Bài học quản lý

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:30, 19/07/2012

(HNM) - Hôm qua, có tin người dân thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông) "tranh nhau trả lại hàng Trung Quốc kém chất lượng" (tiêu đề một bài báo). Dẫn tin: "Chiều 16 và sáng 17-7, hàng trăm người dân thị xã Gia Nghĩa tập trung tại nhà hàng Tây Nguyên (phường Nghĩa Thành) mang theo nồi, chảo, dụng cụ gia đình… đòi trả lại cho nhóm người bán (trong đó có một số người Trung Quốc) do chất lượng kém….".

Trước đó ba ngày, tại Hà Nội xảy ra vụ bệnh nhân tử vong tại Phòng khám đa khoa Maria và qua đó, người ta nói nhiều về sự hiện diện của một số người Trung Quốc hành nghề y không đúng với văn bản cho phép của cấp có thẩm quyền.

Trước nữa, báo chí thông tin về một số trường hợp sử dụng lao động nước ngoài ở Việt Nam, cảnh báo về sự khuất tất trong việc này cũng như đặt vấn đề chất lượng "lao động ngoại" ở mức thấp - lao động phổ thông.

Những vấn đề trên, xét trên khía cạnh quản lý, đặt ra yêu cầu xem xét chấn chỉnh công tác quản lý địa bàn, quản lý thị trường và quản lý lao động nước ngoài. Nói vậy là bởi trong thời gian dài, đặc biệt là gần đây, nhiều vụ việc không đáng có đã xảy ra, từ lừa đảo đến kinh doanh, buôn lậu hàng ngoại kém chất lượng, hàng cấm, gây ảnh hưởng tiêu cực tới an toàn vệ sinh thực phẩm, khám - chữa bệnh, quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam. Không ít vụ trong số đó không phải do cơ quan quản lý phát hiện, mà do báo chí hoặc qua khiếu nại của nhân dân. Sau một số trường hợp, như vụ tử vong tại Phòng khám đa khoa Maria ở Hà Nội, khi cơ quan chức năng vào cuộc, mở rộng diện kiểm tra và số liệu liên quan được công bố thì mới ngã ngửa là còn có vi phạm tương tự, thậm chí là vi phạm trong khoảng thời gian không ngắn. Điều đáng nói là nhiều vụ việc chỉ được số đông biết rõ khi hậu quả đã xảy ra, thậm chí có người chết và nhiều người bị xâm hại về sức khỏe, tài sản. Dư luận đặt câu hỏi, vậy thì tính cảnh báo và nhiệm vụ cảnh báo ra sao trong những trường hợp này?

Những vụ việc kể trên cho ta câu hỏi về chất lượng công tác quản lý ngành, quản lý tại địa phương, từ quản lý hành chính, kinh doanh đến quản lý lao động. Nhiều sự vụ diễn ra trong khoảng thời gian nhất định, có khi là dài lâu, cũng không phải là khó phát hiện như "cái kim trong bọc", với trường hợp Phòng khám đa khoa Maria, như người ta nói là "quảng cáo rầm rầm trên truyền hình, phát thanh…" và nhiều bệnh nhân đã lên tiếng rằng mình bị "thịt". Vậy thì vì sao, ra sao và như thế nào? Liệu có chuyện "bảo kê", lờ đi sự không đúng quy định như nhiều người ái ngại?

Chuyện đã xảy ra, dù đáng tiếc cũng có mặt tích cực, bởi sau đó, ít nhất thì đã có phòng khám bị dân kêu ca phàn nàn trong thời gian dài bị đóng cửa. Ít nhất thì cũng có nhiều người ở Gia Nghĩa từ nay không sa bẫy giảm giá, khuyến mãi… thiếu cơ sở khoa học. Và, quan trọng hơn, hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý, như đã nói ở trên, đã và đang đặt ra đòi hỏi phải có sự chấn chỉnh về hành nghề, trình độ chuyên môn, lương tâm nghề nghiệp, quản lý hộ khẩu tạm trú, quản lý lao động là người nước ngoài; Cơ sở và cá nhân lách luật hành nghề mang nặng tính kinh doanh vì lợi nhuận doanh nghiệp…

Bài học đã được nêu ra, lúc này, điều quan trọng là siết lại kỷ cương, trách nhiệm công dân và trách nhiệm xã hội của những người, đơn vị, địa phương có liên quan, đề ra cách thức "hậu kiểm", giám sát thực sự công tâm, hiệu quả.

Dục Tú