Cuốn sách làm sống lại những ấn tượng tốt đẹp về Việt Nam
Xã hội - Ngày đăng : 06:38, 29/07/2012
Với phong thái lịch thiệp, giọng nói điềm đạm, ông đã chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới nhiều câu chuyện thú vị, xúc động quanh ấn bản này.
TS. Nguyễn Huy Hoàng. Ảnh: Mi Ly |
Cuộc gặp gỡ… trên không
- Thưa ông, cuốn nhật ký của bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm nổi tiếng bởi khả năng kết nối kỳ diệu. Sự gặp gỡ và quá trình tổ chức dịch tác phẩm này của ông hẳn cũng là một trong những câu chuyện thú vị như thế?
- Như chúng ta biết, 6 năm trước “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” ra đời, trở thành một hiện tượng lớn với sức lan tỏa và gây chấn động mạnh mẽ mà không có một tác phẩm văn học nào ở thời điểm đó có được. Nó khơi dậy cả một quá khứ mang diện mạo tinh thần của dân tộc. Nó làm sống lại một thời kỳ mà mỗi người đều mang trong mình những tình cảm lớn lao, dám từ bỏ tất cả để ra chiến trường, hy sinh vì Tổ quốc. Sự vĩ đại của tác phẩm này còn nằm ở chỗ nó được viết ra không phải để công bố.
Tuy nhiên, sức chấn động ấy chủ yếu diễn ra trong phạm vi Việt Nam, còn ở nước ngoài, số người được đọc chưa nhiều. Người ta biết đến nhật ký Đặng Thùy Trâm chủ yếu qua những thông tin ngắn gọn trên báo chí.
Với riêng tôi, sự khởi đầu bắt nguồn từ một cuộc gặp gỡ tình cờ trên chuyến bay từ Mátxcơva về Hà Nội vào năm 2006. Lúc đó khoảng 21h, cô chiêu đãi viên rút về ghế riêng của mình, lặng lẽ ngồi đọc một cuốn sách. Buồn vì mấy tờ tạp chí đã đọc hết, sách lại nằm cả ở khoang hành lý nên tôi đề nghị mượn cuốn sách của cô. Bất ngờ nhận ra tác phẩm mình cầm trên tay là “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, tôi đã đọc một mạch đến khi máy bay tiếp đất. Quả thật, những dòng chữ của người bác sĩ - liệt sĩ đã để lại trong tôi một ấn tượng mạnh mẽ. Ký ức từ hơn 30 năm trước về một thời chiến tranh khốc liệt bỗng ùa về. Tới nhà, đặt va li xuống, tôi gọi điện cho người bạn vong niên là nhà phê bình Vương Trí Nhàn để tìm điện thoại và địa chỉ nhà chị Đặng Thùy Trâm. Tôi mời nhà thơ Vũ Quần Phương, thầy Phan Huy Tuấn và cô giáo Nguyễn Minh Lý cùng đến thăm gia đình chị. Hôm đó, tôi đã nói với bà Doãn Ngọc Trâm, mẹ của nữ bác sĩ - liệt sĩ: “Cháu sẽ cố gắng tổ chức dịch cuốn nhật ký này sang tiếng Nga. Bởi vì cháu có cảm tưởng rằng tác phẩm này chị viết ra không chỉ dành cho bạn đọc Việt Nam”.
- Hình như ông cũng có những lý do đặc biệt khác để chuyển ngữ “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” chứ không phải nhật ký Nguyễn Văn Thạc hay một tác phẩm văn học xúc động nào khác?
- Tôi chọn cuốn này chứ không chọn Nguyễn Văn Thạc là cũng có cái lẽ riêng, mặc dù quyển nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” dễ dịch hơn. Chị Đặng Thùy Trâm là người Việt mang tâm hồn trong sáng, nhân hậu, một tính cách Nga mạnh mẽ, kiên trung. Cuộc chiến tranh vệ quốc và văn học Nga thực sự đã ảnh hưởng tới chị rất nhiều. Nước Nga còn là một phần ký ức sâu đậm đối với nhiều người thân trong gia đình chị. Thậm chí em trai của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm cũng đã nằm lại vĩnh viễn ở nước Nga.
Bên cạnh đó, từ sau khi Liên Xô sụp đổ, thế hệ người Nga mới hầu như không biết đến cuộc chiến tranh Việt Nam. Tôi muốn bạn đọc Nga hôm nay hiểu rằng Việt Nam đã có một cuộc chiến tranh mang tinh thần cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại như đất nước họ đã tiến hành, rằng Việt Nam đã chiến thắng bằng những “giấc mơ về hòa bình” của những tâm hồn đẹp đẽ. Sự gần gũi và chia sẻ còn có thể tìm thấy bởi người Nga cũng từng có những cuốn nhật ký chiến tranh có sức rung vang như “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”.
- Sự trở về của cuốn nhật ký khói lửa này cũng là một hành trình riêng nhiều trắc trở và đầy xúc động. Còn quá trình ra đời của ấn bản tiếng Nga vì sao phải mất tới 6 năm, thưa ông?
- Đó quả thật cũng là một câu chuyện riêng. Sau lời hứa ở nhà liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, quay trở lại Nga là tôi tìm gặp các tổ chức, doanh nghiệp người Việt ở Nga ngay để tìm sự hỗ trợ nhưng gặp khó khăn. Bỗng nhiên, tôi như người mắc nợ, một người có lỗi. Mỗi lần về Việt Nam, dù muốn mà không dám đến thắp hương cho chị Đặng Thùy Trâm. Không thể cứ vòng vo mãi, mà trả lời không dịch được thì thực là áy náy…
May thay, đầu tháng 6-2011, ở Nga ra đời một CLB May Thăng Long của anh em người Việt, trong đó nòng cốt là các anh Đỗ Quý Dương, Ngô Viết Tuấn, Nguyễn Mạnh Cường. Các anh cùng tôi trao đổi về các hoạt động của CLB May Thăng Long đối với cộng đồng người Việt. Câu chuyện trong buổi gặp đưa đẩy đến cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”. Thật không ngờ là họ cũng có ý tưởng chuyển tải cuốn nhật ký ra tiếng Nga, sẵn sàng tài trợ toàn bộ việc dịch và in cuốn sách. Việc làm này sau đó cũng nhận được sự đồng thuận của toàn bộ anh em trong Ban chấp hành CLB.
Lần này thì tôi đủ dũng cảm quay về gặp bà Doãn Ngọc Trâm để xin phép gia đình cho chuyển ngữ và in cuốn nhật ký. Sang Nga, đại diện nhóm dịch (dự kiến là tôi với Tiến sĩ A.Xocolov) đã ký một thỏa thuận với CLB dưới sự chứng kiến của Đại sứ Việt Nam ở Nga, ông Phạm Xuân Sơn. Tuy nhiên, những công việc bề bộn khác lại chi phối chúng tôi, khiến tôi quyết tâm tìm anh Lê Văn Nhân, chính thức đề nghị anh cùng với TS Xocolov chuyển ngữ tác phẩm này. Giống như hoài thai một đứa trẻ vậy, bản dịch cuốn sách ra đời sau đúng 9 tháng 10 ngày. Hầu như ngày nào tôi cũng liên hệ với nhóm dịch, trao đổi từng từ từng từ một…
Hy vọng mở ra một thời kỳ mới
- Là một tiến sĩ ngữ văn, giảng dạy văn học Nga, vì sao ông không trực tiếp dịch mà lại mời người bạn Lê Văn Nhân chuyển ngữ “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”?
- Truyện cổ Andecxen có một câu nói rất hay “Người nào, vật nào ở chỗ ấy”. Cần đặt mỗi người ở đúng vị trí công việc của họ. Tôi sáng tác từ năm 1995, đến nay đã xuất bản 15 tác phẩm thuộc nhiều thể loại, nhưng người sáng tác như tôi thì không dịch tốt bằng những nhà dịch thuật chuyên nghiệp. Thật ra, tôi đã chọn Lê Văn Nhân ngay từ đầu, nhưng lúc đó anh lại ở trong nước. Đến khi Lê Văn Nhân qua Nga giảng dạy ở thành phố Vladivostok thì tôi mới tìm gặp và mời anh dịch được.
- Bạn đọc có thể biết một cách ngắn gọn về hai dịch giả của chúng ta như thế nào, thưa ông?
- TS A.Xocolov mang phong cách chuẩn mực của nhà khoa học Nga, anh chính là người làm từ điển Việt-Nga, giỏi tiếng Việt, quan hệ rộng với giới khoa học, đã có 3 cuốn sách về Việt Nam, tham gia nhiều hoạt động văn hóa, khoa học Việt-Nga… Khi tôi mời anh vào nhóm dịch thì A.Xocolov đã đọc “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” rồi. Thậm chí dịch xong anh còn đối chiếu với bản tiếng Anh cho cẩn thận. Còn với anh Lê Văn Nhân thì phóng viên Đài Tiếng nói Nga khi phỏng vấn anh xong đã nhận xét thế này: “Nói chuyện với Lê Văn Nhân, nhắm mắt lại tôi tưởng như đang nói chuyện với một người Nga, chỉ có điều đó là một người Nga giỏi tiếng Việt hơn tôi!”. Nói thế để biết anh Lê Văn Nhân có khả năng tiếng Nga như thế nào!
- Dịch giả Lê Văn Nhân là người bạn thân thiết với ông tới mức… từng mang nguyên cả một vali rau muống sang cho ông. Còn TS A.Xocolov cũng có nhiều năm làm việc cùng ông. Đứng giữa hai người bạn thân thiết, hai dịch giả tin cậy, công việc làm người khớp nối của ông diễn ra như thế nào?
- Quả thật, vì cùng là những người bạn nên chúng tôi dễ hiểu nhau, tuy nhiên cũng hết sức tôn trọng nhau trong công việc. Sau khi bản dịch ra đời, nhóm dịch có trong tay một bản “giải mã” cuốn sách, nhưng thực tế lại là hai giọng điệu… riêng. Tôi buộc phải chọn hai nhà văn Nga cùng với TS A.Xocolov… để rà soát từng câu, từng dòng một nhằm tạo sự thống nhất trong cách dịch, sao cho giọng điệu gần gũi hơn với phong cách Nga… Cho đến nay, tôi khẳng định đây là bản dịch hoàn toàn đạt yêu cầu.
- Bạn đọc có thể tìm thấy ở ấn bản “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” bằng tiếng Nga không chỉ nội dung tác phẩm mà dường như còn nhiều hơn thế, thưa ông?
- Cuốn sách gồm 340 trang, ngoài phần nội dung chính là những trang nhật ký ra đời giữa đạn bom ở chiến trường Đức Phổ, Quảng Ngãi, chúng tôi cố gắng mang đến cho bạn đọc thêm những thông tin khác. Trước hết, qua vài lời mở đầu với độc giả Nga, tôi mong muốn tác phẩm này sẽ giúp họ làm sống lại tất cả ấn tượng tốt đẹp về Việt Nam, hiểu Việt Nam đúng như đất nước của chúng ta vốn có. Sau 20 năm không hề có sách dịch về Việt Nam, hy vọng rằng đây sẽ là cuốn sách mở đầu một thời kỳ mới, thời kỳ hợp tác và trao đổi văn học chặt chẽ hơn giữa hai nước.
Ở phần khác, bạn đọc Nga còn có thể hiểu thêm về lịch sử cuốn nhật ký qua bài viết của chị gái liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Phần cuối cùng là lời tựa của ông A.A Kolexnic - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh và chuyên gia Nga từng công tác tại Việt Nam. Ông là giáo sư, viện sĩ, đã từng tham gia trực tiếp các trận đánh máy bay B52 năm 1972 tại Hà Nội. Một lời tựa đặc biệt, vì những dòng cuối cùng là một bài thơ dành riêng cho Việt Nam và chị Đặng Thùy Trâm. Ông cũng xin phép sẽ tải từng phần của cuốn sách sau khi in xong, để đăng trên trang web Cựu chiến binh Nga. Cuốn sách này cũng mang đến cho bạn đọc những hình ảnh sống động nhất về bác sĩ Đặng Thùy Trâm do chính chị Đặng Kim Trâm và Trung tâm Văn hóa Đông Tây chọn lựa, xử lý công phu.
Nói tất cả những điều này, tôi muốn bày tỏ rằng “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” bản tiếng Nga là một công trình của cả một tập thể. Lần ra mắt ấn bản này tại Nga trong tháng 9 tới đây, tôi được biết mẹ liệt sĩ, bà Doãn Ngọc Trâm đã nhận lời mời của CLB May Thăng Long sang Nga tham dự.
Những điều còn mãi
- Đã thực hiện trọn vẹn lời hứa của mình nhưng có vẻ như cuốn nhật ký bằng tiếng Nga này cũng lại bắt đầu dội vào ông những trăn trở khác?
- Tôi vốn là người giảng dạy văn học, nhưng cũng là người sáng tác và hoạt động xã hội. Tất nhiên, dù làm gì thì cuối cùng tôi vẫn là một người lao động, cũng có vài ước mơ nho nhỏ. Trước mắt, “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” bản tiếng Nga ra đời, Câu lạc bộ Thăng Long chủ trương không kinh doanh mà sẽ dành 3.500 bản trong lần in đầu để tặng đại sứ quán, các cựu chiến binh Nga, Quỹ hòa bình Mátxcơva, các Hội Hữu nghị Việt - Nga, các thư viện ở Việt Nam, Nga, các nước có sử dụng tiếng Nga như Ucraina, Belarus…
Tôi nhớ lại, lúc đầu nhiều người không tin rằng cuốn nhật ký ấn bản tiếng Nga có thể ra đời, cho đó là hoạt động đánh bóng tuổi tên của CLB May Thăng Long. Nhưng cho đến nay, mọi người đã rõ ràng là Câu lạc bộ May Thăng Long làm việc hoàn toàn vô tư với tinh thần công dân của mình.
Còn tôi lại sẽ bắt tay vào một công việc khác. Đó là tổ chức lại lớp tiếng Việt ở Trường Phổ thông 282, Mátxcơva từng bị gián đoạn. Và, đầu tháng 11 tới, tôi sẽ về Việt Nam để ra mắt cuốn “Một thời tôi từng có” - tập thơ viết về nước Nga nhân kỷ niệm Ngày Cách mạng Tháng Mười.
- Ngoài việc đưa văn học Việt Nam đến với nước Nga, ông có nghĩ rằng trong xã hội của chúng ta hôm nay rất cần sự trở lại của những tác phẩm văn học Nga từng bồi đắp tâm hồn nhiều thế hệ?
- Quả là rất cần. Bạn cũng biết rằng, nền văn học hiện thực Nga đã ảnh hưởng sâu sắc tới sự hình thành tâm hồn, nhân cách con người Việt Nam. Người Việt Nam ta đồng điệu với tâm hồn Nga, tính cách Nga và tiếp nhận nó với “những trang sách đi suốt đời vẫn nhớ”.
Điều đáng buồn là sau đó người ta lặng lẽ rời bỏ tiếng Nga, văn học Nga ít độc giả, chương trình dạy văn học Nga bị rút ngắn… Cho đến nay, tôi vẫn khẳng định như Trần Đăng Khoa đã viết: “Cái còn thì vẫn còn nguyên/Cái tan dẫu tưởng vững bền vẫn tan”. Ở Nga hiện nay, người ta cũng đề nghị chọn những giá trị đích thực của văn học cổ điển Nga để truyền bá mạnh mẽ. Bởi lẽ văn học luôn luôn có giá trị rất lớn, đó là giá trị thanh lọc tâm hồn. Vì vậy, muốn xã hội lành mạnh thì phải có tác phẩm văn học lành mạnh. Tôi nghĩ rằng, trước mắt thì tái bản và quảng bá tốt những tác phẩm giá trị nhất của văn học Nga một thời đã là một thành công rồi!
- Xin cảm ơn và chúc ông luôn thành công!