Chưa giải quyết triệt để xe máy "mù"

Đời sống - Ngày đăng : 08:13, 21/07/2012

(HNM) - Trên nhiều tuyến đường ở TP HCM, hình ảnh những xe máy cũ nát, không bảo đảm an toàn nhưng vẫn chở hàng cồng kềnh lưu thông trên đường đang là nỗi kinh hoàng đối với người dân...


Những chiếc xe máy cà tàng thường được cánh thợ sửa xe gọi là "xe mù" vì được "chế" từ các xe máy nhãn hiệu Honda 67, Honda dame, Cup 50..., gắn thêm rơ - moóc tự chế để chở hàng, không có đèn, không biển số, không gương chiếu hậu, cũng chẳng có còi. "Đa phần xe mang đến tiệm đã nát gần hết, nên chủ xe muốn "độ" lại máy để chở hàng được tốt hơn. Những chiếc xe được đôn lên tuy mạnh nhưng rất nguy hiểm vì rất dễ bị gãy sườn, gãy cổ xe khi phanh gấp hay đi qua ổ gà… gây nguy hiểm cho chính người lái xe và nhiều người khác" - Anh Đỗ Văn Thành, thợ sửa xe ở đường Nguyễn Phúc Nguyên (quận 3) cho biết.

Một chiếc xe tự chế lưu thông trên đường phố.


Có mặt tại tuyến đường 3-2 (quận 10) vào giờ tan tầm buổi chiều, chúng tôi bắt gặp một chiếc "xe mù" do một người đàn ông điều khiển, phóng bạt mạng, lạng qua trái, lách qua phải. Sau khi rẽ vào đường Lý Thường Kiệt, chiếc xe quệt vào phía sau chiếc xe máy của một người phụ nữ khiến cả người lẫn xe đổ vật ra đường. Rất may nạn nhân chỉ bị xây xước nhẹ.

Không chỉ xuất hiện ở các đường quận trung tâm, tại các tuyến đường ở vùng ven như Phan Văn Trị (Gò Vấp), Kha Vạn Cân, quốc lộ 13 (quận Thủ Đức), Trường Chinh (Tân Bình), huyện Bình Chánh, Nhà Bè… các loại xe tự chế chở đủ loại vật liệu xây dựng, sắt thép, hàng hóa… vẫn chạy nghênh ngang trên đường. Đặc biệt, tại các chợ nông sản, vào buổi sáng, có hàng chục chiếc xe cũ nát "cõng" hàng tạ, thậm chí hàng tấn rau, củ, quả ra khỏi cổng chợ, lập tức phóng bạt mạng trên đường.

Thống kê từ các quận, huyện gửi về Sở Tài chính cho thấy, toàn TP có hơn 24.000 xe 3 - 4 bánh thuộc diện bị đình chỉ lưu thông theo Nghị quyết 32 của Chính phủ (về cấm xe 3-4 bánh thô sơ, tự chế  lưu thông trên toàn quốc từ ngày 1-10-2010), trong đó có hơn 3.000 xe của người sử dụng thuộc diện nghèo. Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban chuyên trách Ban ATGT TP cho hay, cơ quan chức năng TP đã xử phạt hơn 15.000 trường hợp vi phạm và tịch thu hơn 4.000 xe tự chế. Đến nay, ngân sách TP đã tạm ghi kinh phí hơn 120 tỷ đồng cho việc hỗ trợ chủ phương tiện. Trên các tuyến đường trên địa bàn TP đã có chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn một số quận, huyện vùng ven chưa xử lý triệt để do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân hàng đầu và cũng khó giải quyết nhất là vấn đề sinh kế của các hộ gia đình có xe thô sơ, tự chế.  Đa số dân nhập cư sinh sống tại các vùng ven mưu sinh bằng nghề buôn bán dạo, sử dụng nhiều xe đẩy, xe thô sơ, các cửa hàng dịch vụ tại vùng ven vẫn có thói quen dùng xe thô sơ để vận chuyển hàng hóa... trong khi đó một số quận, huyện chưa chú trọng công tác tuyên truyền, xử lý chưa nghiêm. Mặt khác, do loại phương tiện này có giá chỉ một vài triệu đồng/chiếc nên khi bị bắt, bị lỗi nặng người  ta sẵn sàng bỏ xe để mua xe khác, vì giá trị của xe không bằng… số tiền phạt. Hơn nữa, do có quá nhiều "lò" lắp ráp xe thô sơ theo kiểu tự phát, thiếu sự quản lý, giám sát của ngành chức năng nên thời gian gần đây số lượng xe thô sơ, tự chế bùng phát  nhanh.

Trước tình hình đó, Công an TP đã kiến nghị UBND TP thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, gồm Sở Công thương, Sở GTVT, Sở LĐ-TB&XH... để kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, lắp ráp các loại xe ba, bốn bánh tự chế. Theo đó, đoàn kiểm tra sẽ thường xuyên hoạt động, được quyền lập biên bản, rút giấy phép kinh doanh khi phát hiện cơ sở vi phạm.

Duy Biên