Thống nhất một mức học phí: Có giảm được lạm thu?

Giáo dục - Ngày đăng : 08:24, 21/07/2012

(HNM) - Tại Nghị quyết về miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục công lập TP Hà Nội vừa được HĐND TP thông qua, toàn TP sẽ thống nhất một mức thu học phí và mức học phí đã được giảm ở khung thấp nhất.

Giảm học phí cần đi đôi với việc giám sát chặt chẽ các khoản thu khác. Ảnh: Phương An


Tính ưu việt của nghị quyết

Theo Nghị quyết, mức thu học phí mới của các cấp học tại Hà Nội được xây dựng bằng với mức thấp nhất trong khung học phí được quy định tại Nghị định số 49/2010-NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Cụ thể, học phí đối với các bậc học nhà trẻ, mẫu giáo, THCS, THPT, bổ túc THPT, bổ túc THCS tại khu vực thành thị là 40.000 đồng/học sinh/tháng. Tại khu vực nông thôn, mức học phí là 20.000 đồng/học sinh/tháng. Đối với học nghề THPT là 40.000 đồng/học sinh/năm, học nghề THCS 20.000 đồng/học sinh/năm.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng mở rộng diện miễn giảm học phí. Ngoài các đối tượng theo quy định chung, học sinh tại 13 xã miền núi khó khăn gồm: Ba Vì, Khánh Thượng, Minh Quang, Vân Hòa, Yên Bài, Ba Trại, Tản Lĩnh (huyện Ba Vì); Yên Trung, Yên Bình, Tiến Xuân (huyện Thạch Thất); Phú Mãn, Đông Xuân (huyện Quốc Oai); An Phú (Mỹ Đức) và hai xã giữa sông là Minh Châu (Ba Vì), Vân Hà (Phúc Thọ) sẽ được miễn giảm học phí. TP không đặt vấn đề tăng học phí hàng năm theo tình hình - kinh tế xã hội như Nghị định 49.

Theo bà Nguyễn Thị Thùy, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TP), Nghị quyết thể hiện sự đi trước trong việc bảo đảm an sinh xã hội của Hà Nội, theo tinh thần Nghị quyết số 35/2009/QH12, trong đó hướng tới miễn học phí vào thời điểm thích hợp. Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thị Hồng Nga khẳng định, việc giảm học phí công lập cho thấy tính ưu việt của Hà Nội đối với công tác giáo dục nói chung và các vấn đề an sinh khác nói riêng. Hiện nay xu hướng học phí tại các trường công lập sẽ giảm dần tới mức miễn học phí.

Cần minh bạch trong quản lý

Chính thức có hiệu lực sau khi thông qua, Nghị quyết của HĐND TP đã góp phần giải bài toán về sự không thống nhất và chênh lệch trong mức thu học phí giữa các khu vực của TP bấy lâu nay. Song bên cạnh niềm vui vẫn là những nỗi lo. Đại biểu Nguyễn Tùng Lâm (quận Đống Đa) nhận xét, việc đưa ra khung học phí thấp là tốt. Nhưng, ngoài thu học phí, lâu nay chúng ta vẫn thường nghe nói đến việc thu các khoản khác như ăn trưa, bán trú… vì vậy cũng cần quy định khung cho các khoản thu này. Còn đại biểu Trần Thị Vân Thoa (huyện Phú Xuyên) băn khoăn, với mức giảm học phí như vậy TP sẽ phải bù tiền cho các trường, tạo ra gánh nặng rất lớn và sức ép cho ngân sách của TP. Hơn nữa, khi giảm học phí ở các khối trường công lập nhiều phụ huynh sẽ muốn cho con vào các trường này và tạo ra sức ép học sinh, đó cũng là sức ép tạo ra các khoản thu khác. Đó là chưa nói đến sức ép về chất lượng đào tạo.

PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh chia sẻ: Khi TP Hồ Chí Minh đưa ra mức học phí tăng gấp 3-5 lần tôi đã rất băn khoăn. Việc Hà Nội chỉ đưa ra mức học phí cao nhất 40.000 đồng/tháng tôi cũng băn khoăn không ít, bởi với mức học phí như thế liệu có thực sự khả thi trong quản lý. Dù tăng hay giảm, học phí nên được xây dựng theo hướng ngoài khoản đó ra, người học không phải đóng thêm một khoản nào khác. Hiện các khoản thu của các trường rất tù mù nên người dân mất lòng tin, vì vậy cần minh bạch về tài chính.

Những ai có con đã và đang đi học đều biết, trong hệ thống trường công lập, học phí là một khoản thu rất nhỏ so với các khoản tiền đóng góp. Ghi nhận những ưu việt từ Nghị quyết về miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục công lập mang lại, cử tri mong muốn cần có một chính sách dài hơi để các bậc phụ huynh không còn phải thường xuyên "tự nguyện" nộp các khoản theo "thỏa thuận". Và có lẽ, điều được cử tri kỳ vọng nhiều nhất là cùng với quy định học phí mới, chất lượng giáo dục được nâng cao, góp phần hạn chế những tiêu cực trong giáo dục hiện nay.

Đà Đông - Hà Bình