ cho các đội cứu thương, cứu sập, bảo đảm giao thông, tăng cường tuần tra bám sát địa bàn, giữ vững trật tự trị an. Đặc biệt, dân quân tự vệ và nhân dân các huyện: Gia Lâm, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Đan Phượng, Ba Vì… luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, giáng trả khi địch tấn công.
Ngày 18-12-1972, không quân Mỹ bắt đầu chiến dịch Linebacker II đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương miền Bắc. Tại địa bàn trọng điểm là huyện Gia Lâm, ngay sáng sớm 19-12, các khu vực thị trấn Yên Viên, Gia Lâm và 11 xã phía Bắc của huyện bị máy bay cường kích bắn phá. Liên tục những ngày sau, nhiều khu vực của huyện bị địch ném bom. Đặc biệt, lúc 22h50 ngày 26-12-1972, nhiều tốp máy bay chiến thuật và 18 “pháo đài bay” B-52 đánh phá ác liệt các xã: Yên Viên, Thượng Thanh, Gia Thụy, Kim Lan, Văn Đức…
Tuy nhiên, lực lượng tự vệ Gia Lâm đã chiến đấu dũng cảm, tổ chức giăng lưới lửa tầm thấp bắn máy bay cường kích, tạo thời cơ cho bộ đội phòng không diệt chúng ở tầm cao. Qua đó, xuất hiện nhiều tấm gương chiến đấu và phục vụ chiến đấu rất dũng cảm. Tiêu biểu như dân quân tự vệ xã Bát Tràng đã bắt được phi công lái B-52, giúp bộ đội di chuyển, củng cố trận địa, chuyển tải đạn. Ở chòi quan sát xã Giang Biên có 4 cô gái do chị Nguyễn Thị Tý phụ trách đã bám trụ kiên cường, quan sát đánh dấu từng khu vực ném bom rồi báo cáo lên trên. Hay như chị Nguyễn Thị Vân (điện thoại viên Bưu điện Gia Lâm) thường trực suốt ngày đêm mặc cho bom rơi, đạn nổ, cùng đồng đội bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt…
Trong khi đó, ở phía Nam thành phố, trong suốt 12 ngày đêm cuối năm 1972, Mỹ đã huy động 92 lần chiếc máy bay ném bom vào các trọng điểm trên địa bàn huyện Phú Xuyên. Quân và dân Phú Xuyên đã hiệp đồng tác chiến, phối hợp với bộ đội chủ lực tạo thành lưới lửa phòng không dày đặc, chiến đấu 241 trận, bắn rơi 13 máy bay Mỹ.
Ba Vì cũng là địa bàn bị không quân Mỹ đánh phá nhiều trận. Đặc biệt, vào 20h10 ngày 19-12-1972, một máy bay B-52 vào gây tội ác trên bầu trời Hà Nội đã bị lưới lửa phòng không của ta bủa vây, bị bắn hạ, bốc cháy và lao xuống cánh đồng Gò Trả, thôn Mai Trai, xã Vạn Thắng (huyện Ba Vì).
Là cửa ngõ tiếp nối các tỉnh, thành phía Bắc với Thủ đô Hà Nội, do đó huyện Đa Phúc - Kim Anh (Sóc Sơn ngày nay) là địa bàn trọng điểm bị không quân Mỹ đánh phá liên tục. 19h15 ngày 18-12-1972, máy bay B-52 rải thảm 572 quả bom xuống sân bay Nội Bài và các xã phụ cận. Trong trận này, chiếc B-52G đầu tiên của Mỹ bị quân ta bắn rơi tại chỗ. Những ngày sau đó, địch tiếp tục đánh phá mạnh khu vực huyện Đa Phúc - Kim Anh. Riêng đối với huyện Kim Anh, Mỹ đã ném hơn 4.500 quả bom, ước tính 1.200 tấn, 66 thùng bom bi bằng 18.000 quả, 600 quả bom xuyên. Bình quân mỗi người dân Kim Anh phải hứng chịu 150kg bom đạn. Trong 3 đêm, từ 27 đến 29-12-1972, chúng đã giết hại 315 người dân, làm bị thương 81 người, hủy diệt 863 ngôi nhà. Tại huyện Đa Phúc, chúng đã ném gần 700 quả bom phá, 12 thùng bom bi, bắn 13 quả tên lửa xuống 41 điểm trên 14 xã, làm chết 59 người. Lực lượng vũ trang và dân quân tự vệ phối hợp với các trận địa pháo và không quân ta bắn rơi 11 máy bay Mỹ, trong đó có 3 B-52.
Không chỉ anh dũng trong chiến đấu, nhân dân Đa Phúc - Kim Anh còn thể hiện chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong phục vụ chiến đấu, bảo đảm thông suốt giao thông, giải quyết hậu quả sau mỗi trận bắn phá của Mỹ.
… 50 năm trôi qua nhưng những đóng góp của nhân dân ngoại thành Thủ đô trong 12 ngày đêm năm 1972 anh dũng, kiên cường đã ghi thêm những nốt nhạc hào hùng vào bản anh hùng ca bất diệt mang tên chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.