Bám sát thực tiễn, tháo gỡ vướng mắc

Đời sống - Ngày đăng : 07:32, 25/07/2012

(HNM) - Theo Bộ NN&PTNT, sau hơn một năm triển khai thí điểm chương trình bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), đến nay tổng giá trị bảo hiểm (BH) cây trồng, vật nuôi tham gia BH đạt gần 1.000 tỷ đồng, đã phát sinh bồi thường 10,8 tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp BH đã bồi thường hơn 4 tỷ đồng.

Hiện có trên 98.294 hộ dân ở 20 tỉnh, thành phố tham gia BHNN, trong đó 88% là hộ nghèo. Tổng diện tích trồng lúa đã tham gia BH là 34.622ha, giá trị BH hơn 664 tỷ đồng. Tổng số vật nuôi tham gia BH gồm 1.700 con bò, 79.800 con lợn và 621.000 con gia cầm; tổng giá trị được BH là 74 tỷ đồng. Tổng diện tích thủy sản tham gia là 1.324ha, tổng giá trị được BH 220 tỷ đồng, với 1.995 hộ tham gia. Theo đánh giá của Bộ Tài chính, số hộ nông dân tham gia BHNN vẫn thấp (khoảng 3% số hộ), diện tích tham gia BH không lớn (chiếm khoảng 2,8% tổng diện tích), số lượng vật nuôi, thủy sản tham gia BH chiếm tỷ lệ thấp…

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, BHNN là chính sách mới, nhiều bộ, ngành trung ương khi triển khai còn gặp nhiều vướng mắc nên việc nhân rộng tại các địa phương còn chậm. Khó khăn lớn nhất là phạm vi đối tượng, địa bàn hoạt động của loại hình BH rộng, trong khi đó sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam chủ yếu quy mô nhỏ, manh mún, chịu ảnh hưởng nhiều thiên tai, dịch bệnh. Bên cạnh đó, sản phẩm BHNN chưa hấp dẫn nông dân, các hộ tham gia hầu hết nằm trong diện được hỗ trợ. Hiện, Ban chỉ đạo BHNN trung ương đang tiếp tục sửa đổi một số chính sách phù hợp với thực tế, gần với nhu cầu nông dân. Trước kiến nghị của các địa phương tham gia thí điểm BHNN, Bộ Tài chính đề nghị Cục Quản lý giám sát bảo hiểm phối hợp Bộ NN&PTNT nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách để tạo cơ chế thuận lợi nhất cho người nông dân. Bộ Tài chính sẽ tích cực cùng Bộ NN&PTNT tháo gỡ những khó khăn đang phát sinh, bảo đảm lộ trình thực hiện thí điểm BHNN được thuận lợi. Hiện, dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của quy tắc, biểu phí và mức trách nhiệm BHNN đang được Ban chỉ đạo hoàn thiện.

Tại Hà Nội, BHNN được triển khai trên đàn lợn và bò sữa. BCĐ BHNN Hà Nội đã chọn hai BH trên bò sữa tại huyện Ba Vì và BH trên đàn lợn ở Chương Mỹ. Theo lộ trình, đối với bò sữa sẽ triển khai thí điểm tại ba xã Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài, sau đó rút kinh nghiệm để nhân rộng. Thời gian thực hiện thí điểm tại ba xã từ tháng 4 đến hết tháng 6-2012. Tháng 8- 2012 sẽ triển khai tại tất cả các xã có chăn nuôi bò sữa. Đầu tháng 5 BH trên đàn lợn đã triển khai tại ba xã Đại Yên, Trung Hòa, Tốt Động (huyện Chương Mỹ), tuy nhiên, tiến độ triển khai BHNN Hà Nội còn rất chậm. Theo ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, TP Hà Nội có đàn gia súc gia cầm lớn nhất cả nước, việc triển khai BHNN rất có ý nghĩa trong hoàn cảnh dịch bệnh liên tục xảy ra. Song, việc triển khai BHNN còn vướng mắc bởi một số chính sách chưa hợp lý. Đồng quan điểm đó, đại diện phía Công ty Bảo hiển Đông Đô (đơn vị triển khai BHNN tại Hà Nội) cho biết, Hà Nội mới chỉ triển khai BHNN trên giấy tờ, thủ tục chứ chưa triển khai thực tiễn trong nông dân do vướng một số chính sách như phạm vi BH, phí BH cao... Hà Nội đang đợi chính sách bổ sung mới của Ban chỉ đạo BHNN trung ương để triển khai tới nông dân.

Phó Cục trưởng Cục quản lý, giám sát BH Phùng Ngọc Khánh: Bộ Tài chính đã nghiên cứu dự thảo sửa đổi, bổ sung quy tắc, biểu phí và mức trách nhiệm BHNN (dự thảo) và gửi lấy ý kiến tham gia của Bộ NN&PTNT và các địa phương. Các nội dung được sửa đổi, bổ sung tập trung gồm: Mở rộng đơn vị được BH theo hướng đơn vị được bảo hiểm có thể là thôn hoặc hợp tác xã hoặc cánh đồng (tùy theo đặc thù từng địa phương); giảm diện tích lúa bị hại trong thời gian cấy sạ để được hưởng bồi thường chi phí gieo trồng lại xuống 5ha (thay vì 20% diện tích lúa thực tế trong xã bị thiệt hại theo quy định hiện hành); số tiền BH đối với bò sữa là 60 triệu đồng thay vì 35 triệu đồng… Ngoài ra, dự thảo cũng sẽ nâng mức năng suất được BH đối với các tỉnh Đồng Tháp, An Giang là 90%, các tỉnh còn lại là 85%…

Đào Huyền