Vệ tinh F-1 của VN sẽ được đưa lên vũ trụ sáng 21/7
Công nghệ - Ngày đăng : 10:32, 20/07/2012
Cùng chuyến đi lên Trạm Vũ Trụ Quốc tế ISS lần này còn có 4 vệ tinh nhỏ khác của Nhật Bản và Mỹ gồm: RAIKO, FITSAT-1, WE WISH và TechEdSat. Các vệ tinh được đặt vào ống phóng J-SSOD trên trên tàu vận tải HTV-3.
Hình minh họa quá trình phóng vệ tinh F-1 |
Dự kiến 6 ngày sau khi phóng, tàu HTV-3 sẽ tiếp cận và lắp ghép với trạm ISS. Các phi hành gia trên trạm sẽ vận chuyển các vệ tinh nhỏ sang module Kibo. Sau đó, đến khoảng tháng 9, các vệ tinh nhỏ sẽ được đưa vào khoang điều áp (airlock). Phi hành gia người Nhật Akihiko Hoshide sẽ điều khiển cánh tay robot của module Kibo nắm lấy ống phóng có chứa 5 vệ tinh đưa ra bên ngoài, hướng xuống phía dưới và thả các vệ tinh nhỏ ra khỏi trạm ISS để bắt đầu nhiệm vụ của mình. Đây sẽ là lần đầu tiên các vệ tinh nhỏ được thả khỏi trạm ISS bằng cánh tay robot, mở ra con đường mới lên quỹ đạo cho các vệ tinh nhỏ.
Sự kiện F-1 được phóng lên vũ trụ sẽ ghi thêm một dấu mốc cho ngành khoa học và công nghiệp vũ trụ của Việt Nam, góp phần ứng dụng những thành tựu công nghệ vũ trụ phục vụ phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng. Ngoài ra, khi được phóng lên vũ trụ vào ngày 21/7, F-1 còn mang theo một lá cờ Việt Nam thu nhỏ và thẻ nhớ chứa tên và lời nhắn của hơn 7,500 người tham gia chương trình “Gửi tên và lời nhắn lên vũ trụ trên vệ tinh F-1”.
Buổi phóng vệ tinh ngày 21/7 tại Trung tâm vũ trụ Tanegashima, Nhật Bản sẽ được truyền hình trực tiếp qua Internet từ 8h15 sáng giờ Việt Nam, kéo dài trong khoảng 90 phút.
Vệ tinh nhỏ F-1 có kích thước 10x10x10 cm và nặng 1 kg. Vệ tinh do nhóm FSpace bắt tay vào nghiên cứu và chế tạo từ cuối năm 2008, với mục tiêu là phải "sống" được trong không gian và phát tín hiệu về trạm điều khiển mặt đất, chụp được ảnh độ phân giải thấp (640x480) của Trái đất và tốc độ truyền dữ liệu từ vệ tinh đạt 1.200 bit/giây.Trên thế giới việc chế tạo vệ tinh đã rất phát triển, đặc biệt trong thời gian 10 năm trở lại đây, xu hướng nghiên cứu chế tạo những vệ tinh cỡ nhỏ (dưới 50kg) đang phát triển rất mạnh. Ưu điểm của loại vệ tinh cỡ nhỏ là thời gian chế tạo ngắn, chi phí thấp và càng phát huy năng lực khi sử dụng cả một chùm vệ tinh. Ngoài ra, các vệ tinh nhỏ loại này có thể được thiết kế, chế tạo bởi chính các kỹ sư Việt Nam, ngay trong điều kiện hiện tại của Việt Nam, để đáp ứng những nhu cầu của đất nước. |