Nhớ nhà báo - liệt sỹ Nguyễn Minh Tâm
Giới trẻ - Ngày đăng : 05:44, 28/07/2012
Đền tưởng niệm liệt sỹ Bến Dược ở huyện Củ Chi - nơi tạc ghi tên tuổi và chiến công của nhà báo, liệt sỹ Nguyễn Minh Tâm. |
Những ngày cuối tháng 7, chúng tôi, lớp phóng viên trẻ Báo Hànộimới, lên đường tìm về Đền tưởng niệm liệt sỹ Bến Dược (đền Bến Dược) ở huyện Củ Chi - nơi tạc ghi tên tuổi và chiến công của nhà báo - liệt sỹ Nguyễn Minh Tâm. Biết chúng tôi muốn tìm tấm bia lưu danh liệt sỹ Nguyễn Minh Tâm, ông Võ Thảo Long, phụ trách đền Bến Dược chỉ dẫn rất tận tình. Ngước mắt lên tấm đá hoa cương khắc tên các Anh hùng liệt sỹ, ông Long bùi ngùi: "Trong kháng chiến chống Mỹ, vùng đất địa đạo Củ Chi được coi là "tam giác sắt", một thời rền vang bom đạn. Từ vùng đất đầy hố bom, cằn cỗi do chiến tranh tàn phá, năm 1993, UBND TP Hồ Chí Minh đã cho dựng Đền tưởng niệm liệt sỹ Bến Dược để ghi nhớ công ơn to lớn của 44.752 liệt sỹ đã chiến đấu và anh dũng hy sinh trên vùng đất Sài Gòn - Gia Định, trong đó có liệt sỹ Nguyễn Minh Tâm".
Ngược dòng thời gian, từ năm 1961 đến năm 1965, thời điểm phóng viên Nguyễn Minh Tâm về làm việc tại Báo Thủ đô Hà Nội (nay là Báo Hànộimới), tờ báo của Đảng bộ Hà Nội, nhiều đồng nghiệp còn nhớ đến hình ảnh một nhà báo trẻ xông xáo, năng động và đầy triển vọng. Những bài viết của nhà báo Minh Tâm, đặc biệt bài về khu công nghiệp đầu tiên của Hà Nội Cao - Xà - Lá được bạn đọc và đồng nghiệp đánh giá cao. Đây cũng là thời điểm bom đạn Mỹ không ngừng trút xuống các khu vực ngoại ô Thủ đô. Ngoài mặt trận, những tin tức nóng hổi về chiến sự ác liệt và chiến đấu ngoan cường của chiến sĩ, đồng bào miền Nam đã thôi thúc nhà báo trẻ Nguyễn Minh Tâm lên đường tòng quân. Một ngày tháng 6-1965, Nguyễn Minh Tâm bịn rịn chia tay người thân và các đồng nghiệp để "đi B" chiến đấu. Lúc tiễn biệt, người vợ của nhà báo Nguyễn Minh Tâm - chị Bạch Kim Nhung bấy giờ đang là công nhân Nhà máy Cơ khí Đồng Tháp không thể nghĩ rằng, đây là cuộc chia ly mãi mãi.
Không bao lâu sau khi vào chiến trường, Nguyễn Minh Tâm đã trở thành chỉ huy đại đội trinh sát giỏi, khiến không ít người bất ngờ, thán phục. Quãng thời gian chiến đấu đến khi ông hy sinh (năm 1968) không dài, đồng đội của Nguyễn Minh Tâm hầu như không còn, nên những tư liệu về ông rất ít ỏi. Rất may mắn, chúng tôi gặp được nhà báo Trần Văn Hiền ở Tạp chí Người làm báo, một người dày công viết về chân dung các nhà báo đã hy sinh, trong đó có nhà báo Nguyễn Minh Tâm. Ông Hiền kể: "Vì sao anh Tâm từ một phóng viên bỗng chốc trở thành một người chỉ huy đại đội trinh sát dũng cảm? Câu hỏi đó cứ đeo bám tôi suốt. Cách đây 2 năm, qua một số cựu chiến binh ở Ban liên lạc Biệt động Sài Gòn, tôi may mắn tìm gặp được ông Trần Hải Phụng (Tư Phụng) từng là Tư lệnh đặc khu Sài Gòn - Gia Định, người chỉ huy lực lượng biệt động đánh vào nội đô Tết Mậu Thân 1968, trước khi ông mất. Khi tôi hỏi về nhà báo, liệt sỹ Nguyễn Minh Tâm, ông Phụng vẫn nhớ như in hình ảnh người thanh niên miền Bắc mới vào chiến trường nhưng rất thông minh, gan dạ".
Nhà báo, liệt sỹ Nguyễn Minh Tâm. |
Ông Tư Phụng cho biết, khoảng áp Tết Mậu Thân, ông trực tiếp chỉ huy Đại đội trưởng trinh sát Nguyễn Minh Tâm phối thuộc với đơn vị F100 Biệt động Sài Gòn - Gia Định trinh sát 25 mục tiêu để chuẩn bị cho Quân giải phóng tấn công. Lúc đó từ khu cứ Củ Chi, Tâm dẫn đơn vị xuống ém quân ở các xã Xuân Thới Thượng, Xuân Thới Sơn, Xuân Thới Đông, Bà Điểm. Lợi dụng tình hình nhân dân tấp nập sắm Tết, ông Tâm táo bạo đề xuất giải pháp trinh sát công khai. Được ông Tư Phụng đồng ý, ông Tâm bắt mối nhờ làm mấy chục căn cước giả, kiếm đủ loại trang bị, áo quần sắc lính biệt động, lính dù, thủy quân lục chiến, cảnh sát dã chiến, tự vệ dân phòng. Sau đó, ông chỉ huy đại đội ẩn náu, đeo bám căn cứ địch.
Sau đòn tiến công bất ngờ đợt 1, đến đợt 2, từ ngày 5-5-1968, Mỹ - ngụy điên cuồng đánh phá vùng ven đô với mức độ tàn sát, hủy diệt địa bàn đứng chân của Quân giải phóng. Bầu trời vùng ven Sài Gòn chìm trong lửa đạn, từng bầy trực thăng quần thảo, đổ quân càn quét vành đai Hóc Môn, Bà Điểm, Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè, Củ Chi… Đặc biệt, vùng đất 18 thôn vườn trầu, nơi đại đội của ông Tâm bám trụ, là khu vực giáp ranh giữa nội đô và ven đô nên mức độ tàn phá càng khủng khiếp hơn, không một ngôi nhà nào còn nguyên vẹn, cây cối đổ rạp bởi đạn pháo và rốc két từ trực thăng phóng xuống. Thế nhưng Nguyễn Minh Tâm không những dũng cảm bám trụ, trinh sát mục tiêu mà còn chỉ huy đại đội tấn công căn cứ Tiểu đoàn dù số 3 của ngụy đóng tại Tân Thới Hiệp (Hóc Môn). Trong trận chiến này, đại đội của ông Tâm làm kẻ thù khiếp sợ trước lối đánh cận chiến bằng lưỡi lê, dao găm và lựu đạn.
"Sáng 7-5, sau khi Quân giải phóng miền Nam chiếm giữ căn cứ, địch điên cuồng cho pháo bắn dọn đường và máy bay giội bom phát quang, đồng thời điều 3 tiểu đoàn biệt động phản kích. Chúng mở nhiều đợt tiến công hòng đánh bật lực lượng chốt giữ phòng tuyến Bà Điểm - Hóc Môn. Sau nhiều lần đẩy lùi các đợt phản kích của địch, đại đội trinh sát thương vong quá nửa. Mặc dù mang trên mình nhiều vết thương, Tâm vẫn kiên cường chỉ huy đơn vị tiêu diệt địch… Tiếng súng ở 18 thôn vườn trầu chỉ ngừng khi kẻ địch dùng bom napan trút xuống, những quầng lửa nóng rực hủy diệt cả trận địa thiêu hủy luôn thi thể các chiến sĩ" - ông Tư Hậu ở xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, người từng đào hầm để ông Tâm và đồng đội ẩn náu, giọng như nghẹn lại khi nhắc đến trận chiến đấu cuối cùng của nhà báo, chiến sĩ Nguyễn Minh Tâm.
Rời đền Bến Dược, chúng tôi tìm đến 18 thôn vườn trầu ở Hóc Môn - Bà Điểm, nơi liệt sỹ Nguyễn Minh Tâm hy sinh. Mảnh đất này xưa kia vốn nổi tiếng bởi những vườn trầu xanh bất tận. Vậy nhưng, thật khó có thể hình dung được trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt là trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1968, vùng đất này gần như bị hủy diệt bởi "mưa bom, bão đạn". Hơn 30 năm sau giải phóng, những vết tích chiến tranh đã bị xóa nhòa. Hố bom, hố pháo, công sự được thay thế bởi nhà cửa san sát bên những vườn trầu xanh mướt. Nhà báo, liệt sỹ Nguyễn Minh Tâm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và đã hóa thân vào vùng đất này, nhưng tấm gương sự hy sinh oanh liệt của ông cho sự nghiệp thống nhất non sông sẽ luôn được các thế hệ làm báo hôm nay và mai sau ghi nhớ.