Thủ tục hành chính công: Còn nhiều việc phải làm
Đời sống - Ngày đăng : 06:44, 24/07/2012
Theo đó, một nền hành chính chuyên nghiệp sẽ đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của người sử dụng dịch vụ: sự tiện lợi; tính bảo đảm; độ tin cậy, tính công bằng và trách nhiệm giải trình.
Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ cho người dân tại bộ phận “một cửa” phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình. Ảnh: Linh Tâm |
Trong tổng số 13.642 người trả lời, có 38,82% đã đi lấy chứng thực, xác nhận của chính quyền các cấp, trong đó có tới 92% đi làm ở UBND cấp xã, phường và chỉ có 5% làm ở phòng tư pháp quận, huyện. Điều này phần nào phản ánh hiệu quả của việc phân cấp, phân quyền trong công tác chứng thực, xác nhận. Kết quả khảo sát cho thấy, nhiều người đã sử dụng dịch vụ hài lòng với chất lượng dịch vụ. Song các tỉnh, TP cũng cần cải thiện hiệu quả ở một số tiêu chí: hướng dẫn cụ thể về thủ tục cần làm và niêm yết công khai mức phí phải nộp, thủ tục giấy tờ và thái độ của công chức tiếp dân. Về thủ tục liên quan đến chứng nhận QSD đất, một kết quả khá lạc quan là phần lớn người đi làm thủ tục không phải tới nhiều cơ quan, gặp nhiều người mới được việc. Trung bình cả nước có 84,68% số người đã làm thủ tục này cho biết họ không phải qua nhiều "cửa". Tuy nhiên, thời gian giải quyết thủ tục này là điều đáng lo ngại. Tổng số ngày xử lý thủ tục này trên toàn quốc là 44 ngày, song lại có sự khác biệt lớn ở các địa phương với khoảng thời gian dao động từ 1 đến 720 ngày. Hơn nữa, chỉ số về tổng chất lượng dịch vụ cấp GCN QSD đất cho thấy sự khác biệt tương đối lớn giữa các tỉnh, TP. Kết quả khảo sát cũng cho thấy ở nhiều địa phương, người dân cũng chưa hài lòng khi thực hiện thủ tục này. Tương tự, trong dịch vụ và thủ tục cấp phép xây dựng cũng có tới 92,86% người được hỏi cho biết họ không phải đi qua nhiều "cửa". Song kết quả khảo sát cho thấy có sự khác biệt đáng chú ý giữa các tỉnh, mỗi tỉnh đều có những nhược điểm khiến người dân phàn nàn như lệ phí xin cấp phép chưa được công khai; thông tin hướng dẫn chưa rõ ràng; thủ tục rườm rà…
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới việc cùng một TTHC nhưng việc thực hiện và hiệu quả ở mỗi nơi mỗi khác. Nguyên nhân cơ bản nhất được cho là các cơ quan hành chính nhà nước chưa thực hiện một cách nghiêm túc, đầy đủ các quy định của TƯ và địa phương dẫn tới việc giải quyết TTHC chậm trễ, thiếu sự công khai, minh bạch và thái độ phục vụ chưa đúng tinh thần vì dân. Trong khi đó, đây là những yêu cầu bắt buộc trong công tác CCHC. Năm 2011 là năm đầu tiên nghiên cứu PAPI được triển khai tới tất cả 63 tỉnh, TP trên toàn quốc và chỉ số của năm 2011 được xem là dữ liệu cơ sở, dùng làm căn cứ để điều chỉnh trong các năm tiếp theo. Hơn lúc nào hết, các địa phương cần nghiêm túc thực hiện đúng các quy định, bởi từ nay, các nghiên cứu của PAPI có tác dụng phản ánh ý kiến phản hồi của xã hội tới các nhà hoạch định chính sách và các cơ quan hành pháp các cấp về hiệu quả hoạt động của chính quyền và cơ quan hành chính công tại địa phương trong cả nước.