HSBC - "Công cụ" của tội phạm rửa tiền

Thế giới - Ngày đăng : 05:48, 20/07/2012

(HNM) - Không lâu sau


Một cuộc điều tra của Mỹ cho thấy ngân hàng lớn nhất Châu Âu đã có những kẽ hở trong giao dịch để những băng nhóm buôn bán ma túy Mexico, nhiều tổ chức tội phạm, liên quan đến khủng bố, những quỹ bị nghi ngờ tại đảo Cayman, Iran, Syria và Saudi Arabia... lợi dụng xâm nhập vào hệ thống tài chính Mỹ. Báo cáo dày 330 trang của Thượng viện Mỹ khẳng định HSBC đã chấp nhận chuyển hơn 15 tỉ USD từ các chi nhánh của ngân hàng toàn cầu này tại Mexico, Nga và một số quốc gia khác mà không tiến hành bất kỳ biện pháp theo dõi cần thiết nào trong khoảng thời gian từ năm 2006 đến 2008. Trong khi đó, HSBC đã biết về việc chi nhánh tại Mexico, HBMX thiếu các quy định về chống rửa tiền từ năm 2002 khi ngân hàng này từng ít nhất hai lần bị nhà chức trách Mexico cảnh báo rằng, tiền bẩn từ các tổ chức ma túy có thể được rửa sạch qua những tài khoản ở HBMX.

Báo cáo cũng đề cập đến những cái tên cụ thể, trong số đó có Zhenly Ye Gon, một người Mexico gốc Hoa sở hữu 3 công ty dược phẩm tại Mexico, trong đó có Unimed Pharmaceutical từ lâu đã là những khách hàng quan trọng của HBMX. Năm 2007, một chiến dịch phối hợp giữa Chính phủ Mexico và Cơ quan Bài trừ ma túy Mỹ đã thu được hơn 205 triệu USD tiền mặt ở tư dinh của Ye Gon. Ye Gon hiện đang trong nhà tù của Mỹ đợi bị dẫn độ tới Mexico xét xử vì những cáo buộc nhập khẩu, sản xuất và bán hóa chất cho những băng nhóm ma túy để bào chế ma túy tổng hợp methamphetamine.

Thượng viện Mỹ cũng cho rằng chi nhánh của HSBC tại Mỹ, HBUS cũng đã cung cấp dịch vụ thanh toán cho một số ngân hàng ở Saudi Arabia, Bangladesh dù những ngân hàng này bị tình nghi có liên quan đến các tổ chức khủng bố. Ngân hàng hàng đầu này cũng bị cho là đã né tránh thắt chặt các chế tài tài chính với những quốc gia đang bị Mỹ cấm vận như Iran. Ngoài ra, trong khoảng 4 năm qua, HSBC cũng đã rửa 290 triệu USD từ các séc du lịch thanh toán bất chính của một ngân hàng Nhật Bản...

Trưởng nhóm thanh tra kinh tế của HSBC David Bagley đã từ chức vì liên quan tới vụ bê bối, trong khi Chủ tịch Ngân hàng HSBC Mỹ (HBUS), Irene Dorner đã phải xuất hiện trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ ngày 17-7 để xin lỗi về những cách thức quản lý lỏng lẻo không thể chấp nhận suốt những năm qua. Các Thượng nghị sỹ Mỹ cho rằng sự lơ là của HSBC đã tạo nên một hệ thống tài chính ô nhiễm và cho phép những đồng tiền tại chợ đen được ngang nhiên đi qua hệ thống ngân hàng Mỹ mà không cần phải tuân thủ các quy định vốn rất khắt khe của nước này.

Minh Nhật