Quan hệ Pakistan - Mỹ: Còn lắm chông gai

Thế giới - Ngày đăng : 05:36, 20/07/2012

(HNM) - Mặc dù Mỹ và Pakistan đã đạt được thỏa thuận về mở lại các tuyến tiếp vận sống còn của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tới Afghanistan hồi đầu tháng 7 này nhưng quan hệ đồng minh chiến lược của Washington ở Nam Á vẫn chưa hết sóng gió.


Đoàn xe tiếp vận của NATO đang chờ qua biên giới giữa PakistanAfghanistan.

Ngày 17-7, gần 8.000 người đã tham gia cuộc tuần hành từ thành phố Peshawar đến Dzhamrud, gần biên giới Afghanistan, nhằm phản đối quyết định của chính phủ cho phép nối lại tuyến đường tiếp vận sống còn của NATO tới Afghanistan. Trước đó, ngày 8-7, liên minh của hàng chục đảng phái chính trị, tôn giáo ở Pakistan cũng mở cuộc tuần hành quy mô lớn phản đối quyết định này của chính phủ. Trong khi đó, khoảng 25.000 người phản đối đã lập kỷ lục gây tắc đường tập thể trong nhiều giờ khi dùng các phương tiện cơ giới như xe buýt, xe tải, ô tô nối đuôi nhau trên suốt tuyến đường dài 275km nối từ thành phố Lahore ở miền Đông Pakistan đến Thủ đô Islamabad. Những người biểu tình tuyên bố, đây mới chỉ là bước đầu của cuộc đấu tranh và hành động này sẽ tiếp diễn cho tới khi Chính phủ Pakistan hủy bỏ mọi thỏa thuận liên quan với Mỹ và NATO. Còn nhóm phiến quân Taliban ở Pakistan thì đe dọa sẽ tấn công các đoàn xe tải chở hàng tiếp vận cho quân đội NATO ở Afghanistan. Và tuyên bố này đã được phiến quân thực hiện khi ngày 18-7 tại bãi đỗ xe thuộc tỉnh Samangan, cách Thủ đô Kabul hơn 200km, Taliban đã thực hiện một vụ nổ lớn thiêu rụi 18 xe chở dầu của NATO…

Rõ ràng, đây là khó khăn ngoài dự liệu của giới chức hai nước sau khi đạt được thỏa thuận. Việc gạt bỏ bất đồng sau cuộc không kích qua biên giới của NATO làm 24 binh sĩ Pakistan thiệt mạng (tháng 11-2011), đồng ý mở lại các tuyến tiếp vận sống còn của NATO tới Afghanistan sau 7 tháng đóng cửa đã làm giới chức của Islamabad và Washington lạc quan. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, sau khi lên tiếng xin lỗi về vụ không kích và những tổn thất mà quân đội Pakistan đã phải gánh chịu, đã cam kết cộng tác chặt chẽ với Pakistan và Afghanistan nhằm ngăn ngừa điều đó tái diễn. Một quan chức của Lầu Năm góc cũng tiết lộ, Mỹ sẽ "tặng" quân đội Pakistan khoảng 1,1 tỷ USD để bồi hoàn cho Islamabad chi phí trong các chiến dịch truy quét phiến quân, vốn đã bị tạm ngừng do căng thẳng giữa hai nước. Trong khi đó, Thủ tướng Pakistan Raja Pervez Ashraf khẳng định, việc mở lại các tuyến tiếp vận giúp nhanh chóng ổn định tình hình tại Afghanistan, sẽ có lợi cho sự ổn định của toàn khu vực Nam Á trong đó có Pakistan...

Suốt 7 tháng qua, kể từ khi tuyến vận chuyển quan trọng tới chiến trường Afghanistan của NATO qua Pakistan bị đóng cửa đã khiến NATO phải trông cậy vào các "cung đường" tiếp vận xa và đắt đỏ hơn từ phương Bắc qua Nga và Trung Á. Ước tính Mỹ đã phải mất thêm 100 triệu USD mỗi tháng vì sự gián đoạn này. Do đó, thời gian qua, Washington không ngừng nỗ lực để khai thông bế tắc. Tuy nhiên, tất cả đều vô hiệu; chỉ đến khi Nhà Trắng chính thức lên tiếng xin lỗi về vụ không kích và bồi thường thiệt hại họ mới nhận được cái "gật đầu" cho "mượn đường" của Islamabad. Ngoại trưởng H.Clinton trong cuộc gặp với người đồng cấp Pakistan Hina Rabbani Khar, bên lề hội nghị quốc tế về Afghanistan tại Tokyo (Nhật Bản), ngày 8-7, cũng đã phải thừa nhận, quan hệ Mỹ - Pakistan vẫn còn nhiều thách thức như nối lại các tuyến tiếp vận ở khu vực biên giới, sự cần thiết phải đánh bại các mạng lưới khủng bố vốn đang đe dọa sự ổn định của Pakistan và Afghanistan, cũng như các lợi ích của Mỹ, đặc biệt là mạng lưới khủng bố Haqqani, vốn được cho là thủ phạm gây ra hàng loạt vụ tấn công nhằm vào các lợi ích của Mỹ ở Afghanistan...

Trung Hiếu