Nắm bắt cơ hội trong thời kỳ khủng hoảng năm 2012

Giáo dục - Ngày đăng : 06:35, 19/07/2012

(HNMO) - Vừa qua, tại Viện Quản trị kinh doanh (FSB) –trường Đại học FPT đã diễn ra buổi hội thảo “Nắm bắt cơ hội trong thời kỳ khủng hoảng năm 2012”.

PGS. TS Trương Gia Bình đang trình bày tại hội thảo.


Tại hội thảo, PGS. TS Trương Gia Bình, Trưởng khoa QTKD (HSB) - ĐHQGHN, chủ tịch FPT đã có buổi nói chuyện với các học viên (là những doanh nhân trong mọi ngành nghề kinh doanh) về những kinh nghiệm, những hành động,…để vượt qua khó khăn hiện nay, đồng thời nắm bắt cơ hội trong thời khủng hoảng.

Năm 2012 nền kinh tế toàn cầu vẫn trong giai đoạn khủng hoảng và tiếp tục chứng kiến những khó khăn thách thức mới. Trong bối cảnh này, nhiều người nhìn nhận tình trạng khủng hoảng như một thời kỳ đen tối, nhưng một số khác lại xem đây như là một cơ hội để phát triển doanh nghiệp thành công và hoạt động hiệu quả. Có nhiều nguyên nhân gây lên sự khó khăn của các nhà doanh nghiệp, có thể các nhà quản trị gặp vấn đề trong chiến lược kinh doanh, cũng có thể họ chưa hiểu đúng về tư duy quản trị hoặc chính năng lực lãnh đạo trong khủng hoảng của các nhà doanh nghiệp còn nhiều hạn chế.

Theo ông Trương Gia Bình, để biến những khó khăn thành lợi thế, điều quan trọng là các doanh nghiệp cần nhìn thấy những thay đổi đang chuẩn bị diễn ra để nắm bắt cơ hội, đồng thời cũng cần trang bị cho mình những phương pháp kỹ năng mới giúp tận dụng tối đa những thay đổi đó.

Trong bối cảnh này, “Các doanh nghiệp cần suy nghĩ lại một cách thấu đáo, cần tự cứu mình trước khi chờ giải pháp được cho là hợp lý nhất từ phía Chính phủ. Chúng ta cần nhớ nguyên tắc phải sống, muốn sống được thì phải tự cứu mình. Cần thay đổi tư duy của chính mình vì trước đây chúng ta thường bắt đầu bằng những ý tưởng, xây nhiều ý tưởng, nhưng quản trị doanh nghiệp hiện đại, nhất là trong thời kỳ khủng hoảng này thì sản phẩm và giải quyết sản phẩm mới là quan trọng. Cần sáng tạo để bán được càng nhiều càng tốt để giải quyết vấn đề hàng tồn kho của chúng ta. Chúng ta cần chú ý tới marketing và sales và đặc biệt để tâm tới công nghệ marketing. Có nhiều con đường marketing, vậy hãy lựa chọn con đường nào phù hợp với bạn. Ở đây tôi gợi ý muốn thành công hãy marketing bằng công nghệ”, PGS TS. Trương Gia Bình chia sẻ.

Thêm vào đó, bài toán lớn nhất của các doanh nghiệp tại Việt Nam là chất lượng công việc tức là năng xuất lao động mà năng xuất lao động xuất phát từ trình độ công nghệ. Muốn tăng năng xuất lao động thì phải đẩy mạnh công nghệ. Diễn giả nhấn mạnh: “Chúng ta phải và buộc phải trả lời câu hỏi làm thế nào để đẩy mạnh công nghệ quản lý của chính mình. Khi chúng ta nói đến lĩnh vực cốt lõi, hãy nhớ rằng bạn phải trả lời được bạn có cái gì hơn người hay không. Chúng ta đã thảo luận tới sự khác biệt, vậy hãy trả lời xem mình đã khác người ở những điểm nào. Trường của chúng ta là trường đào tạo công nghệ quản lý, vậy chúng ta hãy vận dụng điều này vào chính doanh nghiệp của chúng ta”.

Một cuộc khảo sát, điều tra nhanh diễn ra ngay tại hội thảo. Có khoảng trên 100 học viên là các lãnh đạo các doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực từ chứng khoán, bất động sản, sản xuất thương mại, dịch vụ, tiêu dùng,…được chia làm nhiều nhóm khác nhau, mỗi nhóm có từ 6-10 thành viên. Các học viên này đã thảo luận quanh các vấn đề như đến nay tỷ lệ doanh nghiệp phá sản là bao nhiêu? Thời điểm nào các doanh nghiệp có thể đạt được mức doanh thu và lợi nhuận như năm 2011? Những khó khăn hiện nay là gì? Và cuối cùng là có hành động gì?

Một kết quả theo phương pháp luận đám đông này được đưa ra các vấn đề rất bức thiết, và thực tế hiện nay. Đa số các nhóm khi trả lời vấn đề đầu tiên đều cho rằng tỷ lệ doanh nghiệp phá sản hiện nay khoảng 30%, vấn đề thứ hai có câu trả lời là từ 18-20 tháng nữa doanh nghiệp sẽ vượt qua khó khăn.

Vấn đề thứ ba là những khó khăn, các doanh nghiệp cho rằng khó khăn hiện nay là sự suy giảm niềm tin trong cộng đồng doanh nghiệp, ảnh hưởng của môi trường kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước, khó tiếp cận vốn, chi phí đầu vào tăng cao và bế tắc đầu ra.

Trước những khó khăn đó, các doanh nghiệp đã và đang làm gì? Câu trả lời được đưa ra là phải tái cơ cấu, bắt tay liên kết hợp tác, tìm cơ hội kinh doanh mới, lập chiến lược kinh doanh rõ ràng sau tái cơ cấu, và điều được nhận mạnh nhất và hầu hết các chuyên gia và học viên đều nhất quán đó là phải biết “Tự cứu mình”.

Hội thảo trên cũng nằm trong chuỗi hội thảo của chương trình Mini MBA và chương trình đào tạo Chuyên gia quản lý marketing và sales (Chương trình MSM) do Viện QTKD (FSB) – ĐH FPT và Khoa QTKD (HSB) – ĐHQGHN tổ chức. Chương trình được thiết kế đặc biệt dành cho những doanh nhân, CEO, nhà quản lý trong thời kỳ khủng hoảng.

H.H