Xuất khẩu khó đạt chỉ tiêu
Kinh tế - Ngày đăng : 06:37, 18/07/2012
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đứng trước nguy cơ mất thị trường xuất khẩu trên thế giới. Ảnh: Như Ý |
"Ăn đong" đơn hàng
Tại Hội nghị giao ban tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 17-7, Bộ Công thương cho biết, xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm đạt 53,33 tỷ USD, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm 2011, đạt 49% kế hoạch năm. Tăng cao nhất là nhóm hàng công nghiệp chế biến với kim ngạch đạt 33,54 tỷ USD, tăng 31,8%; nhóm hàng nông sản, thủy sản đạt 10,44 tỷ USD, tăng 8,4%; nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản đạt 5,63 tỷ USD, tăng 4,5%.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên, trong bức tranh kinh tế khó khăn hiện nay thì sự tăng trưởng xuất khẩu là điểm sáng đáng ghi nhận. Tuy nhiên, sự đóng góp của các doanh nghiệp (DN) trong nước trong 6 tháng khá khiêm tốn, kim ngạch chỉ đạt 20,5 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ; trong khi đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 32,83 tỷ USD, tăng đến 38%. Nhập siêu thấp nhất trong 5 năm trở lại đây, chỉ với 158 triệu USD, bằng 0,3% kim ngạch xuất khẩu, cũng là vấn đề đáng quan tâm cho năng lực của các DN hiện nay.
Sáu tháng qua, giá xuất khẩu cũng không thuận lợi. Trừ mặt hàng nhiên liệu, khoáng sản (tăng so với cùng kỳ 2011) và hồ tiêu có giá liên tục tăng từ năm 2008 đến nay, gần như tất cả các mặt hàng còn lại đều giảm so với cùng kỳ 2011: Cao su giảm 31,3%; nhân điều giảm 10,4%; gạo giảm 6,6%; cà phê giảm 4,4%. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của xuất khẩu hiện nay là thị trường. Sức tiêu thụ ở các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU… giảm đáng kể khiến nhiều DN thiếu đơn hàng, nhất là dài hạn. Nếu trước đây phần nhiều DN có đơn hàng 6 tháng hay 1 năm, thì nay phần đông phải "ăn đong" hợp đồng 3 tháng, 2 tháng, thậm chí 1 tháng. Bên cạnh đó, các nước nhập khẩu ngày càng tăng cường hàng rào kỹ thuật, một số lô hàng thủy sản, rau quả của Việt Nam đã bị cảnh báo là chất lượng chưa bảo đảm, đặt DN Việt trước nguy cơ mất nhiều thị trường lớn trên thế giới…
Trong 6 tháng đầu năm, Trung Quốc vươn lên là thị trường số 1 về xuất khẩu gạo của Việt Nam. Nhưng theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, thị trường Trung Quốc có lúc là cứu cánh, có lúc lại là tai họa, bởi đã xảy ra trường hợp khi DN Trung Quốc đẩy mạnh thu mua thì giá cả tăng vọt, nhà nhà đua nhau trồng; còn khi họ đột ngột ngưng lại, ép giá thì chỉ còn nước nhổ bỏ. Mua bán với DN Trung Quốc cũng rất phức tạp, nhất là khâu thanh toán. Vì vậy, các DN xuất khẩu cần phải mở L/C thì bộ chứng từ phải đầy đủ, chặt chẽ để tránh tình trạng thanh toán không sòng phẳng.
Nhân hạt điều là một trong những sản phẩm có sản lượng xuất khẩu giảm trong thời gian qua. Ảnh: Lã Tuấn Anh |
Doanh nghiệp mong lãi suất hạ tiếp
Lãi suất ngân hàng đang được giảm dần, nhưng hầu hết DN lại rơi vào tình trạng không đáp ứng được điều kiện vay của ngân hàng. Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Mifaco, chuyên về đồ gỗ nội thất cho rằng, chưa bao giờ DN khó khăn như hiện nay. Các DN bị kẹt trong "gọng kiềm" khi lãi suất cao, nguyên liệu đầu vào tăng liên tục trong khi đầu ra lại giảm. Ông Lê Phước Vũ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, quan trọng nhất là hạ lãi suất. Hiện lãi suất các khoản vay cũ đã được Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo giảm xuống dưới 15%, nhưng theo ông Vũ, lãi suất phải giảm vài % nữa để DN đang giai đoạn hồi sức có thể hồi phục được.
Ông Cát Quang Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng NHNN cho biết, đến nay đã có 20 tổ chức tín dụng (chiếm gần 90% thị phần hoạt động tín dụng) triển khai việc hạ lãi suất các khoản vay cũ xuống 15% đến tất cả các chi nhánh ngân hàng. Hiện NHNN đang phối hợp với TP Hồ Chí Minh và Hà Nội tổng hợp danh sách các DN khó khăn về vốn để tháo gỡ cho DN. Ông Dương cũng đồng ý với các DN rằng, lãi suất còn cao đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, ngân hàng sẽ tiếp tục điều chỉnh.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cho rằng, với những khó khăn hiện nay thì việc hoàn thành 51% chỉ tiêu xuất khẩu còn lại là không dễ dàng. Chính phủ đang giao Bộ thực hiện đề án tháo gỡ khó khăn cho DN nên những ý kiến này sẽ được đưa vào đề án để trình vào cuối tháng 7. Tuy nhiên, các DN cũng cần nỗ lực trong cơ cấu lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, đa dạng hóa sản phẩm, phá thế độc canh với những mặt hàng quá phụ thuộc vào thị trường để tránh rủi ro trong xuất khẩu.
Bà Mai Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Sở Công thương An Giang cho biết, lúa và cá là sản phẩm chủ lực của tỉnh này, nhưng xuất khẩu 6 tháng đầu năm giảm 2% so với cùng kỳ. An Giang đang chuyển đổi sang trồng hoa màu, kết hợp với Tổng Công ty thương mại Sài Gòn (Satra) để xuất khẩu. Vừa qua, xuất khẩu ngô non giống Nhật đạt hiệu quả gấp 5 lần trồng lúa. An Giang sẽ tiếp tục cơ cấu lại các loại cây trồng và nhân rộng mô hình theo hướng này để nâng cao hiệu quả kinh tế. |