Người tiêu dùng phải biết tự bảo vệ
Xã hội - Ngày đăng : 06:43, 30/07/2012
Ngày 14-4-2012, anh Đ., ở phường Mộ Lao (Hà Đông) mua một chiếc xe đạp điện ở cửa hàng xe đạp H-T, phố Quang Trung với giá 10 triệu đồng. Chủ cửa hàng giới thiệu đây là hàng nhập khẩu của hãng Honda, rất tốt, bảo hành ắc quy 6 tháng… Nhưng mới sử dụng được hơn 2 tháng thì chiếc xe tự dưng bốc cháy khi đang sạc điện. Xác định nguyên nhân do chập điện ắc quy, anh Đ. đề nghị hỗ trợ thiệt hại thì chủ cửa hàng lạnh tanh: "Chỉ bảo hành về mặt chất lượng xe, không bảo hành khi xe bị cháy do bất kỳ nguyên nhân nào"... Xem lại "Giấy bảo hành", anh Đ. mới tá hỏa khi đơn vị sản xuất, năm sản xuất và những thông số cần thiết, hướng dẫn cách sử dụng… đều không có. Không biết "kêu" ở đâu, anh Đ. đành vứt chiếc xe cháy ra bãi rác.
Người tiêu dùng cần được bảo đảm quyền lợi khi mua, sử dụng hàng hóa. Ảnh: Như Ý
Trên đây là một ví dụ về việc quyền lợi của NTD bị xâm hại do mua phải hàng hóa, sản phẩm kém chất lượng song không biết "đến" đâu, cơ quan nào để giải quyết. Ngay Hà Nội mà còn vậy, vùng sâu vùng xa thì khó khăn đến đâu?
Đánh giá một năm thực hiện Luật BVQLNTD, Bộ Công thương vẫn lạc quan nhận định: Công tác BVQLNTD đã được cải thiện đáng kể. Trong năm 2011, các Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (TC&BVNTD) trong cả nước giải quyết được gần 2.000 vụ, tỷ lệ thành công là 70-80%... Song đó mới là những vụ được phản ánh, còn số vụ NTD "âm thầm" chịu thiệt hại, chắc chắn lớn hơn rất nhiều. Trên thực tế, các vụ việc vi phạm quyền lợi NTD đang có xu hướng tăng. Tuy Bộ Công thương cũng chỉ ra những hạn chế như việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về BVQLNTD của nhiều địa phương còn yếu, chủ yếu tập trung vào bề nổi như tổ chức hội nghị, hội thảo, diễn đàn… mà chưa thiết thực, cụ thể. Hội TC&BVNTD là tổ chức xã hội có nhiệm vụ BVQLNTD lại chưa được thành lập ở tất cả các địa phương; hầu hết là mới thành lập, kinh nghiệm ít, lực lượng mỏng, vị thế chưa có, thiếu cả kinh phí, điều kiện làm việc lẫn sự hợp tác của các cơ quan có trách nhiệm trên địa bàn nên hoạt động gặp rất nhiều khó khăn… Song điều đáng nói nhất, hay khó khăn lớn nhất là luật chưa phổ cập. Đến nay số người hiểu về Luật BVQLNTD rất ít. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội TC&BVNTD Việt Nam đã đánh giá rằng, dù rất được kỳ vọng và triển khai khá rầm rộ, Luật BVQLNTD mới chỉ được thực thi ở mức độ… khởi động, NTD vẫn phải tự bảo vệ mình là chính (!).
Do nhiều người tiêu dùng chưa nắm rõ Luật BVQLNTD, ngay cả thiết thực nhất là 8 quyền của mình với tư cách là NTD đã được ghi trong luật, nên khi quyền lợi bị xâm phạm họ thường ở vào vị thế yếu, nhiều người lại không biết khiếu nại ở đâu. Các cơ quan có trách nhiệm, Hội TC&BVNTD… còn nhiều lúng túng trong việc phổ cập những thông tin cần thiết tới NTD. Trong thời gian qua, báo chí cũng đã tuyên truyền nhiều về Luật BVQLNTD nhưng tác dụng còn thấp. Do phương pháp, biện pháp tuyên truyền chưa đúng, chưa trúng hay do NTD thiếu quan tâm là vấn đề phải được xem xét, điều chỉnh một cách nghiêm túc, vì để NTD "mù" luật cũng có nghĩa là luật chưa đi vào cuộc sống, không phát huy được tác dụng.
Có một thực tế là nhiều NTD biết mình có quyền khiếu nại, tố cáo, nhưng tâm lý thường là ngại va chạm, nếu thiệt hại không lớn thường bỏ qua. Nhưng họ không thấy rằng thiệt hại cho cả cộng đồng NTD sẽ là rất lớn, hơn nữa sự e ngại đấu tranh đã khuyến khích cho hành vi gian lận, khiến cái sai mặc nhiên tồn tại, lấn át cái đúng. Bên cạnh đó, dù đã được luật pháp bảo vệ, song vì quyền lợi của chính mình thì NTD phải quan tâm, tìm hiểu. Pháp luật không chỉ quy định quyền mà còn quy định cả nghĩa vụ của NTD, vì thế, việc đưa những tranh chấp dân sự ra tòa để giải quyết phải được NTD xem là hết sức bình thường, đặc biệt trong trường hợp quyền lợi của mình bị xâm phạm. Mặt khác, vì lợi ích cộng đồng và không phải người tiêu dùng bao giờ cũng đúng, nên cùng với quyền lợi, NTD cũng cần thực hiện chính xác, đầy đủ hướng dẫn sử dụng, thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hóa lưu hành trên thị trường không an toàn… Như vậy, nhận thức về quyền và trách nhiệm mới từng bước sẽ được nâng cao.
Về phía tổ chức, cá nhân kinh doanh là đối tượng chịu sự điều chỉnh của luật, tới đây khi nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVQLNTD được ban hành, sẽ có những chế tài cụ thể để xử lý hành vi vi phạm (hiện nay còn nằm rải rác ở các nghị định và chưa đầy đủ, chưa phù hợp), buộc những tổ chức, cá nhân kinh doanh lâu nay làm ăn chưa nghiêm túc phải thay đổi nhận thức, còn những tổ chức, cá nhân làm ăn chính đáng sẽ càng thuận lợi hơn khi hoạt động trong môi trường cạnh tranh lành mạnh, đúng pháp luật.