Gỡ rối cho công tác tổ chức, quản lý

Xã hội - Ngày đăng : 07:09, 25/07/2012

(HNM) - Dự thảo Quy hoạch tổng thể lễ hội toàn quốc lần đầu tiên được Bộ VH,TT&DL đưa ra bàn thảo, lấy ý kiến của những người trong cuộc đến từ 32 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.


Phấn đấu để có 100% lễ hội được quy hoạch chi tiết

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VH,TT&DL tiến hành xây dựng Quy hoạch tổng thể lễ hội toàn quốc, đối tượng của quy hoạch là các lễ hội dân gian với 7.039 lễ hội (chiếm 88,36%) và các lễ hội mới.


Lễ Khai ấn Đền Trần.Ảnh: Phương Thanh

Công tác quy hoạch lễ hội từ lâu đã được xới xáo nhiều lần trong các cuộc họp, tổng kết lễ hội. Song một quy hoạch mang tính tổng thể, dành riêng cho lễ hội dân gian thì từ trước tới nay chưa có tiền lệ. Dự thảo xác định rõ lễ hội dân gian sẽ được phân theo 4 cấp quản lý, đó là lễ hội quy mô cấp quốc gia; lễ hội quy mô tổ chức cấp tỉnh, thành phố; lễ hội quy mô tổ chức cấp huyện, quận, thị xã và lễ hội quy mô tổ chức cấp xã, phường, thị trấn. Nội dung quy hoạch cũng đề cập tới việc bố trí nhu cầu sử dụng đất cho lễ hội: "Diện tích dùng cho lễ hội phải bảo đảm đủ các điều kiện tổ chức các hoạt động như đất dành cho khu vực nội tự, đất dành cho các hoạt động văn hóa (hội) và đất dành cho các hoạt động dịch vụ"… Việc thực hiện quy hoạch được phân thành hai giai đoạn: 2012-2015 và 2015-2020. Trong giai đoạn I, 100% tỉnh, thành phố tổng hợp, phân tích số lượng các lễ hội còn nguyên trạng, ít sự thay đổi, đang được tổ chức hoặc các lễ hội đã được bảo tồn, phục dựng sau nhiều năm gián đoạn. Trên cơ sở tổng hợp, 100% tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ hoàn thành xây dựng quy hoạch, dành quỹ đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ đối với những lễ hội có quy mô lớn thu hút đông người. Giai đoạn II, 100% lễ hội được quy hoạch chi tiết, trong đó lễ hội còn nguyên trạng hoặc ít sự thay đổi được tổ chức thường xuyên, ổn định về lượng khách, cơ sở vật chất, dịch vụ phục vụ…

Nên quy hoạch như thế nào?

Rõ ràng Quy hoạch tổng thể lễ hội toàn quốc là đòi hỏi tất yếu khách quan, bởi những mặt trái của lễ hội luôn là vấn đề gây bức xúc, nhức nhối dư luận. Tuy nhiên, quy hoạch lễ hội như thế nào còn có nhiều ý kiến trái chiều.

Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Hưng Yên cho rằng, không nên lập quy hoạch tổng thể về lễ hội mà chỉ nên xây dựng đề án quản lý lễ hội toàn quốc, trong đó phân định rõ vai trò quản lý của Nhà nước đến đâu, vai trò của người dân đến đâu. "Quy hoạch theo cách phân cấp quy mô, lễ hội này cấp quốc gia, lễ hội này cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã rất có thể sẽ đánh mất truyền thống, bản sắc của lễ hội bởi có những anh hùng lịch sử, danh nhân văn hóa do nhiều địa phương cùng phụng thờ, cùng tổ chức lễ hội tưởng nhớ công lao. Khi tiến hành phân cấp rạch ròi, tất yếu người dân các vùng liên quan tới nhân vật được phụng thờ sẽ có tâm lý lễ hội không phải của riêng địa phương mình cho nên sẽ không có tâm lý tổ chức, thực hiện và hưởng thụ nó, trong khi lễ hội dân gian xưa nay vẫn do người dân tổ chức, thậm chí có những lễ hội do nhiều làng trong một vùng cùng tổ chức" - Ông Đỗ Mạnh Hùng lo lắng.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Mậu Nam, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Quảng Bình đề xuất việc quy hoạch tổng thể lễ hội trên phạm vi toàn quốc chỉ nên dừng lại ở đề án, sau đó giao cho các tỉnh, thành phố tiến hành quy hoạch cho phù hợp với địa phương mình chứ không nên ôm đồm quy hoạch chi tiết ở tất cả 63 tỉnh, thành phố.

Trước những ý kiến trái chiều này, ông Ngô Hoài Chung, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở nói: "Chúng ta không nên hiểu quy hoạch là cái gì quá cao xa, đơn thuần đó là cách "bài binh bố trận" khoa học để quản lý lễ hội". Ủng hộ việc quy hoạch lễ hội, bà Đặng Bích Liên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương dẫn chứng, tỉnh Hải Dương đã tiến hành "Quy hoạch tổng thể lễ hội giai đoạn 2008-2015 và định hướng đến năm 2020". Trên cơ sở quy hoạch này, ngành VH, TT&DL cùng các cơ quan chức năng trong tỉnh đã bước đầu triển khai hiệu quả công tác quy hoạch lễ hội. Đơn cử như lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc sau 5 năm thực hiện quy hoạch đã chuyển từ "loạn" thành nghiêm trang, tìm lại được giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống. Cũng nhờ quy hoạch, lượng khách và nguồn thu từ lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc tăng gấp vài chục lần trong những năm gần đây.

Không nghi ngờ gì nữa, quy hoạch tổng thể lễ hội toàn quốc là việc cần làm và nên làm, vấn đề còn lại là phải xây dựng quy hoạch sao cho khoa học, khả thi.

Minh Ngọc