Lỗ hổng an ninh đang loang rộng
Thế giới - Ngày đăng : 06:23, 25/07/2012
Hiện trường một vụ đánh bom ở Iraq.
Ngay sau vụ việc, Bộ Ngoại giao Nga đã lên án mạnh mẽ tội ác đẫm máu của những kẻ khủng bố và khẳng định Nga ủng hộ các nỗ lực của Chính phủ Iraq nhằm ổn định tình hình và tăng cường an ninh trên toàn đất nước. Mỹ cũng lên tiếng về các vụ tấn công tại Iraq, gọi đó là các hành động "hèn nhát" khi mục tiêu của các vụ tấn công nhằm vào dân thường, đặc biệt được tiến hành trong Tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo. Trong khi đó, Iran cho rằng các vụ đánh bom liên tiếp vừa qua ở Iraq là nhằm kích động cuộc chiến giữa các phe phái tôn giáo và đe dọa nền độc lập của Iraq. Chưa có tổ chức nào lên tiếng nhận trách nhiệm về các vụ tấn công, nhưng, 3 tuần trước, mạng lưới khủng bố Al-Qaeda tuyên bố sẽ chiếm lại các cứ điểm từ tay quân Chính phủ Iraq.
Rõ ràng, an ninh tại Iraq đã xuất hiện lỗ hổng lớn và đang loang rộng từ khi Washington chấm dứt sứ mệnh quân sự tại quốc gia này (15-12-2011). Chỉ một ngày trước "ngày đẫm máu", tại thị trấn Mahmudiya cách thủ đô Baghdad 30km về phía Nam, đã xảy ra 3 vụ đánh bom xe làm 11 người thiệt mạng và 38 người bị thương. Theo thống kê, trong tháng 6-2012, các vụ tấn công bằng bom đã làm ít nhất 237 người thiệt mạng và 603 người khác bị thương. Đây là một trong những tháng đẫm máu nhất ở Iraq kể từ khi quân Mỹ rút khỏi đất nước này. Nhóm phiến quân có tên "Nhà nước Hồi giáo Iraq", có quan hệ với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda, đã thừa nhận gây ra 40 vụ tấn công đẫm máu tại Iraq...
Bạo lực, số thương vong không ngừng gia tăng đã khiến dư luận đặt câu hỏi về sự tự tin giao trọng trách an ninh của Washington cho chính quyền Baghdad. Lo ngại của cộng đồng quốc tế về một cuộc chiến kết thúc nhưng không kết thúc được bạo lực, xung đột tại Iraq đang có nguy cơ thành hiện thực. Sự thiếu vắng của quân đội Mỹ đã thúc đẩy cuộc tranh giành mang tính bè phái có nguy cơ chia cắt quốc gia Trung Cận Đông này thành nhiều khu vực riêng rẽ như: người Kurd ở các tỉnh miền Bắc nhiều dầu khí, người Cơ đốc giáo và người Hồi giáo dòng Sunni ở các tỉnh miền Trung và phần còn lại cũng nhiều dầu khí ở miền Nam của người Hồi giáo dòng Shiite... Trong khi đó, khối chính trị của người Sunni (Iraqiya) đã tuyên bố tẩy chay Quốc hội nhằm phản đối Thủ tướng Nuri Al-Maliki chậm trễ trong giải quyết những bế tắc chính trị khi hướng tới thành lập một chính phủ chia sẻ quyền lực giữa các cộng đồng Sunni, Shiite và Kurd. Mâu thuẫn, chia rẽ trong nội bộ của nước này đã và đang ngày một sâu sắc thêm. Đây là cơ hội mà các phần tử khủng bố không thể bỏ qua.
Hơn nửa năm đã qua kể từ khi quân đội Mỹ chính thức rút khỏi chiến trường ác liệt này với hy vọng ban đầu khi phát động cuộc chiến rằng, "lật đổ một chế độ độc tài để xây dựng một Iraq mới dân chủ", nhưng những gì đang diễn ra đã thể hiện sinh động một bức toàn cảnh hoàn toàn khác. Nền dân chủ chưa thấy đâu nhưng xứ Nghìn lẻ một đêm đã và đang kiệt quệ về kinh tế, cuộc sống của người dân vẫn nơm nớp trong sợ hãi do các hành động khủng bố, xung đột giáo phái. Chấm dứt một cuộc chiến là điều mà cả cộng đồng quốc tế hoan nghênh. Tuy nhiên, cuộc triệt thoái của Mỹ sau cuộc chiến đã và đang làm lộ rõ một khoảng trống cho nhiều tham vọng khó khỏa lấp tại Iraq.