Một phép thử với người làm nghề viết

Văn hóa - Ngày đăng : 06:20, 20/07/2012

(HNM) - PGS-TS Văn Giá, Chủ nhiệm Khoa Viết văn - Báo chí (ĐH Văn hóa Hà Nội) là người khởi xướng và vừa cùng với các đồng nghiệp công bố mở lớp

(HNM) - PGS-TS Văn Giá, Chủ nhiệm Khoa Viết văn - Báo chí (ĐH Văn hóa Hà Nội) là người khởi xướng và vừa cùng với các đồng nghiệp công bố mở lớp "Sáng tác và thẩm bình truyện ngắn". Lớp học ngắn hạn này sẽ diễn ra trong nửa tháng và điều đáng chú ý nhất là sẽ thu phí với một chương trình học tập cụ thể, công khai. Sau đây là chia sẻ của PGS-TS Văn Giá về lớp học này.



PGS-TS Văn Giá.


- Thưa PGS-TS Văn Giá, vì sao ông lại chọn “truyện ngắn” để mở đầu cho lớp học ngắn hạn của Trung tâm Viết văn - Báo chí (Đại học Văn hóa Hà Nội)?

- Chúng tôi chọn truyện ngắn thay vì bàn nhiều thể loại một lúc cũng là bởi muốn làm sâu, làm kỹ. Bên cạnh đó, đời sống bề bộn hôm nay là chất liệu rất màu mỡ cho văn xuôi, đặc biệt là truyện ngắn. Thể loại này lại được khá nhiều cây bút từ những bạn sinh viên, người viết trẻ đến những tác giả tuổi trung niên ưa thích, thử sức. Vì vậy, chọn truyện ngắn có lẽ là phù hợp nhất về cả tính thời sự lẫn thời lượng, vì lớp học chỉ có thể kéo dài trong nửa tháng (từ ngày 1 đến 15-8). Nếu bàn về sáng tác và thẩm bình tiểu thuyết, có lẽ nửa tháng không thể xong được.

Khóa học này cũng là chặng khởi đầu, mong rằng sau này nếu có điều kiện, chúng tôi sẽ làm thêm từng thể loại như ký, hồi ký, phê bình văn học...

- Ở một số hội thảo văn học trên thế giới, người ta phải mua vé mới có thể vào tham dự. Điều này quả là còn khá xa lạ với đời sống văn học của nước ta. Việc mở lớp sáng tác có thu phí, mà lại là mức phí hoàn toàn không phải tượng trưng (mức 2,5 triệu đồng/một người/một khóa) liệu có phải là một động thái góp phần tạo động lực cho hoạt động sáng tác, phê bình văn học không, thưa ông?

- Quả thật tôi không dám nghĩ xa tới những vấn đề to tát như thay đổi cách nghĩ, cách làm đối với hoạt động văn học. Tôi chỉ xuất phát từ vị trí một người làm việc tại một trung tâm đào tạo có tính chuyên nghiệp để tổ chức một hoạt động nghề nghiệp thực sự với tinh thần minh bạch công khai.

Việc thu học phí như vậy cũng là một phép thử để tìm kiếm những người thực sự quan tâm đến lĩnh vực này. Bên cạnh đó, đây cũng là một điều kiện nhằm tổ chức một cách hiệu quả, chất lượng nhất chương trình học tập.

- Cụ thể, các học viên sẽ được hưởng lợi gì từ mô hình đào tạo ngắn hạn này, thưa ông?

- Trước hết học viên được biết trước những nhà văn, nhà phê bình uy tín sẽ đứng lớp. Đó là Lê Minh Khuê, Sương Nguyệt Minh, Võ Thị Hảo, Khuất Quang Thụy, Chu Văn Sơn... Bên cạnh việc nghe giảng, thảo luận, các học viên sẽ được tới thăm nhà văn Tô Hoài, thăm Nhà tưởng niệm nhà văn Kim Lân, nói chuyện trực tiếp với những cây bút nổi tiếng như Ma Văn Kháng, Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Huy Thiệp... Có thể với những cây bút ở Hà Nội thì điều này không khó, song với rất nhiều tác giả ở địa phương, miền núi, hoặc vùng xa thì đây thực sự là một cơ hội quý, một cách học trực quan sinh động. Để tạo cảm hứng cho học viên, chúng tôi cũng sẽ tổ chức cho lớp xem một số phim truyện nhựa chuyển thể từ tác phẩm văn học như “Chuyện của Pao”, “Cánh đồng bất tận”, “Mùa ổi”...

Tôi tin là, nếu mình làm thật thì cũng sẽ tìm được những người muốn học thật, muốn làm nghề thật.

- Theo ông, một lớp học như vậy cần bao nhiêu học viên là vừa đủ và hiện đã có bao nhiêu hồ sơ đăng ký?

- Hiện nay, đã có 10 hồ sơ đăng ký chính thức, trong đó người lớn tuổi nhất là 61 và trẻ nhất là 23. Ngày 27-7 này, chúng tôi sẽ chốt sổ đăng ký và khóa học đầu tiên này nếu thu hút được 15 học viên là mức đẹp nhất!

- Xin cảm ơn PGS-TS!

Thi Thi