Tạm bợ như chợ khu công nghiệp

Bạn đọc - Ngày đăng : 06:54, 26/07/2012

(HNM) - Dăm ba hàng quán dựng lên thành một


Cảnh nhếch nhác thường thấy tại chợ dành cho công nhân đang làm việc tại KCN Thăng Long. Ảnh: Ánh Nguyệt


Những ngày nắng nóng, thức ăn tươi sống, rau, quả tại chợ tạm ở KCN Bắc Thăng Long, xã Kim Chung, huyện Đông Anh luôn trong tình trạng không bảo đảm ATVSTP. Hiện quanh khu vực KCN chỉ có một chợ tạm đã xuống cấp bán nhu yếu phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ để phục vụ cho gần 25.000 lao động đang làm việc tại KCN này (chiếm 1/4 lượng công nhân trong tổng số 8 KCN của Hà Nội) và hơn 10.000 người dân của xã. Vì vậy, đường vào các thôn của xã Kim Chung luôn chật chội, nhếch nhác do chỗ nào cũng có thể biến thành chợ tự phát. Đường vào thôn Bầu dài 1km nhưng có cả trăm quầy hàng đủ loại nằm san sát dọc hai bên đường: thịt, cá, rau củ quả, đồ khô, hàng ăn, hóa mỹ phẩm, băng đĩa… Đi sâu vào bên trong thôn Bầu mới là "đại bản doanh" của chợ phục vụ hơn 30.000 người. Nhếch nhác và xập xệ, nhiều gian hàng bày thực phẩm lộ thiên trên tấm nilon mỏng. Được biết, từ năm 2000, KCN này đi vào hoạt động và chợ cũ của xã đã trở thành nơi bán hàng hóa, lương thực, thực phẩm cho thêm 25.000 người nữa. Ông Hoàng Đức Khang, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, trước đây, xã đã dùng sân bóng diện tích 1.000m2 để làm chợ tạm nhưng vẫn luôn quá tải. Tiếp đó, xã dời chợ vào khu đất bên trong, rộng 3.000m2 nhưng do không được nâng cấp, đầu tư nên vẫn nhếch nhác, chật chội và ngày càng xuống cấp.

Tương tự tại các KCN Sài Đồng, Nội Bài, Phú Nghĩa (Chương Mỹ), Phú Thị (Gia Lâm)... luôn trong tình trạng quá tải và chất lượng hàng hóa không bảo đảm. Ruồi, muỗi, mùi thức ăn xú uế bốc lên. Nền chợ là đất nên mưa thì lầy lội, nắng thì bụi. Theo quan sát của chúng tôi thì cứ sau buổi làm việc, công nhân tất bật ra chợ mua mớ rau, vài lạng thịt về nấu nướng. Họ chỉ cần mua được thực phẩm rẻ chứ không quan tâm về an toàn vệ sinh thực phẩm…

Trước thực trạng như vậy, chính quyền các xã có KCN vô cùng lo lắng về nguồn gốc các loại hàng hóa và thực phẩm. Hầu hết những người bán hàng ở đây đều là dân di cư nên chính quyền sở tại chỉ có thể quản lý về an ninh trật tự, còn hàng hóa không nhãn mác, thực phẩm không bảo đảm vệ sinh đang là nỗi lo lắng thường trực.

Đã có nhiều đề nghị xây dựng những chợ quy mô để phục vụ tốt nhất nhu cầu của công nhân lao động và người dân trong khu vực. Chẳng hạn, UBND xã Kim Chung đã lập dự án đề nghị xây dựng chợ dân sinh với diện tích 1ha nằm trên thôn Hậu Dưỡng. Tuy nhiên, sau nhiều năm kiến nghị, dự án vẫn chưa được triển khai do những khó khăn nhất định.

Thiết nghĩ, vấn đề chợ cho công nhân không thể xem nhẹ, các ngành, các cấp chính quyền cần quan tâm hơn nữa để giảm bớt khó khăn cho người lao động.

Kim Vũ