Thoang thoảng mùa men say

Văn hóa - Ngày đăng : 07:20, 18/07/2012

(HNM) - Nguyễn Thánh Ngã và tôi cũng như bao người đồng hương quê Quảng Ngãi phiêu bạt vào Nam, luôn có cái cảm giác: “Nhổ chân ra khỏi chỗ mình/hòn đá lăn chiêng”.


Cụ thể hơn, đúng như Ngã nói: “Lăn trên những nẻo đường ngoại phận/chuyến đi hoang…/không tránh khỏi va đập/biết xếp những mảnh vỡ dưới cỏ/ đá ngồi trầm tư”. Với tập thơ “Gõ” mới ra mắt, gồm 142 trang in, 72 bài thơ, 5 phụ bản chân dung, Nguyễn Thánh Ngã đủ sức “kéo” người yêu thơ thêm đồng cảm với anh.


Bìa tác phẩm “Gõ” của nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã.



Đọc thơ Nguyễn Thánh Ngã, thoáng bắt gặp sự hồn nhiên tinh khôi xen lẫn cái man mác của đời người dâu bể: “Giọt sương gõ một tàu lá chuối/chợt tiếng xanh ám thậm vía người/làm sao mây có thể trôi mà không tiếng gõ/làm sao nước có thể đi mà không tiếng gõ…” (Gõ).

Tôi chia sẻ với điều Ngã viết: “Thơ là sự bày tỏ duyên dáng nhất của con người”. Cái duyên của Ngã là sự say, chìm đắm trong ngôn ngữ và cái đẹp của thiên nhiên và cuộc sống. Ngã không say vì “men cồn”, mà vì “men mùa”, nên cái say ấy “lắp bắp”, ngại ngùng. Thưởng thức “men mùa” trong thơ Nguyễn Thánh Ngã, tốt nhất là cùng “uống” với anh “Tôi đang uống. Không phải ngụm cà phê đen. Mà đó là làn hương trắng muốt/ong và hoa. Thơm/Như cả thế giới được xây bằng mật/Cảm giác được bịn rịn” (Hoa trắng như thác đổ), và “Mỗi ngày tôi ăn một bầu trời/gồm những đám mây/ và sấm sét…/màu xanh là vị giác của đôi mắt/bao la là nước miếng cảm xúc/nuốt vào thực quản hồn tôi”. Nguyễn Thánh Ngã ngấm cái men mùa và thiên nhiên chốn rừng núi Lâm Hà, nên anh cho “Khúc vang chậm” một cái kết ý vị: “chầm chậm trong hầm thế kỷ/tôi nếm nàng bằng âm vang quả nho…”.

Một nét thú vị nữa trong tập thơ “Gõ” là sự xuất hiện của một loạt “bài thơ văn xuôi” như Trong khu vườn, Tiếng chuông sương, Bên hoa, Trước sân nhà, Cảnh trong rừng, Tấm gương soi, Thế giới ly ty… Có lẽ nó giống với những bài viết ngắn đong đầy cảm xúc thăng hoa, lãng đãng những sương, gió, hương hoa: “Mùi hương ấy, mỗi đêm bay tới cửa sổ nhà tôi rồi đậu lại làm thành một bức tường. Tôi hiểu tôi phải mở cửa ra, bởi tâm hồn tôi khát khao va chạm mùi hương mảnh dẻ đó” (Trong khu vườn). Hay như “Gió đấy. Nhưng là hương. Thơm đấy. Nhưng là trắng. Sắc đấy. Nhưng là người…” (Hoa trắng như thác đổ), có đôi khi đó lại là những kỷ niệm ám ảnh, nao lòng: “Mỗi năm giỗ bà không thể thiếu hoa sen. Ao mất. Khi mặt người thay đổi, biết nơi nào soi cho thấy quê nhà. Và chú ếch phiêu lưu chẳng biết đường về…” (Ao).

Khép lại tập thơ, như còn nghe sóng sánh những men mùa, men say trong thơ Ngã “Mùa đã men/say lắp bắp/đôi cánh bướm lạy hoa/lạy mãi/một vùng/khép nép…”.

Nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã (sinh năm 1958), hội viên Hội VHNT tỉnh Lâm Đồng. Đã đoạt các giải thưởng: Văn học vì trẻ em Unicef - 2001. Giải nhì thơ Festival hoa Đà Lạt - 2005. Giải ba thi ca và nguồn cội Làng Chùa - 2007. Giải nhất thơ Haiku Việt - Nhật 2009…

Trần Hoàng Vy