Doanh nghiệp đã chạm tới vốn lãi suất thấp

Kinh tế - Ngày đăng : 07:09, 21/07/2012

(HNM) - Sáu tháng đầu năm, mức tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng ở Hà Nội đạt 4,38% so với cuối năm 2011, riêng tháng 6, tín dụng tăng 2,5% so với tháng 5. Mặt bằng lãi suất giảm đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) tiếp cận được nguồn vốn, phục vụ cho việc mở rộng sản xuất - kinh doanh.


Tại hội nghị đối thoại ngân hàng và DN nhằm thúc đẩy sản xuất - kinh doanh 6 tháng cuối năm 2012, do UBND TP Hà Nội phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP Hà Nội tổ chức ngày 20-7, bà Nguyễn Thị Mai Sương, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Hà Nội cho biết, các ngân hàng hoạt động trên địa bàn đã thực hiện đưa các khoản vay cũ về lãi suất 15%/năm. Trong đó Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Đầu tư - Phát triển (BIDV) đã điều chỉnh 100% khoản vay cũ. Tính đến nay, khoảng 50% tổng số khoản vay có lãi suất trên 15%/năm đã được giảm lãi suất. Dự kiến, đến cuối tháng 7, tất cả các khoản vay cũ đều sẽ được điều chỉnh lãi suất.

Hầu hết DN tham dự hội nghị đều nhận định đã dễ dàng hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, với mức lãi suất thấp hơn nhiều so với năm 2011. Ông Vũ Thanh Sơn, Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, 6 tháng đầu năm, mặc dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn song Hapro vẫn đạt 50% kế hoạch năm, trong đó xuất khẩu tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Những khó khăn của DN trong việc tiếp cận vốn đều được tháo gỡ. Lãi suất cho vay đã giảm mạnh. Nếu như thời điểm đầu năm, DN này phải vay với lãi suất 22,5%/năm, thì đến nay chỉ ở mức trên 14%/năm.

Cùng quan điểm với ông Vũ Thanh Sơn, ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quốc tế Sơn Hà cho biết, hiện công ty chỉ phải vay với lãi suất 14,2%/năm. DN không gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn. Tuy nhiên, với DN vừa và nhỏ, để vay vốn ngân hàng lại không đơn giản, ngay cả khi DN có tiềm năng tốt, bởi hầu hết DN này đều vướng ở khâu thế chấp tài sản bảo đảm. Ngân hàng nên "tháo" nút thắt về vốn cho DN vừa và nhỏ.

Không phàn nàn về lãi suất nhưng ông Đỗ Hà Nam, Tổng Giám đốc Công ty Tập đoàn Intimex, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ca cao Việt Nam nhận định, DN vừa và nhỏ còn gặp nhiều khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng, đặc biệt là DN thuộc lĩnh vực nông sản. Ngay cả khi đã vay được, DN cũng khó có thể vay được nguồn vốn trung - dài hạn.

Một số DN khác bày tỏ lo lắng liệu mức lãi suất thấp dưới 15%/năm sẽ tồn tại trong bao lâu, bởi nhiều DN đã từng được hưởng mức lãi suất thấp, thậm chí được áp dụng mức hỗ trợ chỉ 8-10%/năm, nhưng sau một thời gian ngắn, lãi suất tăng nhanh, có thời kỳ leo đến 25%/năm. Bởi vậy, nhiều DN không dám kỳ vọng lãi suất cho vay có thể xuống 10%/năm mà chỉ mong lãi suất ở mức 15%/năm từ nay đến cuối năm 2012. Bên cạnh đó, cơ chế cho vay của các ngân hàng cần rõ ràng hơn nhằm chọn lọc DN chính xác, để những DN có tiềm năng không mất cơ hội vay vốn.

Chia sẻ với DN, đại diện các ngân hàng tham gia hội nghị cho biết, sẽ sát cánh hơn cùng DN vượt khó. Không chỉ điều chỉnh lãi suất, ngân hàng sẽ có những biện pháp nhằm khơi thông hơn nữa nguồn vốn để doanh nghiệp tiếp cận. Sau các ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, Agribank… các ngân hàng TMCP tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với khoản vay cũ. Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã giảm lãi suất đối với các khoản vay cũ xuống mức tối đa là 15%/năm. Trong mấy ngày qua, VPBank đã giảm cho 400 khoản vay cũ với tổng giá trị trên 460 tỷ đồng. Dự tính tổng dư nợ các khoản vay cũ sẽ được điều chỉnh giảm lãi suất vào khoảng 10.000 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) lại được Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC (thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới) cấp khoản vay 10 triệu USD nhằm mở rộng tín dụng USD cho các DN xuất nhập khẩu vừa và nhỏ, giúp DN duy trì hoạt động.

Tại hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định, hệ thống ngân hàng sẽ luôn đồng hành cùng DN. Với những DN có hiệu quả kinh doanh tốt, hoặc những DN gặp khó khăn trước mắt nhưng về lâu dài có triển vọng phát triển, sẽ giúp đỡ để DN có thể hoạt động ổn định. Tuy nhiên, với những DN quá yếu kém, ngân hàng sẽ kiên quyết loại trừ. Nếu lạm phát được duy trì ở mức 7-8%, thì lãi suất 15%/ năm có thể được giữ ổn định ít nhất trong một năm. Về tỷ giá, NHNN sẽ cố gắng duy trì ổn định, nếu có điều chỉnh cũng chỉ để tỷ giá biến động 2-3%. Thống đốc NHNN yêu cầu các ngân hàng nên mở rộng cửa với DN vừa và nhỏ, bằng việc phối hợp chặt chẽ với DN trong việc thẩm định những dự án kinh doanh hiệu quả, để từ đó có thể cho vay vốn.

Đức Anh