Dông tố nổi lên từ nợ nần

Thế giới - Ngày đăng : 07:08, 23/07/2012

(HNM) - Khoản cứu trợ 100 tỷ euro (129 tỷ USD) vừa được chính thức thông qua trong hội nghị trực tuyến kéo dài gần hai giờ đồng hồ của Bộ trưởng Tài chính 17 nước thuộc Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) như cơn mưa rào trong hạn đã tạm làm dịu bớt


Gói cứu trợ lớn chưa từng thấy đang vượt qua những hàng rào cuối cùng để tới xứ sở bò tót diễn ra vào thời điểm Madrid vừa làm dấy lên cơn hoảng sợ mới trên các thị trường toàn cầu với thông báo tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng nước này đang ở mức cao nhất trong 18 năm qua.


Người Tây Ban Nha xuống đường phản đối các biện pháp cắt giảm ngân sách của Chính phủ.

Với tỷ lệ nợ khó đòi trong tháng 5 tăng lên 8,95% từ mức 8,72% trong tháng 4, không còn cách ngưỡng cao nhất 9,15% hồi tháng 2-1994 là bao, Tây Ban Nha vừa tái khẳng định một thực tế đáng lo ngại là hệ thống ngân hàng tại quốc gia này đang ngày càng trượt vào vùng nợ nguy hiểm. Trái ngược với khoản nợ quốc gia đang ngày một phình to, các khoản tiền gửi của người dân trong tháng 5 đã giảm gần 6% xuống 1.629 tỷ USD trong khi các khoản cho vay của ngân hàng cũng giảm xấp xỉ 4%. Cuộc đi ngược chiều này cho thấy Madrid sẽ còn phải tiếp tục chấp nhận bảo lãnh vỡ nợ cao hơn nữa. Vào lúc này, tin "nợ xấu" phát đi từ các chủ thể tài chính quan trọng càng làm rõ hơn bức tranh tối màu về tương lai của xứ bò tót.

Không ai phản đối kế hoạch của Madrid sẽ dành hơn một nửa số tiền cứu trợ để thực hiện cuộc đại phẫu hệ thống ngân hàng vốn đã tổn thương nặng nề bởi sự tan vỡ của bong bóng bất động sản hồi năm 2008. Đây được cho là hành động cần thiết vào lúc này để giữ cho trụ cột kinh tế thứ tư của Eurozone không sụp đổ. Thế nhưng, cũng như những cuộc giải cứu hao tài tốn của khác, liệu khoản tiền hơn 50 tỷ euro có khả năng giải quyết tận gốc những khó khăn của các ngân hàng Tây Ban Nha hay không, đang là câu hỏi lớn. Các số liệu cho biết, các nhà băng Tây Ban Nha đã vay nợ ít nhất 191 tỷ USD trong khi nguồn trả nợ chưa biết tìm đâu ra, cao hơn tới 62 tỷ USD so với tổng gói cứu trợ dự kiến. Nợ xấu đang không chỉ hủy hoại sự an toàn của hệ thống tài chính Tây Ban Nha mà cũng đã cướp đi luôn cơ hội được tiếp cận vốn vay của các doanh nghiệp. Điều đó đồng nghĩa với việc kinh tế Tây Ban Nha khó mà đạt tăng trưởng cần thiết để tự thoát khỏi khủng hoảng.

Những rắc rối ngày càng lộ rõ của hệ thống ngân hàng cũng được xem sẽ tạo thêm những rào cản mới để chính sách "thắt lưng buộc bụng" mới của Chính phủ Thủ tướng Mariano Rajoy được thực thi hiệu quả. Không thể khước từ yêu cầu giảm thâm hụt ngân sách từ Liên minh Châu Âu (EU) để đổi lấy các gói viện trợ, ông Rajoy đã ban bố quyết định tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 18% lên 21%. Phải đi ngược lại cam kết sẽ không tăng thuế trước đó, hành động của người đứng đầu Chính phủ Tây Ban Nha được đưa ra với hy vọng sẽ mang lại thêm 65 tỷ euro cho ngân khố dự báo sẽ cạn kiệt vào năm 2014. Với tỷ lệ thất nghiệp lên đến 24,4% giữa lúc đất nước đang đối diện với cơn suy thoái tồi tệ nhất trong lịch sử, Madrid trên thực tế đã không còn lựa chọn nào khác.

Ngay khi những biện pháp tăng thuế và giảm chi tiêu ngân sách ngặt nghèo được ban bố, bên ngoài trụ sở Quốc hội, người biểu tình Tây Ban Nha đã phản ứng dữ dội qua các cuộc đụng độ với cảnh sát. Bầu không khí xã hội căng thẳng có lẽ sẽ làm trầm trọng thêm cơn trọng bệnh của nền kinh tế. Bên kia bờ Đại Tây Dương, chỉ số Standard & Poor's 500 giảm mạnh nhất 1 tháng trong khi những diễn biến bất lợi từ Tây Ban Nha gây hoang mang cho các giao dịch tài chính. Không chỉ có hệ thống ngân hàng, lời khẩn cầu "phao cứu sinh" tài chính từ thành phố Valencia vừa cất lên càng khẳng định thực trạng bức tranh toàn cảnh nền tài chính của quốc gia Tây nam Âu không hề có điểm sáng. Với lời kêu cứu từ địa phương mắc nợ cao thứ hai ở Tây Ban Nha vừa cất lên, đám mây nợ nần trên bầu trời kinh tế Tây Ban Nha đã mở rộng thêm diện tích, báo hiệu một cơn dông tố mới mà người ta chưa lường được sức công phá của nó.

Vân Khanh