Nhật ký về Mẹ

Giới trẻ - Ngày đăng : 07:39, 26/07/2012

(HNM) - Trong số ba ngàn Mẹ Việt Nam Anh hùng của Thủ đô Hà Nội, có hàng trăm mẹ có từ hai con trở lên là liệt sĩ. Nhiều mẹ, cả chồng, cả người con duy nhất lần lượt hy sinh cho sự trường tồn của dân tộc.


Những dòng viết dưới đây, dẫu chắt từ tâm can, nhưng cũng chỉ là những dòng trích ngang, như một đoạn ngắn trong cuốn nhật ký về đời mẹ. Bởi những mất mát, hy sinh của mẹ như "biển Thái Bình", như bầu trời đầy sao, chẳng cách nào đếm nổi. Chúng ta thật có lỗi khi không thể nào ghi hết cuộc đời của các mẹ đã khuất và các mẹ hôm nay đang sống những năm tháng cuối đời.


Anh Lê Văn Thức bị địch đày ra Côn Đảo vàkết án tử hình xúc động gặp lại người mẹ thân yêu trong ngày vui chiến thắng.Ảnh: Lâm Hồng Long - TTXVN


Đã bao đời sông Hồng đỏ nặng phù sa, chảy xuôi về làm tươi tốt cho cây lúa, cây dâu vùng châu thổ, khác nào dòng sữa mẹ nuôi lớn biết bao người con anh hùng. Có anh hùng nào mà không do mẹ sinh ra. Ngay từ khi chào đời, lời ru của mẹ lắng sâu tâm hồn con từ thuở ấu thơ, bàn tay mẹ nâng đỡ con từng bước đi đầu tiên. Mẹ xòe tay nâng cho con bay bổng vào đời. Nước còn giặc, mẹ không chỉ lau nước mắt tiễn chồng, mẹ còn đưa các con lên đường tiếp bước cha anh giữ lấy nghiệp Vua Hùng trao lại. Những đứa con mẹ dứt ruột đẻ ra, tương lai hạnh phúc của mẹ cứ lần lượt ra đi!

Chiến tranh đã lùi xa mấy mươi năm, mà dư âm của nửa thế kỷ "máu và hoa" còn âm vang bao kỳ tích. Đau thương, mất mát còn trải dài sông núi, len lỏi âm thầm trong mỗi gia đình, quặn buốt nỗi lòng của mẹ. Ở nơi mẹ, vừa tỏa sáng niềm vinh quang chiến thắng, vừa lắng đọng nỗi buồn đau thiếu vắng khôn nguôi.

Ở xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn có mẹ Dương Thị Kín - mẹ của hai liệt sĩ Dương Văn Khích, Dương Văn Đẩy. Thời chống Pháp, gia đình mẹ là một cơ sở cách mạng kiên trung, mẹ vừa tham gia du kích địa phương vừa tần tảo nuôi con. Mẹ kể: Năm 1966, khi quân Mỹ ào ạt đổ quân xâm lược nước ta, người con cả là anh Dương Văn Khích lên đường ra trận. Tiễn anh đi mẹ chỉ dặn: "Làm trai cho đáng lên trai". Tại chiến trường miền Trung, anh đã hy sinh anh dũng trong trận đầu đánh Mỹ. Nhận tin anh Khích hy sinh, người con thứ anh Dương Văn Đẩy, xin mẹ ra trận để "đền nợ nước, trả thù nhà". Lãnh đạo địa phương khuyên mẹ: "Anh đã hy sinh rồi mẹ để em ở lại". Mẹ bảo: "Chí làm trai mẹ chẳng nỡ ngăn". Thế là lần thứ hai mẹ gạt nước mắt tiễn biệt con đi. Anh cũng ra đi mãi mãi không về, để lại mình mẹ nơi quê nhà.

Ở xã Tầm Xá, huyện Đông Anh có mẹ Lê Thị Miên. Tấm lưng còng của mẹ đã gánh trọn nỗi đau của ba cuộc chiến: chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ biên cương. Thời chống Pháp, mẹ đã mất đi nửa cuộc đời, khi ông Hoàng Hữu Hạ, người bạn đời thủy chung son sắt, sớm chiều lam lũ, tay cuốc tay cày hy sinh trong một trận chống càn. Ông mất đi để mình mẹ một nắng hai sương nuôi đàn con thơ dại. Năm 1967, cả nước chìm trong bom đạn Mỹ. Con cả Hoàng Hữu Chắt rời trường y lên đường đánh Mỹ, sau đó Hoàng Hữu Chuyên, Hoàng Hữu Chức tiếp bước anh lần lượt tình nguyện lên đường. Ngày đại thắng 30-4, cả nước hân hoan mừng non sông về một dải. Còn mẹ đau đớn xót xa, dồn dập hai lần nhận giấy báo tử. Hai con của mẹ đã hóa thân mình cho màu xanh của đất nước, rồi vài năm sau người con trai cuối cùng của mẹ, anh Hoàng Hữu Chức lại hy sinh trong trận đánh khốc liệt bảo vệ biên giới tây nam.

Ở phường Hội Xá, quận Long Biên có mẹ Nguyễn Thị Nghị đã cống hiến trọn vẹn ba mảnh đời cho cuộc trường chinh thống nhất non sông. Năm 1965, anh Nguyễn Văn Mạc lên đường Nam tiến. Năm 1967, khi quân Mỹ tràn ngập miền Nam, Hà Nội chìm trong bom đạn, con trai thứ hai của mẹ, anh Nguyễn Văn Tính cùng hàng vạn thanh niên Thủ đô "ba sẵn sàng", "xẻ dọc Trường Sơn" đi cứu nước. Cả hai anh đều anh dũng hy sinh trên tuyến đầu diệt Mỹ. Năm 1971, vừa tốt nghiệp cấp 3 Trường Nguyễn Gia Thiều anh Nguyễn Văn Phúc con trai cuối cùng của mẹ nhất quyết tình nguyện lên đường. Mùa hè đỏ lửa 1972, nơi Thành cổ Quảng Trị, trong 81 ngày bom đạn khốc liệt, anh đã cùng đồng đội "sống bám chốt giữ thành - chết kiên cường dũng cảm"… Và máu xương anh đã vĩnh viễn hòa vào miền cát trắng anh hùng.

Xã Quảng Tiến, huyện Sóc Sơn có mẹ Nguyễn Thị Chanh đã cống hiến cho đất nước cả ba người con yêu dấu, đó là các liệt sĩ Nguyễn Ngọc Lưu, Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Văn Thích. Các con của mẹ cứ lần lượt ra đi, hy sinh nơi chiến trường khốc liệt. Ngày thống nhất, mẹ mong ngóng mãi mà chẳng thấy đứa con nào về. Về xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, quê ngoại công chúa Lê Ngọc Hân, có mẹ Đào Thị Thẩn. Khi chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ lan rộng tới miền Bắc, anh Nguyễn Thế Lợi người con duy nhất của mẹ đã tình nguyện vào quân ngũ. Tiễn con đi một năm sau thì chồng mẹ mất. Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, mẹ không sao ngủ được, cứ mong ngóng mãi mà chẳng thấy con về. Rồi khi nhận được giấy báo tử, mẹ chết đi sống lại chẳng biết bao lần. Mẹ kể: Những năm tháng cuối đời, mẹ dồn hết tình yêu thương giúp đỡ trẻ mồ côi, tàn tật, "thương người như thể thương thân"!

Tiến sĩ Steve Maxner, Giám đốc Trung tâm Việt Nam Trường Đại học Texas đã cảm động chia sẻ: Một trong những lý do khiến tôi làm việc tại nơi đây là được gặp gỡ những người dân Việt Nam, người dân Hà Nội. Thời gian gần đây, tôi đã hiểu rõ hơn về sự hy sinh của những người phụ nữ Việt Nam cho đất nước. Tôi cũng đã hiểu sự chịu đựng, hy sinh của những người phụ nữ Hà Nội trong chiến tranh, trong thời gian Hà Nội bị đánh bom. Tuy nhiên, đó cũng là minh chứng cho sự kiên cường cũng như tình yêu của họ đối với Tổ quốc. Trong khi đi dọc Việt Nam, còn một điều nữa mà tôi có thể nhận thấy rất nhanh là vai trò của chính phủ trong việc ghi nhận công lao của người phụ nữ, đặc biệt là công lao của phụ nữ trong chiến tranh. Trong tất cả các tượng đài kỷ niệm chiến tranh, chúng ta đều nhìn thấy hình ảnh của người phụ nữ. Không phải là hình ảnh của người đàn ông mà là hình ảnh của người phụ nữ trong tất cả mọi cuộc chiến, trong tất cả các lĩnh vực phục vụ cho chiến đấu. Điều này hoàn toàn khác với ở Mỹ khi người phụ nữ không được vinh danh với vai trò nổi bật trong chiến tranh.

(Còn tiếp)

Phạm Quốc Bản