Xin đừng đối phó

Đời sống - Ngày đăng : 06:41, 26/07/2012

(HNM) - Đến tổ dân phố 33 phường Khương Đình (Thanh Xuân) hỏi xem có bao nhiều thạc sĩ, cử nhân, người dân nào cũng biết rõ. Bởi năm nào, bà con cũng góp tiền khuyến học, biểu dương các cháu đỗ đạt.

Không riêng việc khuyến học, ở đây người dân còn rất hăng hái tham gia các hoạt động liên quan đến đời sống của mình. Mới đây, các hộ dân đã tự nguyện đóng góp tổng cộng được 480 triệu đồng để nâng cấp con đường vào tổ dân phố cho khang trang, sạch đẹp. Ở một địa phương khác, khi xây dựng 2,1km đường giao thông, nhờ có sức dân nên chi phí chỉ hết hơn 3 tỷ đồng (trong đó TP hỗ trợ 2 tỷ đồng tiền nguyên vật liệu, còn lại nhân dân đóng góp hơn 1 tỷ đồng và công lao động).

Thế nhưng, đợt kiểm tra thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) tại 34 xã, phường, thị trấn mới đây của Thành ủy Hà Nội cho thấy vẫn còn không ít địa phương làm hình thức, đối phó với cấp trên. Quyết định thành lập Ban chỉ đạo thực hiện QCDC của một xã thuộc huyện Mỹ Đức, vẫn còn thơm mùi mực (có lẽ nó mới được ký khi biết tin có đoàn kiểm tra!). Hai bản báo cáo của hai xã ở một huyện khác giống nhau như đúc từ thể thức, nội dung, cách hành văn đến mục lục, chứng tỏ cấp trên làm thay, làm hộ cho cơ sở. Thế mới có chuyện, cùng một đoạn đường 2,3km, điều kiện thi công tương tự 2,1km đường nói trên, chỉ khác là không có sự tham gia của người dân mà chi phí lên tới 6,6 tỷ đồng (trong đó riêng tiền công đã hơn 3,5 tỷ đồng), thật lãng phí.

Chỉ thị 30-CT/TƯ về "Xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở" được Bộ Chính trị ban hành từ năm 1998. Mục đích lớn nhất là nhằm bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, phát huy khả năng sáng tạo, sức mạnh vật chất, tinh thần của nhân dân trong phát triển kinh tế-xã hội, đoàn kết nhân dân xây dựng cuộc sống mới văn minh, xây dựng hệ thống chính quyền ở địa phương trong sạch, vững mạnh, thực sự của dân, do dân, vì dân. Cần nhân rộng mô hình hay, cũng như chấn chỉnh cách làm đối phó của cấp ủy, chính quyền một số địa phương, đó là điều người dân Thủ đô mong đợi.

Yên Thái