Dệt may: gặp khó trên cả thị trường xuất khẩu và nội địa

Kinh tế - Ngày đăng : 15:49, 18/07/2012

(HNMO) – Từ đầu năm đến nay, bên cạnh những khó khăn chung của nền kinh tế, ngành dệt may tiếp tục đương đầu với những khó khăn nhất định.

Đó là, thị trường xuất khẩu không tăng trưởng ở mức 15-20% như dự kiến, do nhu cầu của thị trường EU giảm, nhu cầu của thị trường Hoa Kỳ tăng chậm. Mặt khác, giá xuất khẩu giảm khoảng 5-7% nên khó đạt tăng trưởng về kim ngạch.

Đơn hàng thường gấp, đặt chậm; chi phí tổ chức sản xuất và chi phí vận chuyển có nguy cơ tăng; riêng Tập đoàn Dệt May tới nay mới chỉ có đơn hàng đến hết tháng 9.

Các doanh nghiệp nhỏ, không có thương hiệu, dựa vào khách hàng truyền thống, gặp khó khăn về đơn hàng, số doanh nghiệp thiếu hàng sản xuất trong toàn ngành khoảng 15%.

Bên cạnh đó, nhu cầu thế giới và trong nước với ngành sợi, dệt đều thấp.


Về xuất khẩu, trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu dệt may của Việt Nam tăng 11% và đạt 6,5 tỉ USD cho riêng hàng dệt may (quần áo). Tuy nhiên, xuất khẩu mặt hàng xơ sợi trong 6 tháng đầu năm 2012 rất khó khăn, kim ngạch có xu hướng giảm so với 2011, 5 tháng đầu năm xuất khẩu xơ sợi chỉ đạt 750 triệu USD, kéo mức tăng trưởng tổng thể của toàn ngành dệt may – xơ sợi xuống xấp xỉ 8%.

Theo đánh giá của Bộ Công thương, việc suy giảm thị trường xơ sợi là phù hợp với những diễn biến toàn cầu, bao gồm cả 2 nguyên nhân: Thứ nhất là sự giảm giá mạnh mẽ của mặt hàng xơ sợi nguyên liệu toàn cầu làm cho kim ngạch bị giảm; Thứ hai là nhu cầu sử dụng chỉ tăng xấp xỉ 5%, thấp hơn nhiều so với dự kiến 15%.

Thực tế, xuất khẩu quần áo của dệt may Việt Nam vẫn duy trì được vị thế cạnh tranh; trong đó, tại thị trường Mỹ vẫn tiếp tục đứng thứ 2 với tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu 8,5%, trong khi tổng nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ chỉ tăng trưởng khoảng 4%; thị phần hàng Việt Nam tiếp tục được cải thiện. Thị trường Nhật Bản duy trì tốc độ tăng trưởng 16% trong 6 tháng đầu năm; thị trường Hàn Quốc tăng trưởng 25% trong 6 tháng đầu năm; riêng thị trường Châu Âu, đến hết 6 tháng có nguy cơ giảm từ 1-3% so với năm trước.

Dự kiến năm 2012 nếu không có những biến động lớn ở các thị trường chính cũng như sự thay đổi về giá nguyên liệu, khả năng cả năm xuất khẩu dệt may có thể duy trì được mức tăng trưởng khoảng 12-14% với kim ngạch khoảng 18,2-18,5 tỉ USD.

Về thị trường nội địa, việc tiêu thụ hàng hóa dệt may hoàn toàn tương ứng với sức tiêu thụ của thị trường nội địa của tất cả các loại mặt hàng (tổng mức bán lẻ hàng hóa). Trong 6 tháng đầu năm, kinh doanh bán lẻ quần áo chỉ tăng trưởng ở mức 5-5,5%. Riêng hệ thống doanh nghiệp của Tập đoàn Dệt may Việt Nam đạt doanh thu 9.000 tỉ VND, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước, nhưng là mức tăng thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.

L.H