Giáo dục đại học - Không thể “mở cổng thành” cho hàng rởm
Xã hội - Ngày đăng : 06:19, 23/07/2012
Tham gia vào "sân chơi" của hơn 150 nền kinh tế thế giới đã mở ra cho GD ĐH Việt Nam những cơ hội và thách thức mới. Cơ hội dễ thấy nhất là, khi mà trong hiện tại và tương lai trung hạn, hệ thống GD ĐH chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội cả về quy mô và chất lượng thì việc gia nhập WTO sẽ tạo điều kiện cho học sinh được học đại học. Với một đất nước mà người dân vẫn coi vào ĐH là con đường sáng nhất để lập thân, lập nghiệp, thị trường GD ĐH luôn giàu tiềm năng. Không chỉ những học sinh mới tốt nghiệp phổ thông không trúng tuyển các trường ĐH trong nước, bị sức hút của chương trình liên kết với đầu vào rộng mở, với những lời quảng cáo có cánh về chương trình, chất lượng đào tạo, điều kiện học tập, khả năng kiếm việc sau khi tốt nghiệp, mà ngay cả những người đã tốt nghiệp ĐH, đang giữ những chức vụ quan trọng cũng không cưỡng lại được tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ mang nhãn "hàng ngoại". Bởi vậy, khi hội nhập sẽ không tránh được cuộc "đổ bộ" của các dịch vụ giáo dục nước ngoài - xu hướng tất yếu trên thế giới hiện nay khi tham gia vào giáo dục xuyên quốc gia. Thị trường hàng hóa luôn có hàng thật, hàng rởm. Thị trường GD ĐH cũng vậy, nhất là khi hội nhập việc "nhập khẩu" ngày càng gia tăng. Nhưng làm sao để hạn chế việc nhập khẩu "hàng rởm" trong khi các nước phát triển có xu hướng xuất khẩu giáo dục không lành mạnh là câu hỏi không dễ trả lời ở tầm vi mô - từng các cơ sở đào tạo, cũng như vĩ mô - cơ quan quản lý nhà nước.
Gia nhập WTO, Việt Nam cam kết các nhà đầu tư được phép thành lập cơ sở đào tạo 100% vốn nước ngoài và liên doanh, nhưng xu thế đầu tư xây dựng trường mới không nhiều, chỉ có liên kết đào tạo là phát triển sôi động. Đơn giản là vì, với nhà "xuất khẩu", đây là con đường đầu tư ít vốn, lợi nhuận cao. Còn với người "nhập khẩu", vì chưa chuẩn bị tốt về thể chế, nguồn lực và hạ tầng và vì cả những lợi ích trước mắt, đã chấp nhận nhập hàng kém chất lượng, thậm chí là hàng rởm. Thực tế những năm qua cho thấy, bên cạnh một số trường ĐH và CĐ nước ngoài xây dựng những chương trình du học tại chỗ hoặc từ xa tại Việt Nam với mục đích chính là đáp ứng nhu cầu cấp thiết và cung cấp một nền giáo dục có chất lượng với chi phí thấp nhất có thể được, còn có không ít những cơ sở chỉ nhìn thấy đây là cơ hội vàng cho họ kiếm món lời khổng lồ từ một thị trường đầy triển vọng với nguồn tuyển sinh dồi dào và chi phí đào tạo thấp. Tại các cơ sở đào tạo trong nước, chương trình liên kết đang trở thành "mốt". Hầu hết trường ĐH, CĐ đều có chương trình liên kết, có đơn vị bắt tay với 20-30 ĐH nước ngoài. Không chỉ có các trường ĐH mà nhiều cơ sở thuộc các bộ, ngành khác cũng đang ồ ạt liên kết, hợp tác đào tạo quốc tế, thậm chí một số cơ quan không có chức năng đào tạo cũng liên kết đào tạo với nước ngoài.
Có nghĩa là liên kết đào tạo ĐH với nước ngoài đã và đang diễn ra một cách ào ạt, xô bồ. Phải công nhận rằng, liên kết đào tạo là một trong những cách làm sáng tạo để giúp ước mơ đẳng cấp quốc tế của nhiều trường có thể trở thành hiện thực. Thông qua các chương trình liên kết, trường ĐH mở rộng quan hệ quốc tế, tiếp nhận việc chuyển giao công nghệ từ các nền giáo dục phát triển gắn chặt với việc bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ cán bộ; xây dựng những ngành học mới; học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý báu về quản lý giáo dục; đổi mới, cải tiến nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá của các trường đối tác và mang lại nguồn thu không nhỏ... Với ngành giáo dục cũng như xã hội, ở mức độ khác nhau, liên kết đào tạo đã góp phần đổi mới GD ĐH, tạo tiền đề tiếp nhận công nghệ đào tạo tiên tiến, thúc đẩy xã hội hóa giáo dục đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng của số đông học sinh, sinh viên, cán bộ. Liên kết đào tạo quốc tế cũng góp phần hạn chế trào lưu du học nước ngoài của sinh viên Việt Nam, phát triển du học tại chỗ. Nhưng mục tiêu chính và "sạch" của liên kết đào tạo quốc tế là làm cho các đối tác Việt Nam mạnh hơn, tạo bước chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục theo hướng tiếp cận với trình độ tiên tiến của thế giới, phù hợp với thực tiễn Việt Nam, có đạt được không? Con số mà kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ vừa công bố đã rõ câu trả lời. Số đối tác được xếp thứ hạng cao trong khu vực và thế giới chỉ đếm trên đầu ngón tay và không hiếm đơn vị "học tập" cơ sở đào tạo trình độ thấp hơn mình. Không có gì biện minh cho việc làm này ngoài lý do lợi nhuận và cả tiếng tăm mà các chương trình liên kết đem lại. Nhiều trường khi liên kết với nước ngoài chỉ để ý đến khả năng liên kết, lợi ích thu được chứ không đặt vấn đề chất lượng lên hàng đầu... nên không chỉ "mở cổng thành" cho những chương trình kém chất lượng mà cả những trường ĐH chỉ có trên danh nghĩa đã và đang ra vào nước ta. Để "chiều" người học và thuận lợi cho việc chiêu sinh, dù phương thức liên kết khá đa dạng nhưng các chương trình liên kết đều có chung một số đặc điểm: "đầu vào" mở rộng hết cỡ, chỉ cần tốt nghiệp THPT là được chấp nhận nhập học; trình độ ngoại ngữ thì có thể "du di", có thể học bằng tiếng Anh hoặc bằng tiếng Việt; "đầu ra" khá thoải mái với bằng cấp "xịn". Rõ ràng, hiện đang thiếu một tổ chức độc lập thực hiện việc đánh giá và kiểm soát chất lượng trong khi cả hai đối tác Việt Nam và nước ngoài đều muốn tuyển sinh nhiều hơn thay vì phải bảo đảm chất lượng nên với các điều kiện bảo đảm chất lượng ấy thì "sản phẩm" khó được như hàng nội dù được dán mác ngoại.
Khai thác cơ hội, vượt qua thách thức, tăng cường lợi ích và giảm thiểu rủi ro bằng cách đề ra những chính sách và biện pháp phù hợp trên cơ sở xác định điểm mạnh, yếu của nền giáo dục nước nhà là việc mà bất kỳ quốc gia nào khi hội nhập trong xu thế toàn cầu đều phải tính đến. Việc "mở cửa" có thể đón được luồng gió mát làm cho ta khỏe hơn nhưng cũng có thể hứng luồng gió độc làm tổn hại đến những cơ thể ốm yếu. "Cơ thể" giáo dục của nước ta vốn không khỏe, nên mở rộng cửa trong điều kiện chưa có hệ thống chặt chẽ về quản lý giáo dục ĐH xuyên quốc gia đã và đang đặt ra vấn đề quyền lợi của người học không được bảo đảm. Không chỉ có thế, những rủi ro lớn hơn cho nền giáo dục như sự mất cân đối về ngành nghề đào tạo của nguồn nhân lực ngày càng gia tăng; ranh giới giữa giàu nghèo trong giáo dục càng tăng khoảng cách, hệ thống tư thục mới ra đời sẽ phải nhường thị phần GD ĐH trong nước cho các nhà cung ứng giáo dục nước ngoài... và xa hơn là gặp những nguy hại lâu dài, to lớn, khó lường.
Văn hóa và giáo dục trong toàn cầu hóa khác hẳn trong kinh tế. Nhiều chuyên gia đã nói rằng, thế giới có thể "phẳng" về kinh tế và công nghệ nhưng không thể "phẳng" về văn hóa và giáo dục. Bởi thế, hội nhập quốc tế về giáo dục nói chung, liên kết đào tạo quốc tế nói riêng phải làm cho giáo dục Việt Nam phát triển nhanh về số lượng, vững chắc về chất lượng, nhưng quan trọng hơn là phục vụ các yêu cầu phát triển đất nước, bảo đảm mục tiêu phát triển con người toàn diện cũng như tính ưu việt của chế độ xã hội ta: giáo dục là quyền và lợi ích của nhân dân.
Đi sau thì có thể đi tắt đón đầu nhưng mở rộng hợp tác phải đi đôi với quản lý chặt chẽ, càng mạnh dạn phát triển bao nhiêu thì càng phải tăng cường quản lý bấy nhiêu. Vì thế, "nhập khẩu" cái gì, liên kết với ai, trước hết chúng ta cần phải trả lời một cách tường minh chúng ta đang cần gì và cần một chất lượng như thế nào. Có chuẩn về chất lượng đào tạo phù hợp; có chế tài pháp lý nghiêm ngặt để kiểm soát xem chất lượng của các chương trình liên kết có đạt chuẩn đó hay không; có một tổ chức để làm việc ấy và chịu trách nhiệm về chất lượng các chương trình liên kết nhưng không chỉ là của Chính phủ hay của riêng từng trường ĐH - đó là những việc cần phải làm ngay. Trên sân chơi quốc tế, chúng ta vừa phải nhập cuộc, vừa phải tỉnh táo biết mình là ai, để không thu mình lại nhưng cũng không bắt chước, rập khuôn vội vã. Làm thế nào để tiếp nhận và lớn lên qua làn sóng toàn cầu hóa, để "sân nhà" không chỉ để khách "chơi" và ta lại thua toàn diện trong cuộc chơi đó - đó là thách thức đối với giáo dục Việt Nam, là trách nhiệm của những người lãnh đạo, các nhà quản lý giáo dục hiện nay.