Xuất hiện những tín hiệu tích cực

Văn hóa - Ngày đăng : 07:05, 30/07/2012

(HNM) - Lần đầu tiên, Liên hoan Sân khấu Kịch chuyên nghiệp toàn quốc được tổ chức tại TP Huế, nơi không có một đơn vị kịch nói nào và khán giả cũng vẫn xa lạ với nghệ thuật kịch.


Trước khi diễn ra, ngay cả những người tổ chức và các đoàn tham dự cũng không quá kỳ vọng trong lần thử sức này. Bởi danh sách có nhiều vở cũ, cơ chế không cho phép đài thọ các đơn vị tham dự trọn vẹn liên hoan nên buộc họ phải tính toán chi li. Công luận gần đây thì đưa ra nhiều băn khoăn khi sân khấu kịch đã vắng khán giả, ở Huế dù miễn phí nhưng e là không mấy ai mặn mà. Có cả những định kiến về các kỳ liên hoan chỉ tổ chức để tạo cớ "mưa" huy chương cho các đoàn, các diễn viên. Nhưng thực tế những gì thu được ở Liên hoan Sân khấu Kịch lần này là có nhiều tín hiệu tích cực.


Cảnh trong vở “Những mặt người thấp thoáng” - Nhà hát Kịch Hà Nội đoạt giải Vàng.Ảnh: Hoàng Hồng

Điều đáng mừng, tham dự liên hoan lần này chiếm đến phân nửa là các vở xã hội hóa. Hơn nữa lại có cả những vở từ phía Bắc đưa vào như của Trung tâm Bảo tồn và Phát triển nghệ thuật sân khấu Việt Nam, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Hội Sân khấu Hà Nội, Đại học SK-ĐA Hà Nội… Các vở diễn ở liên hoan ưu thế là kịch chính luận, đề cập được những vấn đề nhức nhối, đang được xã hội quan tâm. Có những vở động đến những sự kiện lớn, phản ánh trực diện những vấn đề cả xã hội đang nhức nhối với góc nhìn mạnh dạn, quyết liệt, dám đi đến cùng, điều mà trước kia, văn học nghệ thuật thường phải né tránh. Đó là vấn đề ruộng đất của người dân bị quy hoạch vì mục đích nhóm quyền lợi nào đó (vở "Lũ quét" của Nhà hát Kịch Quân đội). Đó là sự tha hóa phẩm chất cán bộ; là công tác tổ chức cán bộ, tinh thần chịu trách nhiệm chưa tương xứng với chức vụ được giao (vở "Tội ác và quyền lực" của sân khấu kịch Phước Sang; "Những mặt người thấp thoáng" của Nhà hát Kịch Hà Nội…). Bên cạnh đó là những vở có ý nghĩa nhân văn sâu sắc với những thân phận con người dung dị, bé nhỏ mà qua đó, hiển hiện những triết lý tốt đẹp về lẽ sống, lẽ đời, tình người trong xã hội hiện đại, như ở "Tình cha" (Sân khấu Nụ cười mới); "Giếng thơi trong lòng phố" (Đoàn kịch Quảng Ninh), "Cầu vồng lục sắc" (Nhà hát Tuổi trẻ)…

Không còn là sự gặp lại các đạo diễn gạo cội, lần này có nhiều đạo diễn mới xuất thân từ diễn viên thành danh tự tin và vững nghề. Nhưng còn sớm để nói rằng đây là thời kỳ chuyển giao thế hệ đạo diễn ở Việt Nam. Bởi như vở "Âm binh" của đạo diễn Xuân Hồng xét rạch ròi ra vẫn là sự sáng tạo tập thể, có nhiều cố vấn…

Năm nay các kịch bản chưa thật xuất sắc, còn chưa hoàn chỉnh. Thế nhưng chính diễn viên đã "cứu" các tác phẩm. Ở các đơn vị sân khấu phía Nam, diễn viên trẻ, mới diễn tự nhiên, sáng tạo và biết cách làm nổi bật nhân vật… Lần này Sân khấu Kịch Hồng Vân đã không có được thành công qua hai vở "Làm…" và "Nước mắt người điên", thậm chí còn gây ra những dư luận trái chiều về những cảnh "chỉ dành cho người lớn". Nếu cách xử lý sân khấu sa đà vào miêu tả, vào tự nhiên chủ nghĩa, không đạt tới cái đẹp thanh tao, cái đẹp của sự gợi tả… thì dễ gây phản cảm.

Cuối cùng, Liên hoan Sân khấu Kịch năm nay đã thoát được cái dớp "mưa" huy chương. Tuy nhiên, các vở sân khấu kịch phía Nam đông khán giả, tạo nhiều hiệu ứng tốt nhưng giải dành cho kịch phía Bắc lại áp đảo. Phải chăng, tiêu chí của các giám khảo vẫn khác quá xa với cách đánh giá của khán giả?

- Giải Vàng: “Tội ác và quyền lực” (Công ty cổ phần Đầu tư giải trí Phước Sang), “Những mặt người thấp thoáng” (Nhà hát Kịch Hà Nội), “Lũ quét” (Nhà hát Kịch Quân đội).
- Giải Bạc: “Cái chết chẳng dễ dàng gì” (Nhà hát Kịch Quân đội), “Âm binh” (Trường Đại học Sân khấu điện ảnh TP Hồ Chí Minh), “Chia tay hoàng hôn” (Nhà hát Kịch Việt Nam), “Biển và bờ” (Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam), “Mùa hạ cay đắng” (Trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội), “Tôi là người Việt Nam” (Đoàn Kịch nói Công an nhân dân).
- 34 HCV và 64 HCB cho các cá nhân xuất sắc.

Cao Ngọc