Phiến quân Syria bao vây các chốt biên giới

Thế giới - Ngày đăng : 10:40, 20/07/2012

(HNMO) - Phiến quân Syria đã bao vây một số chốt biên giới của nước này với Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq.


Một quan chức cấp cao Iraq cho biết, tất cả các cửa khẩu ở biên giới phía đông của Syria đã bị bao vây. Tại một cửa khẩu, hai chốt biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ cũng nằm trong tay phiến quân.

Sự việc này xảy ra một ngày sau vụ nổ bom cướp đi sinh mạng của 3 quan chức quốc phòng cấp cao ở Damascus hôm 18/7.

Những hình ảnh đầu tiên của Tổng thống Assad kể từ sau cuộc tấn công đã xuất hiện, chủ yếu để chấm dứt những tin đồn ông có thể đã bị thương.

Các cảnh quay xuất hiện đã cho thấy Tướng Fahd Jassim al-Furayj, tổng tham mưu trưởng lực lượng vũ trang, đang tuyên thệ nhậm chức cho vị trí mới.

Chiến sự leo thang


Theo phóng viên BBC, các phiến quân, có lẽ cảm nhận rằng chế độ quá bận tâm với cuộc chiến leo thang ở thủ đô, nên đã xông vào tất cả các chốt trên biên giới Iraq.

Chốt Abu Kamal qua sông Euphrates ở phía đông đã bị chiếm giữ sau một cuộc đụng độ với lực lượng chính phủ, các nhà hoạt động đối lập cho biết.


Hơn 20 binh sĩ Syria và chỉ huy của họ đã thiệt mạng khi một tiền đồn quân đội hẻo lánh ở phía đông bắc bị tấn công, hãng tin AP cho biết.

Chính phủ Iraq đã đe dọa đóng cửa biên giới nước này và một quan chức cho hãng tin Reuters biết, nước này đã đóng cửa khẩu qua Abu Kamal.

Ở biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, quân nổi dậy được cho là đã nắm quyền kiểm soát 2 chốt, Bab al-Hawa và Jarablus.

Trong 4 ngày, các phiến quân đã tham gia các cuộc đụng độ ở nhiều vùng của thủ đô khi họ tiến hành chiến dịch "Núi lửa Damascus” chống lại các lực lượng vũ trang Syria.

Ngày 19/7, xe tăng và xe bọc thép được báo cáo là đã chuyển tới Qaboun, gần trung tâm Damascus.

Đã có thương vong nặng nề, các nhà hoạt động cho biết, khi quân đội bắn phá Zamalka, ngoại ô phía đông Damascus.

Đài quan sát nhân quyền Syria có trụ sở tại London đã ước tính số thương vong trong cả nước trong ngày 19/7 là 250 người.

Tốc độ diễn biến các sự kiện ở Syria tương phản hẳn với những bế tắc ngoại giao tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, khi Nga và Trung Quốc phủ quyết một nghị quyết của phương Tây kêu gọi các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn với Damascus.

Theo kế hoạch được phương Tây ủng hộ, chính quyền Damascus sẽ bị đe dọa bởi các biện pháp trừng phạt phi quân sự theo Chương 7 của Hiến chương Liên hợp quốc nếu không di chuyển quân và vũ khí hạng nặng khỏi các khu vực đông dân cư.

Nhưng việc sử dụng Chương 7 sẽ mở đường cho "sự can thiệp quân sự bên ngoài vào các vấn đề quốc nội của Syria", đại sứ Nga Vitaly Churkin tại Liên hợp quốc lập luận.

H.V