Liệu có nhiều nhà văn chuyên nghiệp viết cho thiếu nhi?
Văn hóa - Ngày đăng : 07:13, 25/07/2012
Chuyện thì đúng là đều thân quen, như ở bao gia đình, bao đứa trẻ khác. Nào ước mơ làm công chúa, nghiện sôcôla, thích ăn gia vị mì tôm… Nào là "ganh" nhau thi ăn, thi đua xe đạp thậm chí thi cả… xì hơi. Nào ghét ngủ trưa, bức xúc với em bé… Tất cả được tái hiện qua giọng văn và lối kể chuyện dí dỏm rất đặc trưng của Đỗ Bích Thúy. Trong đó điều thú vị nhất là tác giả đã hóa thân hoàn toàn vào nhân vật của mình.
Làm một đứa trẻ, lại là người kể chuyện trong một tác phẩm văn học không dễ, như đi thăng bằng trên dây. Nghiêng quá sang bên nào cũng dễ… hỏng. Đọc "Em Béo và hội Cầu Vồng" cười... rách mép được vì nhân vật đúng là trẻ con với đầy đủ những nét đáng yêu lẫn chiêu trò… chả giống gì với suy nghĩ của người lớn. Cái chân thực, gần gũi ấy một thời đã thiếu vắng trong rất nhiều tác phẩm văn học thiếu nhi và dưới sức nặng của các bài học giáo điều, nó càng trở nên khó chia sẻ với bạn đọc.
Ngoài khả năng hóa thân, "Em Béo và hội Cầu Vồng" cũng có một số thủ thuật để hấp dẫn bạn đọc nhỏ, đó là lời tựa như tiếng thì thào "… những câu chuyện tôi viết ở trong cuốn sách này, xin thề, hoàn toàn là sự thật. Các bạn có thể kiểm chứng bằng cách gọi điện tới số 224998999… Nhưng cũng đề nghị các bạn đọc rồi thì giữ kín giúp cho…". Tất nhiên, hóa thân vào nhân vật rồi, nhà văn cũng phải phân thân với tư cách tác giả. Đỗ Bích Thúy đã khéo léo cài cắm các "điệp viên - chuyên gia giáo dục" trong các mẫu chuyện như "Một ngày làm mẹ", "Em không thích nghỉ hè"… Trẻ con cứ cười hơ hơ, nhưng sau đó lòng biết gợn lên cảm xúc, thậm chí cay cay mắt, thế là thành công rồi.
Đỗ Bích Thúy từng chia sẻ chị viết tác phẩm này với cảm hứng từ chính những câu chuyện của hai cô con gái chị. Không lạ khi khởi nguồn của loạt truyện "Lão Kẹo Gôm" làm say mê bao bạn đọc nhỏ cũng vốn là những truyện kể của nhà văn người Anh - Andy Stanton dành cho đám trẻ trong gia đình anh. Mới đây "Nhật ký sẻ đồng: Chào em bé" cũng ra đời từ sự quan sát tinh tế của tác giả nhà văn Phong Điệp với các con của chị. Mừng là các nhà văn chuyên nghiệp ở ta đã quan tâm hơn tới mảng thiếu nhi với những góc nhìn thật gần gũi và cách thể hiện mới mẻ.
Tuy nhiên, từ một vài hiện tượng để rồi tạo thành "dòng" thì lại là chuyện khó. NXB cũng như tác giả vẫn trong tình trạng thăm dò. Tác phẩm ra một hoặc một vài tập đầu… rồi còn để xem đã. Ai chả thấy, mặt tiền của nhà sách luôn dành cho các "siêu phẩm truyện tranh" dài kỳ của nước ngoài. Để thành công như Nguyễn Nhật Ánh, thì ngoài tác phẩm hay ra, công sức lao động của tác giả để bạn đọc không thể quên mặt, quên tên được cũng phải rất ghê gớm. Chưa kể còn cần một sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ truyền thông.
Thế nên, đọc một cuốn truyện thiếu nhi hay, vừa cười sảng khoái xong đã lại thấy chạnh buồn!