Mất hết ngón tay, chân vì bị... mèo cắn

Xã hội - Ngày đăng : 16:29, 19/07/2012

Một người đàn ông ở bang Oregon, Mỹ có nguy cơ mất tất cả các ngón tay, chân vì mắc phải căn bệnh dịch hạch hiếm gặp thời hiện đại sau khi bị mèo cắn.


Nếu ngắm nhìn đôi bàn tay của Paul Gaylord, 59 tuổi ở hiện tại thì bạn sẽ hiểu tại sao căn bệnh dịch hạch từng làm điêu đứng châu Âu thời Trung cổ lại được mệnh danh là “Cái chết đen”.

Bệnh nhân Paul Gaylord phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch về căn bệnh dịch hạch hiếm gặp thời hiện đại. Ảnh: AP


Đôi bàn tay từng vô cùng khỏe mạnh của người thợ hàn này hiện đã bị khô héo vì căn bệnh truyền nhiễm giết chết các tế bào và nhuộm đen chúng như than.

Các bác sĩ đang chờ xem liệu họ có thể cứu một phần các ngón tay của ông Gaylord hay không. Tuy nhiên, họ cũng thừa nhận triển vọng rất mong manh.

“Tôi không nghĩ mình có thể tiếp tục làm công việc của mình. Tôi sẽ mất tất cả các ngón tay trên 2 bàn tay … Cả các ngón chân cũng vậy. Tôi cũng có thể mất tất cả chúng”, ông Gaylord cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại từ bệnh viện Oregon.

Theo hãng thông tấn AP, ông Gaylord bị nhiễm bệnh dịch hạch khi đang cố lôi con chuột ra khỏi miệng một con mèo của ông hôm 2/6. Con mèo tham ăn quá tức giận đã cắn và cào xước tay ông chủ.

Các bác sĩ tại một trạm y tế gần nhà Gaylord ở Prineville, Oregon, ban đầu kê cho ông uống một loại kháng sinh chống sốt nóng vì mèo cào. Vài ngày sau, bệnh tình của Gaylord trở nên nghiêm trọng và họ phải chuyển ông tới bệnh viện lớn điều trị.

Nói về bệnh tình của Gaylord, Diana Gaylord - chị gái của ông bộc bạch: “Chúng tôi thậm chí đã không biết rằng căn bệnh truyền nhiễm đó vẫn còn quanh quẩn ở đây. Chúng tôi từng nghĩ đó là một căn bệnh rất cổ xưa”.

Bệnh dịch hạch thường lây lan do vết cắn của bọ chét mang vi khuẩn hoặc thông qua tiếp xúc với động vật bị bệnh. Căn bệnh này được cho là đã cướp đi sinh mạng của gần 25 triệu người châu Âu trong thời Trung cổ (thời này người ta gọi nó là “Cái chết đen”), nhưng rất hiếm gặp ở thời hiện đại (trung bình mỗi năm ở Mỹ chỉ ghi nhận 7 ca mắc bệnh và chúng đều không dẫn tới tử vong). Phương pháp chữa trị bệnh này hiện là dùng thuốc kháng sinh.

Quay trở lại với trường hợp của bệnh nhân Gaylord, tình trạng của ông hiện ổn định. Ông đã bắt đầu quá trình trị liệu vật lý từ hôm 18/7, nhưng đối mặt với thời kỳ phục hồi đầy khó khăn trước mắt sau khi rời khỏi phòng chăm sóc đặc biệt dành cho bệnh nhân nặng.

Gia đình Gaylord đang nỗ lực quyên góp tiền để đưa ông tới nơi ở mới. Lí do là vì căn nhà và cũng là xưởng làm việc của ông hiện nay bị thủng mái, phòng tắm mốc meo và có chuột – điều kiện sống đầy nguy hiểm đối với một người có hệ miễn dịch yếu kém.

Tuấn Anh