Chinh phục đấu trường Olympic - phải kiên trì và nhất quán
Xã hội - Ngày đăng : 06:57, 22/07/2012
Nhưng tăng lượng VĐV dự Olympic không đồng nghĩa với việc tăng cơ hội có huy chương, bởi ở nhiều môn, kết quả chuyên môn của VĐV nước ta vẫn còn ở khoảng cách nhất định so với chỉ số huy chương Olympic. TTVN còn rất nhiều việc phải làm để có thể tự tin trước mỗi kỳ Thế vận hội, thay vì chờ đợi sự may mắn… Báo Hànộimới đã có cuộc đối thoại với Tổng Cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng về chiến lược và quyết tâm của ngành TDTT trên con đường chinh phục đỉnh cao Olympic.
Đâu là thước đo thành công?
- Ông cảm nhận thế nào khi lần đầu tiên TTVN có đến 18 VĐV được góp mặt tại một kỳ Thế vận hội, thành công hơn hẳn so với các kỳ trước?
- Nếu so sánh với các kỳ Thế vận hội Olympic trước, đây là kết quả đáng ghi nhận, là niềm vui lớn. Đáng nói nhất là ta có đại diện ở các môn thể thao Olympic cơ bản như thể dục dụng cụ (3 VĐV), điền kinh (2 VĐV), bơi lội (1 VĐV)…
- Nhưng tôi vẫn có băn khoăn, bởi Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020 đặt ra chỉ tiêu “năm 2012, phấn đấu có khoảng 30 VĐV vượt qua các cuộc vòng loại và có huy chương tại Olympic”…
- Chỉ tiêu đặt ra là để chúng ta phấn đấu, còn phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố khách quan và chủ quan. Hơn nữa, luôn có độ chênh nhất định giữa mong muốn và thực tế. Điều quan trọng không thể phủ nhận là so với các kỳ Thế vận hội trước TTVN đã có bước tiến nhất định cả về lượng và chất. Qua các cuộc thi vòng loại, ngành thể thao cũng đã rút ra được những bài học kinh nghiệm để có sự chỉ đạo đạt được thành tích tốt hơn ở các kỳ Olympic tiếp theo.
- Vậy theo ông, đâu là những nhân tố khách quan và chủ quan gây ra “độ vênh” ấy?
- Có nhiều yếu tố tác động tới kết quả thực hiện chiến lược. Về chủ quan, chúng ta mới chỉ tập trung phân nhóm đầu tư cho các môn thể thao trọng điểm trong thời gian ngắn trong khi xuất phát điểm thành tích của TTVN còn thấp, khả năng chuyên môn của đội ngũ cán bộ, HLV, VĐV còn có hạn chế, chưa đánh giá hết tiềm năng, thế mạnh của chính chúng ta. Về khách quan, do điều kiện kinh tế của đất nước còn khó khăn, chúng ta chưa có điều kiện đầu tư đầy đủ cho công tác đào tạo; thêm vào đó, một số cơ chế, chính sách đãi ngộ VĐV, HLV còn bất cập nên chưa tạo ra động lực thu hút VĐV tài năng phấn đấu hết mình. Điều đó cũng ảnh hưởng tới việc phấn đấu đạt chỉ tiêu đề ra.
- Ông nghĩ gì về ý kiến cho rằng, tuy lượng VĐV được dự Olympic kỳ này tăng nhưng cơ hội giành huy chương lại ít hơn?
- Với nhiều VĐV của nhiều môn thể thao được thi đấu sẽ có nhiều cơ hội hơn để giành huy chương. Tuy nhiên, vượt qua được vòng loại và giành huy chương Olympic là hai việc khác xa nhau, cần sự đầu tư kỹ lưỡng hơn. Vì vậy, tham dự Olympic lần này, chúng ta chỉ đặt chỉ tiêu phấn đấu giành được kết quả cao ở một số môn nhất định mà thôi. Trên thực tế, có tới 10.500 VĐV của trên 200 quốc gia tranh tài tại Olympic London 2012, do đó có rất ít người có thể giành huy chương.
- Một số nhà quản lý và chuyên môn đặt hy vọng vào cơ hội giành huy chương ở môn cử tạ, taekwondo. Bỏ qua yếu tố về tâm lý, điều kiện khách quan, chỉ xét về trình độ thì ông có tự tin TTVN sẽ có huy chương Olympic ở các bộ môn này?
- Hiện tại, chỉ số tập luyện của các VĐV có tiến bộ. Qua quá trình chỉ đạo, theo dõi công tác chuẩn bị, tôi tin Đoàn TTVN có nhiều khả năng giành được huy chương ở kỳ Olympic lần này.
- Tất nhiên là phải giữ niềm tin, nhưng trên cơ sở phân tích chỉ số chuyên môn trong thi đấu, tập luyện của VĐV ta và chỉ số thành tích để đoạt huy chương Olympic các kỳ gần đây, nên vẫn có sự lo lắng…
- Ngoài mục tiêu giành huy chương, tôi thấy còn nhiều vấn đề khác để đánh giá sự thành công của TTVN tại Olympic London 2012, chẳng hạn, số môn thể thao, số lượng VĐV có vé chính thức tham dự Olympic, thứ hạng đạt được của các VĐV trong các cuộc thi đấu… Tôi cho rằng, sự nỗ lực vượt qua được chính mình để đạt được thành tích cao nhất của mỗi VĐV cũng là thành công.
Bước chuyển lớn nhờ hướng đi đúng
- Nỗ lực vượt khó để được có mặt ở đấu trường thể thao lớn nhất thế giới của các VĐV đã là điều rất đáng ghi nhận. Điều đó có ảnh hưởng đến chiến lược đầu tư của ngành, nhất là trong việc phân nhóm đầu tư trọng điểm?
- Trong điều kiện thực tế của TTVN, việc phân nhóm các môn thể thao để đầu tư trọng điểm là một chủ trương đúng đắn mà ngành TTVN kiên định thực hiện trong thời gian qua. Với nguồn lực không thực sự dồi dào, chúng ta phải lựa chọn những môn thể thao phù hợp, có khả năng đạt được thành tích một cách bền vững để tập trung đầu tư nhằm phục vụ mục tiêu ở cả ba đấu trường SEA Games, ASIAD và Olympic. Đó là cách làm đúng đắn trong giai đoạn hiện nay.
- Ý ông là để có thể chinh phục đỉnh cao Olympic thì cần phải có một quá trình đầu tư bài bản, dài hơi. Cụ thể là những gì, thưa ông?
- Cần đầu tư dài hạn, bắt đầu từ việc phát triển phong trào rộng khắp, đặc biệt quan tâm tới thể thao trường học, đầu tư xây dựng hệ thống đào tạo VĐV một cách bài bản, đào tạo đội ngũ cán bộ, HLV, áp dụng thành tựu khoa học, xây dựng hệ thống chính sách phù hợp với thể thao hiện đại… Tất cả những việc đó cần có kế hoạch và quá trình thực hiện dài hạn.
- Dù sao, quả là khó tránh khỏi chạnh lòng khi ở đấu trường khu vực TTVN luôn ở nhóm 3 nước dẫn đầu, nhưng hễ ra Olympic ta lại thua xa Thái Lan, Indonesia, Singapore, thậm chí là Philippines. Ta có gì chưa đúng trong xác định mục tiêu chăng?
- Xét về thực lực ở một số môn thể thao, rõ ràng một số quốc gia trong khu vực có nền tảng tốt hơn chúng ta, cơ bản là vì họ đã trải qua quá trình đầu tư lâu dài và chuyên nghiệp hơn. Chẳng hạn, Thái Lan và Philippines có truyền thống đạt được thành tích cao trong môn boxing, Indonesia ở môn cầu lông, cử tạ, còn Singapore với chính sách nhập khẩu nhân tài và tiềm lực tài chính mạnh, họ có khả năng đạt được thành tích ở các môn bóng bàn, bơi lội.
- Chúng ta có thể “học bạn” thế nào để có thể tự tin hơn trong việc đặt chỉ tiêu huy chương Olympic ở các kỳ tới?
- Để có thể tự tin hơn trong các kỳ Thế vận hội tới, chúng ta cần phải tiếp tục lựa chọn những nội dung thi đấu phù hợp để tập trung đầu tư cao, tăng cường tuyển chọn và huấn luyện VĐV xuất sắc một cách khoa học. Cũng cần xây dựng kế hoạch dài hơi về đào tạo VĐV trẻ, trong đó cần tập trung nguồn lực của Nhà nước và huy động mạnh mẽ hơn sự đóng góp của xã hội.
- Thực tế cho thấy vẫn còn nhiều hạn chế trong việc đầu tư cho các VĐV hạt nhân. Ví như quãng thời gian tập huấn của VĐV thể dục dụng cụ Phan Thị Hà Thanh đã có sự trục trặc, có lúc thiếu chuyên gia, ít được đi tập huấn nước ngoài. Trương Thanh Hằng, dù được kỳ vọng nhưng không thể nâng cao thành tích ở giai đoạn nước rút để có thể giành vé dự Olympic. Lỗi ở khâu nào, thưa ông?
- Có những điều rất thiếu may mắn mà chỉ người trong cuộc mới biết. Như chuyện của Hà Thanh, khi chuyên gia vướng mắc chuyện gia đình, chúng ta không dễ tìm người thay thế ngay lập tức. Những chuyên gia giỏi hoặc đã có nơi có chốn, hoặc đòi trả mức lương ngoài khả năng của ta… Thanh Hằng, trong tập luyện đã có lúc vượt cả chuẩn A Olympic, nhưng thực tế thi đấu lại khác. Có lúc, thành công hay thất bại còn phụ thuộc sự may mắn, khả năng đối phó khi đối thủ dùng tiểu xảo...
- Chúng ta cần phải làm gì để khắc phục tối đa những chuyện đáng tiếc như vậy?
- Tôi tin nếu được thi đấu cọ xát quốc tế nhiều các VĐV của chúng ta sẽ ngày càng trưởng thành hơn, vững vàng tâm lý hơn…
Kiên trì, nhất quán trên đường dài
- Tự mình so với mình, rõ ràng bước tiến hiện tại ở các môn thể thao Olympic cơ bản như điền kinh, bơi lội, thể dục dụng cụ… so với vài năm trước đây là rất đáng kể. Nhưng để TTVN có thể chinh phục đỉnh cao còn cần rất nhiều yếu tố, đặc biệt là sự nhất quán trong đầu tư trọng điểm, nghĩa là dù chưa sớm có huy chương ở kỳ này cũng không vì thế mà cắt gọt trong đầu tư. Ngược lại, cần tiếp tục “nuôi” VĐV cho đến khi thực sự đạt độ chín?
- Đúng vậy, chúng ta cần kiên trì, nhất quán trong việc lựa chọn các môn thể thao có thế mạnh, phù hợp với khả năng thể chất của người Việt Nam để tiếp tục đầu tư cao, không chỉ vì thành tích trước mắt mà có thể nóng vội được.
- Và tất nhiên, không thể bỏ qua việc đầu tư cho lực lượng kế cận?
- Ngành thể dục thể thao đã có kế hoạch cụ thể để chuẩn bị cho lực lượng VĐV trẻ kế cận. Sắp tới, chúng tôi sẽ trình Bộ VH-TT&DL thông qua Chương trình hành động quốc gia về thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp. Nếu được phê duyệt, đây sẽ là điều kiện tốt để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ công tác đào tạo lực lượng VĐV trẻ ở các địa phương và cả trên bình diện quốc gia.
- Nhưng chúng ta vẫn thường hay gặp phải tình huống “cái khó bó cái khôn”. Ông có lo ngại điều này sẽ ảnh hưởng đến quyết tâm thực hiện chiến lược phát triển thể thao của ngành?
- Để có được thành công ở bất kỳ lĩnh vực nào, chúng ta cũng đều phải biết cách vượt qua những khó khăn, trở ngại. Tôi tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, cùng với sự quan tâm và hỗ trợ của toàn xã hội, tập thể cán bộ, HLV, VĐV, trọng tài và những người làm thể thao sẽ thực hiện có kết quả Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020 đã được phê duyệt.
- Chiến lược phát triển TDTT xác định một số chỉ tiêu phát triển thể thao thành tích cao trong giai đoạn tới: Năm 2014, phấn đấu đạt vị trí 15-13 tại ASIAD 17; năm 2016 phấn đấu có khoảng 40 VĐV vượt qua vòng loại Olympic và có HCV; năm 2019 phấn đấu đạt vị trí 14-12 tại ASIAD 18… Đây đều là những nhiệm vụ rất nặng nề?
- Đây thực sự là những nhiệm vụ rất nặng nề đối với ngành TDTT. Tuy nhiên, không vì thế mà tập thể những người làm thể thao nản chí, mà ngược lại, càng phải quyết tâm, đồng lòng thực hiện cho bằng được.
- Dẫu sao, chỉ tiêu đặt ra là để chúng ta có đường hướng, động lực để phấn đấu với quyết tâm và ý chí cao hơn. Và quan trọng là, để đạt được các chỉ tiêu lớn lao như vậy, rất cần duy trì sự ưu tiên đầu tư trọng điểm. Ông nghĩ thế nào về vấn đề này?
- Ưu tiên đầu tư trọng điểm cho các VĐV trọng điểm, các môn thể thao trọng điểm là một chủ trương đúng đắn. Những kết quả đạt được bước đầu của TTVN trên đấu trường thể thao quốc tế thời gian qua đã chứng minh điều đó. Vì vậy, trong thời gian tới, ngành TDTT sẽ tiếp tục duy trì thực hiện chính sách này.
- Theo ông, đâu là những vấn đề chúng ta cần rốt ráo thực hiện để TTVN có thể duy trì đà phát triển trong thời gian tới, hướng đến mục tiêu chinh phục đấu trường Olympic?
- Chúng tôi cho rằng, để có thể duy trì đà phát triển, hướng đến mục tiêu chinh phục đấu trường Olympic trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu như sau: Xây dựng và triển khai kế hoạch nâng cao chất lượng đào tạo VĐV các cấp một cách bài bản, khoa học, trong đó, tập trung đầu tư cao cho lực lượng VĐV đội tuyển, đội dự tuyển quốc gia ở các môn thể thao được quy hoạch, đặc biệt là các môn thể thao cơ bản, các môn Olympic. Quan trọng nữa là việc áp dụng các thành tựu khoa học tiên tiến và thực hiện đồng bộ các giải pháp về y sinh học, chăm sóc dinh dưỡng, hồi phục… trong quá trình đào tạo VĐV, tăng cường bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ HLV; hiện đại hóa cơ sở vật chất của các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia. Đồng thời, cần có những chính sách đãi ngộ hợp lý cho các HLV, VĐV xuất sắc để họ yên tâm cống hiến cho sự nghiệp TDTT của nước nhà.
- Xin cảm ơn ông!
Một số thông tin về Đoàn TTVN dự Olympic London 2012 *Đoàn TTVN dự Olympic London (diễn ra từ ngày 27-7 đến 12-8) gồm 56 thành viên, trong đó có 18 VĐV, gồm Phan Thị Hà Thanh, Đỗ Thị Ngân Thương, Phạm Phước Hưng (thể dục dụng cụ), Hoàng Xuân Vinh, Lê Thị Hoàng Ngọc (bắn súng), Trần Lê Quốc Toàn, Nguyễn Thị Thúy (cử tạ), Lê Huỳnh Châu, Chu Hoàng Diệu Linh (taekwondo), Phạm Thị Thảo, Phạm Thị Hài (rowing), Nguyễn Tiến Minh (cầu lông), Văn Ngọc Tú (judo), Nguyễn Thị Lụa (vật), Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi), Nguyễn Thị Thanh Phúc, Dương Thị Việt Anh (điền kinh), Nguyễn Tiến Nhật (đấu kiếm). |