Đối thoại giữa ngân hàng với DN: Căng thẳng vấn đề lãi suất
Kinh tế - Ngày đăng : 08:13, 21/07/2012
Quang cảnh hội nghị (Ảnh: H.A). |
Cuộc đối thoại đã thu hút sự tham gia của hơn 100 doanh nghiệp, lãnh đạo các hiệp hội ngành hàng và các ngân hàng trên địa bàn Thủ đô.
Chỉ doanh nghiệp mạnh được tiếp cận lãi suất thấp
Tại Hội nghị, hầu hết các lãnh đạo doanh nghiệp đều đánh giá cao những động thái tích cực của Ngân hàng Nhà nước trong việc giảm lãi suất. Điển hình là việc chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đối với việc phải hạ lãi suất của các khoản vay cũ về 15% từ ngày 15/7. Có thể nói, việc hạ lãi suất cho vay cũ về 15% đã giúp cho các doanh nghiệp phần nào bớt đi những khó khăn khi phải gánh những khoản nợ và lãi lớn.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ những khó khăn trong việc khó tiếp cận vốn vay của ngân hàng. Theo lãnh đạo các doanh nghiệp, dù đã có chỉ đạo của Thống đốc nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng được tiếp cận với lãi suất dưới 15%/năm. Hầu hết chỉ có các doanh nghiệp khỏe, doanh nghiệp mạnh được hưởng mức này, còn lại các doanh nghiệp yếu hơn, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ hầu như rất khó tiếp cận mức lãi suất này.
Theo ông Vũ Thanh Sơn - Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, chỉ trong vòng mấy tháng, lãi suất từ 22,5% hồi đầu năm đã xuống 11-13%/năm. Đây là mức lãi suất tương đối phù hợp với doanh nghiệp hiện nay. Hiện lãi suất chỉ có 16% so với 18% của năm ngoái. Nhờ lãi suất hạ, mức chi phí của doanh nghiệp cũng giảm xuống rất nhiều, doanh nghiệp vì thế cũng giảm bớt phần nào khó khăn. Tuy nhiên, ông Sơn cũng thừa nhận thực tế hiện nay, không phải doanh nghiệp nào cũng may mắn như doanh nghiệp của ông.
Đồng tình với ý kiến của ông Sơn, ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Intimex cho biết, là doanh nghiệp xuất khẩu, nếu không có sự ủng hộ của ngân hàng thì khó phát triển. Do vậy, đối với các doanh nghiệp, sự biến động lãi suất có ảnh hưởng vô cùng lớn. Trong năm 2011, Công ty cổ phần Intimex phải trả lãi suất ngân hàng là 150 tỷ. Cũng theo ông Đỗ Hà Nam, thực ra các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay được ngân hàng rất khó, đặc biệt trong lĩnh vực nông sản.
Hiện nay, cách điều hành của các ngân hàng đã đỡ làm doanh nghiệp lo lắng hơn với những chính sách rõ ràng. Vì thế, nếu có chính sách thì phải nên để vài ngân hàng tham gia và phải đảm bảo cho vay hết số tiền đó thì mới có thể đẩy mạnh tái đầu tư cho sản xuất. Ông Nam cũng cho biết, hiện Công ty ông đang là khách hàng của một số ngân hàng như: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB) chứ không tập trung vay một ngân hàng, vì nếu thời điểm đó, họ không có tiền cho vay mà các đơn hàng lại đặt rồi thì doanh nghiệp sẽ trở tay không kịp.
Còn theo ông Lê Vĩnh Sơn - Chủ tịch HĐQT, Công ty cổ phần quốc tế Sơn Hà, hiện nay, các khoản cho vay đang được các ngân hàng thương mại đưa về 15%, nhưng mới chỉ có các ngân hàng quốc doanh thực hiện, còn các ngân hàng cổ phần thì chưa thấy. Ông Sơn cũng cho biết, hiện nay, việc tiếp cận vốn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang rất khó khăn. Mong muốn của các doanh nghiệp là tiếp tục được xem xét khó khăn, tháo gỡ kịp thời. Khi doanh nghiệp khó khăn thì đừng để quá lâu, nên đồng hành, tránh để tình trạng khi giúp đỡ thì đã quá muộn.
Lãi suất cho vay 15% sẽ ổn định ít nhất trong 1 năm
Tại Hội nghị, giải đáp những phản ánh về việc chậm điều chỉnh lãi suất cho vay xuống 15%,Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng đã thừa nhận hiện tượng này là có, nhưng cần phải hiểu là, dù các ngân hàng đang tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng không phải là “cứu doanh nghiệp bằng mọi giá.” Với những doanh nghiệp có thể phát triển trong tương lai, nếu vượt qua được giai đoạn này, nhất định các ngân hàng sẽ cứu. Còn những doanh nghiệp dù có qua khỏi khó khăn hiện nay, nhưng trong tương lai không có cơ hội phát triển thì cũng khó có thể giúp đỡ.
Thống đốc cũng cho biết, nhiều năm qua, do việc kiểm soát tình hình tài chính tương đối cởi mở nên không ít doanh nghiệp sử dụng vốn ngân hàng không đúng mục đích và chưa hiệu quả, khả năng trả nợ khó khăn…. Vì thế, các doanh nghiệp cần phải chú trọng đầu tư có hiệu quả nguồn vốn của mình. Bên cạnh đó, thực tế hiện nay, nguồn vốn của các ngân hàng chủ yếu là vốn ngắn hạn, dưới 1 năm, do vậy, để yêu cầu hệ thống ngân hàng cấp vốn trung dài hạn cho doanh nghiệp là rất khó khăn.
Cũng tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Mai Sương - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội cho biết, trên địa bàn Hà Nội đã có 12 ngân hàng cổ phần và 8 công ty tài chính có trụ sở tại Hà Nội và chi nhánh các ngân hàng quốc doanh giảm lãi suất các khoản vay cũ về tối đa 15%/một năm. Hiện các ngân hàng khác đang rà soát và cố gắng trong tháng 7 sẽ hoàn tất đưa lãi suất khoản vay cũ về 15%/năm.
Cũng liên quan đến vấn đề lãi suất cho vay về mức 15%, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng cam kết, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ngân hàng sẽ ổn định lãi suất cho vay ở mức 15%/năm và cố gắng xuống thấp hơn, ít nhất trong 1 năm.
Thống đốc NHNN cũng cho rằng, bên cạnh các giải pháp trước mắt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để đảm bảo tăng trưởng kinh tế, cần phải tái cấu trúc cả doanh nghiệp và ngân hàng...