“Rút ruột” container, doanh nghiệp “kêu trời”!

Kinh tế - Ngày đăng : 07:00, 28/07/2012

(HNM) - Nạn rút ruột hàng hóa trong container xảy ra ở phía Nam, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh, những tưởng đã "êm" sau vài vụ bị cơ quan công an điều tra, khám phá. Tuy nhiên thời gian gần đây, tình trạng này lại bùng phát, ngày càng tinh vi hơn, khiến nhiều doanh nghiệp (DN) "kêu trời" bởi không chỉ thiệt hại về kinh tế, mà còn ảnh hưởng tới thương hiệu, làm giảm uy tín với các đối tác trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.

Nạn "rút ruột" container đang khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng.

Hàng chưa thông quan đã đầy thị trường

Bà Nguyễn Thị Thu Phương, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Nam Dương (Công ty Nam Dương - trụ sở tại quận 7) bức xúc cho biết, tháng 5-2012, DN của bà (nhà phân phối) cùng Công ty CP Dược phẩm Traphaco (nhà nhập khẩu chính thức nhãn hiệu sữa XO) nhập một lô hàng từ Hàn Quốc về cảng Đình Vũ (TP Hải Phòng). Trong khi container hàng còn chưa rời kho hải quan, chưa hoàn tất thủ tục thông quan thì bất ngờ nhân viên công ty báo tin trên thị trường đang chào bán với giá rẻ một lô hàng sữa XO chưa dán tem nhập khẩu, chưa có các thông tin sản phẩm bằng tiếng Việt với chứng nhận của đơn vị nhập khẩu và phân phối. Traphaco và Công ty Nam Dương hoảng hồn, yêu cầu Công ty cổ phần Giám định Vinacontrol (đơn vị có chức năng giám định hàng hóa trong quá trình vận chuyển, xếp dỡ…), đến giám định container ngay tại cảng Đình Vũ dưới sự chứng kiến của hải quan và các đơn vị liên quan. Khi mở container, mọi người bất ngờ phát hiện mất 140 thùng hàng có số lô, ngày sản xuất hoàn toàn trùng khớp với lô hàng đang được rao bán trên thị trường. Tổng thiệt hại cho số hàng hóa bị "rút ruột" hơn 300 triệu đồng.

Vụ việc trên còn đang "nóng hổi" thì mới đây, Công ty Nam Dương lại phát hiện bị mất thêm 133 thùng sữa XO loại lớn trong container mới về kho ngày 17-7, mặc dù khóa niêm phong vẫn còn nguyên vẹn. Lần mất cắp này đã khiến công ty thiệt hại trên 700 triệu đồng, nhưng đơn vị giám định cũng như bảo hiểm từ chối xác nhận và đền bù, do hàng đã chuyển về kho của nhà nhập khẩu và quá trình mở niêm phong không có chứng kiến của ba bên.

Không chỉ là chuyện tiền bạc

Vấn nạn "rút ruột" container xảy ra không chỉ với hàng nhập khẩu mà cả xuất khẩu, không chỉ sữa mà cả cao su, điều... và chịu thiệt hại vẫn là DN. Điển hình như vào tháng 7-2011, Công ty Cao su V.P (TP Hồ Chí Minh) xuất cho DN Trung Quốc 42 tấn cao su trị giá gần 200.000 USD, đóng trong hai container. Khi xuất, hàng hóa đều được kiểm chứng, container được niêm phong kẹp chì dưới sự chứng kiến của các bên liên quan.

Khi đến cảng Qingdao (Trung Quốc), container vẫn nguyên niêm phong, kẹp chì nhưng hàng đã bị mất khoảng 18 tấn cao su. Đối tác đã kiện Công ty V.P ra Trọng tài kinh tế, đòi bồi thường hơn 118.000 USD. "Mất tiền đã là vấn đề lớn trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay. Tuy nhiên cái mất lớn hơn của chúng tôi là uy tín, thương hiệu và khách hàng!". Lãnh đạo công ty đã thốt lên như vậy, bởi không hiểu 18 tấn cao su "bốc hơi" ở khúc nào trên đường vận chuyển!?

Bà Nguyễn Thị Thu Phương (Công ty Nam Dương) cũng bức xúc: "Cho dù chúng tôi có được cơ quan bảo hiểm đền đi chăng nữa thì thiệt hại về uy tín cũng như doanh thu từ số hàng này không hề nhỏ. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng thiệt thòi nếu mua hàng trôi nổi, không có tem nhãn về thành phần chất lượng của nhà nhập khẩu và phân phối, nên sẽ không được hưởng khuyến mãi hay dịch vụ chăm sóc khách hàng. Chúng tôi đã gửi công văn đến các cơ quan chức năng đề nghị điều tra làm rõ tình trạng này để làm trong sạch thị trường, ngăn ngừa rủi ro kinh doanh cho DN cũng như bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng".

Xử lý nửa vời?!

Thời gian gần đây, cơ quan chức năng đã "vào cuộc", điều tra khám phá nhiều vụ "rút ruột" container. Điển hình, như vụ mất hai container cà phê của Công ty TNHH Dịch vụ - Giao nhận - Vận tải Vân Linh (quận 8) bị mất trộm số hàng trị giá hơn một tỷ đồng, công an đã bắt được đối tượng tên là Tư, còn một đối tượng (tên Thuận) thì đã nhanh chân trốn thoát. Tuy nhiên mới đây, công ty đã gửi đơn, thư tới các cơ quan chức năng, bức xúc rằng "có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm trong vụ án lái xe Phạm Văn Thuận trộm cắp hai container cà phê của Công ty Vân Linh”.

Theo luật sư Thái Văn Chung (Trưởng Văn phòng luật Nguyên Giáp, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP), tình trạng mất cắp hàng hóa trong container diễn ra ngày càng phổ biến. "Nhiều vụ kéo dài vẫn chưa bắt được kẻ gian, thậm chí có vụ tài xế lấy hàng xong gọi điện cho chủ xe đến nhận phương tiện… Tình trạng này gây thiệt hại rất nặng nề, cả về vật chất lẫn uy tín cho doanh nghiệp" - ông Chung bức xúc cho hay.

Thu Hà - Hà Tuấn