Đội tuyển Taekwondo tìm lại quá khứ

Xã hội - Ngày đăng : 07:55, 29/07/2012

(HNM) - Quá khứ từng là niềm tự hào, động lực và cũng là áp lực cho các VĐV Taekwondo Việt Nam trong hai kỳ Olympic gần đây. Ở Olympic kỳ này, hào quang quá khứ - chính xác là tấm HCB của Trần Hiếu Ngân tại Olympic 2000, lại được nhắc tới.



Thăng trầm quá khứ

12 năm trước, thể thao Việt Nam bước vào Olympic Sydney mà không có chút thành tích đáng kể. Lúc đó, đấu trường Olympic luôn là biển lớn với nền thể thao Việt Nam. Sau khi hội nhập trở lại với thể thao quốc tế vào năm 1989, thể thao Việt Nam vẫn loanh quanh ở đấu trường SEA Games cũng như ASIAD. Ngay ở hai đấu trường này, thể thao Việt Nam cũng chưa có vị thế đáng kể, ngoài thành tích ở môn Taekwondo tại các kỳ ASIAD. Những tấm HCV của Trần Quang Hạ, Hồ Nhất Thống tại ASIAD 1994, 1998 là hy vọng duy nhất để thể thao Việt Nam tính đường vươn xa tại các đấu trường lớn hơn.

Lê Huỳnh Châu (phải), niềm hy vọng của Taekwondo Việt Nam tại Olympic 2012.


Năm 2000 đó, hy vọng giành huy chương dồn vào các võ sĩ nữ. Nguyễn Thị Xuân Mai được kỳ vọng hơn cả lại không thể đoạt huy chương trong khi đó Trần Hiếu Ngân ít tiếng tăm hơn lại đi đến tận trận chung kết. Tấm HCB năm đó mà Hiếu Ngân giành được thực sự là cú hích quan trọng cho thể thao Việt Nam cũng như chính môn Taekwondo. Các nhà quản lý thể thao đã dám đặt ra những mục tiêu cao hơn. Giành huy chương Olympic không còn là mục tiêu bất khả thi nữa. Còn Taekwondo, trọng trách trước mỗi kỳ Olympic lại thêm nặng nề. Những gì đã làm được trong quá khứ thì không lý gì lại không thể làm được trong tương lai - đấy là sự "đương nhiên" dành cho Taekwondo   Việt Nam.

Nhưng từ sau Olympic 2000, Taekwondo thế giới đã có những thay đổi nhanh chóng. Hàng loạt quốc gia vươn lên mạnh mẽ với dàn VĐV có thực lực chứ không cần nhờ đến sự thiên vị trên các thảm đấu. Vị trí độc tôn của Hàn Quốc, quốc gia khai sinh môn võ này, bị chia sẻ. Taekwondo Việt Nam cũng không còn dễ dàng giành huy chương tại các giải đấu châu lục, thế giới. Các cuộc đấu giành vé dự Olympic thực sự khó khăn với Taekwondo Việt Nam. Còn tại Olympic 2004 và 2008, khi không còn sự may mắn từ bốc thăm, các võ sĩ Việt Nam đã không thể lặp lại kỳ tích của đàn chị Trần Hiếu Ngân. Những Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Quốc Huân, Hoàng Hà Giang, Nguyễn Thị Hoài Thu được đánh giá cao nhưng bước tiến chuyên môn của họ lại chậm hơn các đối thủ. Chính vì vậy, giấc mơ giành huy chương Olympic thứ hai của Taekwondo Việt Nam cứ gác lại vô thời hạn. Tuy vậy, so với nhiều môn thể thao khác ở Việt Nam, Taekwondo vẫn có vị thế đặc biệt vì luôn có VĐV giành suất chính thức dự Olympic. Thậm chí, năm 2008, Taekwondo Việt Nam còn có 3 suất chính thức, là môn thể thao đóng góp nhiều VĐV dự Olympic nhất cho đoàn thể thao Việt Nam.

Giành đủ vé nhưng khó giành huy chương

Taekwondo Việt Nam đã đặt mục tiêu là có ít nhất 2 võ sĩ tham dự Olympic 2012. Mục tiêu ấy đã được hoàn thành, dù khá chật vật, với sự xuất sắc của Lê Huỳnh Châu và Chu Hoàng Diệu Linh. Thậm chí, để chăm chút cho mục tiêu đoạt vé dự Olympic 2012, Lê Huỳnh Châu đã chấp nhận không dự SEA Games 26, nơi anh có thể lên ngôi vô địch cùng vô số tiền thưởng. Nhưng khi đoạt vé dự Olympic 2012 rồi, Taekwondo  lại đứng trước câu hỏi khó khăn: "Liệu có khả năng đoạt huy chương hay không?". Không dễ trả lời câu hỏi đó dù trên lý thuyết, mọi VĐV đều có cơ hội đoạt huy chương trước mỗi giải đấu. Nhưng thực tế từ các cuộc đấu cấp thế giới gần đây đã khiến các nhà quản lý, chuyên môn Taekwondo Việt Nam đắn đo, dè dặt dù họ đã đầu tư tốt nhất cho Huỳnh Châu, Diệu Linh, không chỉ bởi Lê Huỳnh Châu, Chu Hoàng Diệu Linh đều lạ lẫm với đấu trường Olympic, quan trọng là đứng trên họ là gần chục võ sĩ có đẳng cấp hơn hẳn. Muốn len qua nhóm này chỉ còn trông vào bốc thăm. Như thế đủ thấy cả Lê Huỳnh Châu, Chu Hoàng Diệu Linh khó có cơ hội lặp lại thành tích của Trần Hiếu Ngân tại Olympic 2000. Và tất cả chỉ còn biết hy vọng!

Minh Quang