Lỏng quản lý, người tiêu dùng lĩnh đủ
Xã hội - Ngày đăng : 05:41, 20/07/2012
Nhiều công ty sản xuất, kinh doanh đã "thổi phồng" công dụng TPCN thành "thần dược", đặc biệt trong điều trị các loại bệnh thời thượng, nhạy cảm như yếu sinh lý, lão hóa, tiền mãn kinh, thận, thấp khớp, tiểu đường…, thậm chí chữa được cả bệnh ung thư (!) để đánh lừa người tiêu dùng. Cũng chính vì hai chữ "thực phẩm" nên TPCN được bán phổ biến mà không cần kê đơn và rất dễ mua tại các siêu thị, nhà thuốc, thậm chí cả ở cửa hàng tạp hóa...
Các loại thực phẩm chức năng được bán phổ biến trên thị trường mà không có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý.
Theo thống kê của Hiệp hội TPCN Việt Nam, nếu năm 2000 chỉ có 60 sản phẩm TPCN do 15 cơ sở nhập khẩu thì đến đầu năm 2012, số TPCN đã lên đến hơn 3.700 sản phẩm với trên 1.600 cơ sở nhập khẩu, sản xuất. Năm 2007, tỉ lệ TPCN nhập khẩu chiếm 65% sản phẩm lưu hành nhưng hiện nay thì ngược lại, cũng tỉ lệ đó số lượng TPCN được sản xuất trong nước bởi so với một dây chuyền sản xuất thuốc, đầu tư một dây chuyền sản xuất TPCN thấp hơn nhiều lần, tiêu chuẩn sản xuất không nghiêm ngặt mà lợi nhuận lại cao. Quy trình để một sản phẩm TPCN có mặt trên thị trường lại hoàn toàn không khó khăn gì. Nhà sản xuất chỉ cần nộp hồ sơ xin cấp phép tại Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, công bố chất lượng và tự chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình, trong khi nếu đăng ký sản xuất thuốc, doanh nghiệp phải có hồ sơ chặt chẽ, cơ quan cấp phép thẩm định khắt khe.
Chính vì không có quy định rõ loại nào là thuốc, loại nào là TPCN nên nhiều mặt hàng ở nước ngoài là thuốc nhưng vào Việt Nam lại là TPCN và nhiều loại TPCN ở nước ngoài, về Việt Nam lại được coi là thuốc. Điều này là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều doanh nghiệp đăng ký sản xuất TPCN nhưng khi đưa sản phẩm ra thị trường lại "mập mờ" gọi là thuốc. Điển hình nhất là TPCN hiệu Lishou (thuốc giảm cân) loại 40 viên/hộp có chứa hàm lượng sibutramine lên đến 8-10 mg/viên, Bộ Y tế đã có văn bản đình chỉ lưu hành và thu hồi từ tháng 4-2011 nhưng hiện trên thị trường vẫn thấy bày bán loại TPCN này…
Nhiều nhà quản lý cho rằng, các nguyên nhân chính khiến thị trường TPCN có nhiều lộn xộn là do cơ quan chức năng cấp phép không đúng, cơ quan truyền thông không thẩm định chặt nội dung khi cho đăng quảng cáo và người tiêu dùng thiếu kiến thức. Điều này rất đúng nhưng như TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam nhấn mạnh, cơ quan quản lý TPCN phải chịu trách nhiệm đầu tiên và lớn nhất khi để lọt, lưu hành những sản phẩm không đúng công dụng, chức năng và thiếu chặt chẽ trong việc "hậu kiểm" những sản phẩm đã được cấp phép.
Đang có một nghịch lý là, ở các nước, TPCN chỉ bán tại các siêu thị, không có nghiên cứu khoa học hoặc hội nghị khoa học chuyên ngành về TPCN và cũng không bao giờ TPCN được giới thiệu trên báo, tạp chí chuyên ngành. Còn tại Việt Nam, TPCN được bán chủ yếu trong hiệu thuốc, được các nhà khoa học với đủ các học vị, học hàm công khai giới thiệu và quảng cáo vô tư trên tất cả các báo, tạp chí kể cả các ấn phẩm chuyên ngành y tế. Trong khi đó, người tiêu dùng lại chưa có được những thông tin, những khuyến cáo chính thức của cơ quan chức năng về công dụng và việc sử dụng TPCN thế nào cho đúng và phù hợp, sự hiểu biết hầu hết đều dựa trên cảm tính và rỉ tai, truyền miệng. Thực tế này càng cho thấy việc quản lý, sử dụng TPCN ở nước ta còn rất nhiều bất cập, khó triệt để và bảo đảm được tính hiệu quả, an toàn.
Không phủ nhận hoàn toàn tác dụng của TPCN, đặc biệt về mặt hỗ trợ điều trị bệnh và bổ dưỡng, song các chuyên gia vẫn khuyến cáo người tiêu dùng một số lưu ý khi sử dụng sản phẩm này. Đó là, TPCN thường được đóng gói giống như thực phẩm thông thường nhưng bắt buộc phải ghi rõ tên nhóm sản phẩm như thực phẩm bổ sung vi chất hay thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm ăn kiêng… Để chọn lựa đúng loại TPCN cần thiết, người tiêu dùng cần đọc kỹ cả phần đối tượng sử dụng, liều dùng, công dụng, các lưu ý đặc biệt xem có phù hợp với mục đích sử dụng của mình hay không. Cũng đừng quên xem tên, địa chỉ của nhà sản xuất để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái.
Bộ Y tế đã định nghĩa TPCN chỉ là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh chứ không phải là thuốc chữa bệnh. Tùy theo công thức, hàm lượng vi chất và hướng dẫn sử dụng, TPCN còn có các tên gọi: thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sản phẩm dinh dưỡng y học và đều có tên gọi "thực phẩm" ở trước. |