Giỏi chịu cạnh tranh, nghèo ít cơ hội

Tuyển sinh - Ngày đăng : 07:35, 24/07/2012

(HNM) - Nếu như mùa tuyển sinh năm nay có nhiều trường phấn khởi với việc Bộ GD-ĐT khôi phục quyền được tuyển thẳng, xét tuyển của học sinh giỏi quốc gia, giúp thu hút nhiều thí sinh xuất sắc, thì cũng có không ít trường e dè với quy định ưu tiên xét tuyển đối với thí sinh 62 huyện nghèo vì ngại ảnh hưởng tới chất lượng đầu vào.


Cạnh tranh với tuyển thẳng

Năm nay cả nước có 1.231 thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, được quyền tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Nhiều trường đã nhiệt tình chào đón đối tượng này bằng việc không đặt ra giới hạn chỉ tiêu. Tuy nhiên, cũng có một số trường khống chế số lượng chỉ tiêu hoặc đặt ra các quy định riêng của mình.


Các thí sinh tại Hội đồng thi Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội.Ảnh: Viết Thành

Các trường ĐH thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội hầu như đều không giới hạn chỉ tiêu tuyển thẳng với học sinh giỏi quốc gia và đã nhận được số lượng khá lớn hồ sơ đăng ký tuyển thẳng. Trường ĐHKHTN cho biết, đã có 147 thí sinh được xét tuyển thẳng vào các ngành của trường năm 2012. Trường Đại học KHXH&NV nhận được 46 hồ sơ đăng ký tuyển thẳng vào các ngành đào tạo báo chí và truyền thông, lịch sử, văn học, sư phạm ngữ văn, quốc tế học. Riêng ngành lịch sử nhận được tới 24 hồ sơ, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh của ngành là 100.

Tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, năm nay lượng hồ sơ đăng ký tuyển thẳng vào trường khá lớn. Riêng ngành sư phạm sử có tới 50 hồ sơ/90 chỉ tiêu, ngành sư phạm văn có hơn 40 hồ sơ/100 chỉ tiêu. Bà Đoàn Thị Phương Dung, đại diện Hội đồng tuyển sinh Học viện Ngoại giao cũng cho biết, nhà trường không hạn chế số lượng thí sinh là học sinh giỏi quốc gia đăng ký tuyển thẳng vào trường. Ngành ngôn ngữ Anh của trường nhận được hơn 10 hồ sơ đăng ký tuyển thẳng, trong khi chỉ tiêu của ngành là 70.

Nói về hiệu quả của chính sách mới đối với học sinh đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia của Bộ GD-ĐT, bà Nguyễn Thị Tĩnh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, việc có nhiều thí sinh tuyển thẳng sẽ tạo sức cạnh tranh, khiến chất lượng đầu vào tăng lên. Tuy nhiên, có chuyên gia tuyển sinh bày tỏ băn khoăn: Như vậy liệu có công bằng với một số lượng rất lớn thí sinh khác phải cạnh tranh khốc liệt khi "miếng bánh" chỉ tiêu đã bị khuyết một phần không nhỏ? Để cân đối các cơ hội trúng tuyển và tạo sự công bằng giữa các đối tượng thí sinh, một số trường đã đề ra một số điều kiện hoặc tiêu chí riêng với việc tuyển thẳng. Đó thường là các trường "hot", là đích ngắm của nhiều thí sinh thuộc diện tuyển thẳng. Trường ĐH Y Hà Nội chỉ ưu tiên xét tuyển các thí sinh đoạt giải nhất, nhì trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia các môn toán, hóa, sinh. Các em cũng phải tốt nghiệp THPT loại khá trở lên và không có môn thi nào điểm dưới 5. Với Trường ĐH Ngoại thương, học sinh giỏi quốc gia đoạt giải ba chỉ được ưu tiên xét tuyển nếu có kết quả thi cao hơn 3 điểm so với mức sàn của Bộ GD-ĐT. Chỉ tiêu tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển của trường không quá 20% tổng chỉ tiêu. Năm nay trường có khoảng 10 hồ sơ tuyển thẳng vào ngành ngoại ngữ và hơn 200 hồ sơ đăng ký ưu tiên xét tuyển.

Cửa hẹp cho thí sinh huyện nghèo

Trong khi các trường thuộc nhóm trên là đích ngắm của học sinh giỏi thì đối tượng thuộc diện xét tuyển thẳng của 62 huyện nghèo thường nhắm vào các trường có chỉ tiêu lớn, điểm chuẩn ở mức trung bình. Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội năm nay xác định 150 chỉ tiêu cho thí sinh người dân tộc thiểu số, có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên tại các huyện nghèo, song đã nhận được gần 400 hồ sơ đăng ký xét tuyển của nhóm đối tượng này. Trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam nhận được 150 hồ sơ trong khi chỉ tiêu của trường là 40. Lãnh đạo nhà trường cho biết sẽ điều chỉnh chỉ tiêu để tạo thêm cơ hội trúng tuyển cho các em này, song sẽ không thể tăng nhiều.

Theo ông Bùi Xuân Nhàn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại, nhà trường rất ủng hộ chủ trương tuyển thẳng thí sinh huyện nghèo của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, để bảo đảm chất lượng đầu vào, trường xác định chỉ tuyển 1% tổng chỉ tiêu cho mỗi ngành với đối tượng này. Trường ĐH Ngoại thương cũng đưa ra tỷ lệ này.

Bên cạnh việc "siết" chỉ tiêu, các trường còn đặt ra nhiều điều kiện khác. Ví như, Học viện Ngoại giao yêu cầu thí sinh phải có kết quả xếp loại học lực năm lớp 10, 11, 12 và tốt nghiệp THPT đạt loại giỏi, nhưng cũng chỉ xét tuyển tối đa 5 thí sinh. Học viện Báo chí và tuyên truyền cũng chỉ xét tuyển với thí sinh xếp loại học lực 3 năm THPT đạt loại giỏi, tốt nghiệp đạt loại khá trở lên, xếp loại hạnh kiểm tốt. Khắt khe hơn, Trường ĐH Kinh tế quốc dân tuyển 1 chỉ tiêu/mỗi huyện, thí sinh phải có lực học 3 năm THPT đạt khá trở lên; trong đó 3 môn tương ứng với 3 môn thi tuyển sinh vào trường, mỗi môn phải đạt điểm 7 trở lên, hạnh kiểm tốt. Trường không xét tuyển đối tượng này vào ngành tài chính ngân hàng và ngành kế toán.

Trên thực tế, việc mỗi trường tự đặt ra những điều kiện như trên đã khiến cho cánh cửa vào ĐH của thí sinh các huyện nghèo chỉ hé mở. Bởi vậy, cũng có ý kiến cho rằng Bộ GD-ĐT nên có những quy định cụ thể để chủ trương ưu việt này không chỉ là chủ trương.

Quỳnh Phạm