Dùng chung hạ tầng viễn thông: Vẫn thiếu quy định pháp lý
Xe++ - Ngày đăng : 07:11, 20/07/2012
Công nhân Công ty Viễn thông Quân đội Viettel lắp đặt trạm BTS. Ảnh: Đức Anh |
Với việc sử dụng chung trạm BTS, Hà Nội đã thí điểm xây dựng 10 điểm tại quận Hoàn Kiếm, trong đó có 6 điểm đầu tư xây mới (do DN chuyên đầu tư xây dựng hạ tầng thực hiện) và 4 điểm sắp xếp, quy hoạch lại từ các trạm cũ. Theo đó, các DN cung cấp dịch vụ di động đều có thể thuê các vị trí mới từ DN đầu tư để lắp đặt thiết bị thu phát sóng hoặc lựa chọn phương thức hoán đổi tại những trạm BTS đã sắp xếp lại. Từ thành công bước đầu này, Hà Nội đã tăng cường yêu cầu DN viễn thông dùng chung cơ sở hạ tầng (cột ăng ten, nhà trạm…) dựa trên nguyên tắc đàm phán các bên cùng có lợi. Kết quả đến nay trên địa bàn thành phố (TP) có gần 1.000 trạm BTS dùng chung giữa các DN cung cấp dịch vụ, hoặc thuê lại từ các công ty đầu tư. TP cũng đã đầu tư xây dựng các công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị (tuynel, hào, cống bể cáp) tại 34 tuyến và giao cho Viettel xây dựng tại 4 tuyến thực hiện theo hình thức xã hội hóa.
DN cung cấp dịch vụ di động dùng chung BTS không chỉ bảo đảm an toàn cho người dân, mỹ quan cho đô thị mà còn góp phần không nhỏ thực hiện tiết kiệm nguồn lực cho DN đồng thời giảm các khiếu kiện của người dân liên quan đến việc dựng cột BTS. Song việc dùng chung cơ sở hạ tầng đang nổi lên một số vấn đề, trong đó có việc giá cho thuê hạ tầng kỹ thuật. Tuy các công trình trên đã hoạt động 2 năm nay, nhưng đến nay TP vẫn chưa có khung giá thuê. Đó là căn nguyên dẫn đến các trường hợp nâng giá thuê, tranh chấp và rút cuộc là thiếu phối hợp. Đặc biệt với DN nhỏ đi thuê lại hạ tầng, họ sẽ chịu lép vế hơn trong đàm phán giá và khi tính toán giá thuê không hợp lý, họ lại quay trở lại tự đầu tư xây dựng hạ tầng của riêng mình, một lần nữa lại gây lãng phí, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Cũng vì chưa có khung giá nên đã gây cho DN đầu tư theo hình thức xã hội hóa như Công ty Công trình Viettel (thuộc Tập đoàn Viettel) khó khăn không nhỏ trong việc thu hồi vốn khi DN này bỏ kinh phí hơn 40 tỷ đồng để xây dựng công trình hạ ngầm tại 4 tuyến Giảng Võ - Láng Hạ; Xuân Thủy - Cầu Giấy; Phan Đình Phùng; Hoàng Diệu, nhưng đến nay giá cho các ban, ngành, DN thuê lại cũng chỉ tính giá tạm thuê bằng 50% giá trị thực (giá thuê tạm thời được DN phối hợp với đối tác xác định dựa theo chi phí đầu tư…). Đối với TP, việc chưa có khung giá cũng gây thiệt hại cho ngân sách khi mà chủ đầu tư của 34 tuyến phố (số tiền còn lớn hơn nhiều so với kinh phí của Viettel đầu tư) nhưng nay cũng chỉ mới tính phí tạm thu…
Để bảo đảm an toàn, cảnh quan đô thị, chủ trương các DN phải dùng chung hạ tầng kỹ thuật là hoàn toàn đúng, được dư luận ủng hộ. Cho dù việc yêu cầu các DN dùng chung cơ sở hạ tầng là chuyện không đơn giản vì nó liên quan đến chuyện cạnh tranh - yếu tố sống còn của DN. Song khi đã "buộc" được DN cùng hợp tác thì lẽ ra cơ quan quản lý nhà nước phải xây dựng ngay hoặc sẵn sàng có các quy định pháp lý cần thiết để bảo đảm cho việc hợp tác này suôn sẻ. Nhưng trên thực tế đến nay vai trò quản lý vẫn chưa theo kịp. Vậy khi xảy ra những hệ lụy gây thiệt hại cho DN và Nhà nước thì ai chịu trách nhiệm? Được biết, UBND TP đang giao cho các đơn vị liên quan xây dựng dự thảo quy chế thu hồi vốn đầu tư đường dây, cáp đối với các công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn, trong đó có việc đưa ra mức giá thuê, song quy chế này đến bao giờ hoàn thiện thì vẫn chưa có câu trả lời.