Vẫn thiếu kỹ năng

Đời sống - Ngày đăng : 06:50, 19/07/2012

(HNM) - Hà Nội có hơn 260 cơ sở dạy nghề, mỗi năm đăng ký tuyển sinh gần 140.000 người, trong đó cao đẳng nghề 17.705 người, trung cấp nghề 17.125 người, sơ cấp nghề và đào tạo dưới 3 tháng là 105.155 người.


Từ năm 2008 đến năm 2011, các cơ sở dạy nghề đã đào tạo được hơn 390.000 người, đạt và vượt chỉ tiêu được giao về đào tạo nghề cho người lao động. Tuy nhiên, giữa đào tạo và đòi hỏi thực tế của thị trường lao động vẫn là khoảng cách lớn.


Lao động trong các KCN được đào tạo tại các trường dạy nghề chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ. Ảnh: Yến Ngọc

Ông Nguyễn Văn Ngọc, Giám đốc Công ty cổ phần Cơ khí và thương mại Minh Hảo cho biết, là một doanh nghiệp (DN) chuyên về lĩnh vực cơ khí nên DN của ông thường xuyên liên kết với các trường dạy nghề để tuyển dụng thợ có tay nghề cao, nhưng số công nhân này rất hiếm và nếu tuyển dụng được thì DN phải mất thời gian đào tạo lại mới đáp ứng được yêu cầu. Lãnh đạo Tổng cục Dạy nghề (TCDN) thừa nhận, cho dù có trên 75% học sinh, sinh viên tốt nghiệp các trường nghề tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm, làm đúng nghề sau khi tốt nghiệp nhưng lực lượng này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động về tay nghề, đặc biệt là các kỹ năng "mềm", như tác phong công nghiệp, khả năng làm việc theo tổ, nhóm... Việc đào tạo nghề hiện vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập về quy mô, về cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu thực tế của sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; khả năng thích ứng của học sinh, sinh viên ra trường chưa cao, lao động đã qua đào tạo nghề thường có lý thuyết tốt nhưng thực hành kém.

Ông Trần Văn Đông, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội nhận xét, việc đăng ký các nghề để học dường như vẫn theo phong trào, các lĩnh vực nghề nông nghiệp như trồng trọt, thú y, thủy lợi… hầu như không có người học. Trong khi đó công tác hướng nghiệp cho lao động còn hạn chế. Phần lớn người học nghề không nắm được thị trường lao động, không biết nhu cầu của người sử dụng lao động dẫn đến không định hướng được tương lai của mình. Theo ông Ngô Chí Hùng, Phó Trưởng ban Quản lý Khu công nghiệp và khu chế xuất Hà Nội, ngoài những nguyên nhân trên thì việc các DN tại nhiều khu công nghiệp ở Hà Nội ít sử dụng lao động đã qua đào tạo nghề là do DN đang áp dụng dây chuyền tự động hóa nên cần lao động phổ thông nhiều hơn. Mặt khác là do ý thức kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp của lao động đã qua đào tạo nghề tại các cơ sở dạy nghề thấp, tâm lý không ổn định, hay nhảy việc… Những nghề mới, công nghệ cao (như chế tạo linh kiện điện tử trong phòng sạch, sản xuất màn hình cảm ứng, màn hình có độ bền cao, điều khiển thiết bị tự động chân không...) không có trong chương trình đào tạo của các trường dạy nghề. "Hầu hết DN khi tuyển LĐ đã được đào tạo nghề tại các cơ sở dạy nghề của thành phố đều phải tổ chức đào tạo lại. Mặt khác, có rất nhiều ngành nghề mà lao động được đào tạo từ các cơ sở dạy nghề không phù hợp với yêu cầu của DN", ông Ngô Chí Hùng nói. Ngược lại, nhiều cơ sở đào tạo nghề cho biết không ít DN rất mong muốn tuyển dụng được lao động có kỹ năng, có chất lượng nhưng họ lại không chịu đầu tư thời gian, kinh phí cùng với cơ sở để đào tạo nghề. Để công tác đào tạo nghề có hiệu quả đòi hỏi cả trường nghề và DN cùng phải có trách nhiệm và đầu tiên là DN cần phải cung cấp thông tin. Vì vậy, không nên chỉ dừng ở khuyến khích DN tham gia đào tạo mà cần có cơ chế, chính sách cũng như ràng buộc đối với DN trong đầu tư, liên kết đào tạo nghề…

Tại các khu công nghiệp Hà Nội có hơn 115.000 lao động (LĐ) đang làm việc, trong đó LĐ được đào tạo qua các trường nghề chiếm tỷ lệ chỉ khoảng 15%. Hầu hết các doanh nghiệp lớn đều sử dụng rất ít người LĐ đã qua đào tạo nghề. Chẳng hạn như Công ty TNHH Canon Việt Nam có hơn 9.000 LĐ đang làm việc, trong đó số LĐ được đào tạo nghề từ các cơ sở dạy nghề của TP Hà Nội chỉ chiếm khoảng 5,8%. Công TNHH NISSEI ELECTRIC Việt Nam có 5.000 LĐ nhưng chỉ có khoảng 10% LĐ đã qua đào tạo nghề.

Hoàng Phong