Cần một cuộc “đại phẫu”

Đời sống - Ngày đăng : 06:39, 25/07/2012

(HNM) - Gần đây, những sai phạm nghiêm trọng tại Phòng khám (PK) Đa khoa Maria (65-67 Thái Thịnh, Đống Đa) đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Đã có nhiều câu hỏi được đặt ra: Vì sao một PK tư có quy mô lớn, quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng lại


Liệu còn bao nhiêu PK tư hoạt động ngoài luồng, "chặt chém" bệnh nhân như PK Maria? Trong giai đoạn bùng nổ PK tư tại Hà Nội hiện nay, đông đảo người dân mong chờ một cuộc điều tra tổng thể nhằm siết chặt quản lý, chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở khám chữa bệnh (KCB). Báo Hànộimới đã ghi nhận nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này…

Tiến sĩ Lê Vương Văn Vệ (Giám đốc BV Nam học và Hiếm muộn Hà Nội): Thận trọng với những lời quảng cáo “lên mây”…

Trong thời buổi hiện đại, quảng cáo là một phương pháp cần thiết để các bệnh viện (BV) kéo bệnh nhân đến KCB. Tuy nhiên, quảng cáo cần đúng với sự thật, vì những bác sĩ cần có trách nhiệm với bệnh nhân của mình, không thể KCB theo kiểu “đầu voi, đuôi chuột”. Trách nhiệm của bác sĩ là không thể thổi phồng, làm quá, biến không thành có, biến nhỏ thành to, biến nhẹ thành nặng được. Chữa bệnh gì cũng có khó khăn, có đau đớn, có quy trình, có cả rủi ro. Vì thế, người bệnh nên thận trọng với những lời quảng cáo “lên mây xanh” về chữa bệnh nhanh, không đau, khỏi luôn như thuốc tiên, phép thần dược. Không ít bệnh nhân đến khám ở PK Maria tốn 30-50 triệu đồng chỉ để chữa viêm lộ tuyến cổ tử cung, trong khi tại các BV công, một ca như vậy chỉ tốn từ 3-4 triệu đồng cho cả quá trình điều trị kéo dài 1-2 tháng.

Để việc quảng cáo láo, sử dụng người không có giấy phép hành nghề giống như PK Maria, trách nhiệm thuộc về những người chủ PK đó. Các bác sĩ ở đây đều là người làm thuê, nếu người chủ không cho phép hoạt động thì họ không thể hành nghề. Vì thế, cần phải phạt nghiêm những ông chủ này.

Anh Hoàng Mạnh Linh (tổ 18 phường Ngọc Thụy, quận Long Biên): Người bệnh vô tình “tiếp tay” cho vi phạm

Người Việt mình có câu “có bệnh thì vái tứ phương”, xưa nay chưa ai đi khám bệnh hay mua thuốc mà dám mặc cả như khi đi mua hàng hóa. Lợi dụng tâm lý này, các PK tư nhân đã tung ra những chiêu “móc túi” người bệnh vô cùng tinh vi. Từ các thủ tục làm xét nghiệm, chẩn đoán bệnh, đến khâu kê đơn, bán thuốc với giá cắt cổ… tất cả đều nhằm mục đích rút tiền từ túi bệnh nhân. Đơn cử như tại PK Maria, đa số bệnh nhân đến đây đều được “bắt mạch” chung một loại bệnh: viêm lộ tuyến tử cung hoặc viêm đường tiết niệu. Đây là những căn bệnh thông thường, không phải bệnh nan y, vậy mà chỉ bằng vài câu “dọa” nếu không điều trị bệnh sẽ nặng hơn, thậm chí biến chứng sang ung thư, PK này đã dễ dàng móc túi hàng trăm, hàng nghìn bệnh nhân với số tiền lớn. Theo tôi, để xảy ra sự việc tại PK Maria có nhiều nguyên nhân, đặc biệt là sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, sự thiếu hiểu biết của bệnh nhân là một trong những lý do chính để những PK như vậy dễ dàng tồn tại. Nếu người bệnh chịu khó tìm hiểu thông tin về căn bệnh của mình và đặt niềm tin vào các cơ sở KCB có uy tín, không tin vào những lời quảng cáo thái quá thì những PK có lối làm việc chụp giật như PK Maria chắc chắn không còn đất sống.

Nguyen…@yahoo.com: Lại một “con voi” chui lọt “lỗ kim”

Đọc những thông tin về sai phạm tại PK Maria, tôi thấy vô cùng bất bình và thương những người bệnh từng là nạn nhân của PK này. Điều khiến tôi bức xúc nhất, là tại sao những sai phạm trong tuyển dụng nhân sự, trong KCB kéo dài như vậy mà không một cơ quan chức năng nào phát hiện? Giả sử không xảy ra cái chết thương tâm của bệnh nhân thì liệu những sai phạm nghiêm trọng tại PK này có bị phanh phui trước công luận? Bất cứ ai quan tâm đến vụ việc tại PK Maria đều có thể nhận thấy, việc quản lý các PK tư hiện nay quá lỏng lẻo. Theo quy định, việc thành lập một PK tư nhân phải qua rất nhiều khâu, nhiều thủ tục, nhưng khi có tiền, có mối quan hệ, mọi việc đều trở nên dễ dàng. Thành lập dễ dàng nên khâu thanh tra, kiểm tra cũng tiến hành qua quýt. Như vụ PK Maria, dù được quảng cáo rầm rộ trên khắp các phương tiện truyền thông về sự có mặt của các bác sĩ Trung Quốc có uy tín, tay nghề cao… nhưng khi có sai phạm, cả người đứng đầu PK lẫn cơ quan quản lý đều không biết sự có mặt của các “bác sĩ” này? Chưa kể, hầu hết các PK tương tự đều trưng biển có các bác sĩ đầu ngành tham gia khám, chẩn đoán bệnh, song nhiều bác sĩ chỉ cho “thuê” bằng, “thuê” tên mà không trực tiếp KCB cho bệnh nhân. Rất nhiều nơi, đơn thuốc được kê tại các PK tư nhân có tỷ lệ chiết khấu cao của các hãng dược, không phải thuốc cần thiết cho bệnh tật của bệnh nhân. Thiết nghĩ, qua vụ PK Maria, đã đến lúc ngành y tế cần có một cuộc tổng kiểm tra để từ đó tiến hành một cuộc “đại phẫu” đối với những PK tư nhân. PK nào có sai phạm cần đóng cửa ngay, không nên “phạt cho tồn tại”. Bên cạnh đó, cần cung cấp danh sách những PK tư có sai phạm để người dân được biết, tránh “tiền mất, tật mang”.

Bảo Nga