Đất nông nghiệp thành biệt thự, nhà vườn
Đời sống - Ngày đăng : 06:27, 18/07/2012
Chính quyền bao che cho vi phạm?
Có mặt tại đây ngày 16-7-2012, chúng tôi nhận thấy, diện tích công trình đang xây dựng rộng khoảng 10.000m2 bên cạnh hồ Quyết Thắng, thuộc thôn Đồng Trạng, xã Cổ Đông, được bảo vệ bởi bức tường rào vững chắc, cổng chính luôn được khép kín bằng hai cánh cửa sắt, mọi người ra vào đều đi theo một cửa nhỏ ở bên cạnh. Bên trong bức tường rào có khá nhiều cau cảnh, cây cổ thụ vừa mới trồng và lừng lững 5 ngôi nhà kiên cố (2-3 tầng) thiết kế theo kiểu biệt thự nhà vườn, với nhiều tốp thợ xây đang hối hả làm việc. Giữa vùng đồi trồng sắn và cây keo, sự xuất hiện của 5 ngôi biệt thự như thách thức người dân địa phương. Công trình lớn, đồ sộ như thế, vậy mà ông Khuất Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Cổ Đông lại khẳng định là không biết vì chưa đến tận nơi (!?). Tìm hiểu, được biết, chủ đầu tư công trình là ông Vũ Hoài Lam (thường trú tại phường Thành Công, quận Ba Đình). Công trình xây dựng này không có giấy phép, gia chủ cũng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Về việc này, ông Khuất Văn Trường lý giải: Chính quyền địa phương chỉ quản lý trật tự xây dựng ở những khu vực đã được quy hoạch, những vùng đất ven quốc lộ, tỉnh lộ, còn những khu vực dân cư nông thôn, những thửa đất đủ điều kiện xây dựng thì không kiểm tra, chỉ cần chủ công trình báo cáo UBND xã trước khi xây dựng, miễn sao không chiếm đất công, không lấn đất giáp ranh...
Những biệt thự nhà vườn đang trong giai đoạn hoàn thiện. |
Mập mờ nguồn gốc đất
Tuy số diện tích đất mà ông Lam đang xây dựng biệt thự nhà vườn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng ông Khuất Văn Trường cho rằng, đây là đất thổ cư, vì theo hồ sơ chuyển quyền sử dụng đất giữa ông Lê Văn Tiến (thôn Đồng Trạng, xã Cổ Đông) và ông Vũ Hoài Lam (tổ 58, phường Thành Công) vào năm 2001, diện tích đất này đã được trưởng thôn Đồng Trạng và Chủ tịch UBND xã Cổ Đông lúc đó xác nhận đây là đất ở và đất vườn. Trong văn bản trả lời ý kiến cử tri xã Cổ Đông tháng 5-2012, UBND xã cũng khẳng định điều đó và còn cho rằng, trên đất có cả nhà ở. Tuy vậy, ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng thôn Đồng Trạng giai đoạn 1999-2011 cho biết: Trước đây, khu này là một bãi đất hoang do UBND xã quản lý; đến năm 1987, ông Lê Văn Tiến đã tự khai hoang để trồng cây. Khi ông Tiến chuyển nhượng cho ông Lam, trên diện tích đất chưa hề có công trình gì. Tại bản đồ 299 đo năm 1985, thửa đất cũng thể hiện là đất hoang, rộng 8.160m2. Tuy nhiên, khi chuyển nhượng cho ông Lam, thửa đất này đã "đẻ" thêm, nên diện tích tăng lên là 10.323m2. Trong phần diện tích đã xây tường bao của khu nhà vườn, có một phần là đất công của hồ Quyết Thắng. Hơn nữa, thời điểm các bên chuyển nhượng, cán bộ thôn, xã không xác nhận nguồn gốc đất như trong báo cáo trả lời cử tri và trả lời nhà báo. Đối chiếu với hồ sơ nhận chuyển nhượng đất của ông Lam có xác nhận của trưởng thôn Đồng Trạng và Chủ tịch UBND xã, phóng viên Báo Hànộimới không thấy có dòng chữ nào xác nhận diện tích đó là đất ở và đất vườn. Không hiểu, căn cứ vào đâu để ông Trường khẳng định đó là đất thổ cư, để từ đó những công trình xây dựng kiên cố mọc lên hoành tráng trên đất nông nghiệp?
Đặc biệt, trong Kết luận số 168/KL-UBND ngày 3- 4-2006 của UBND thị xã Sơn Tây về thanh tra việc quản lý, sử dụng quỹ đất công, công ích và công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đất đai xã Cổ Đông từ năm 2001 đến tháng 9-2005, thì hồ sơ chuyển quyền sử dụng đất giữa ông Tiến và ông Lam nằm trong số 159 trường hợp UBND xã xác định sai nguồn gốc đất, cho phép chuyển nhượng đất hoang không đúng quy định... Trong danh sách kiểm tra của tổ công tác lúc đó, ông Lê Văn Tiến cũng thuộc trường hợp được hợp tác xã ký hợp đồng giao thầu đất ở khu vực hồ Quyết Thắng trái pháp luật. Vậy, liệu ông Tiến có lấy diện tích nhận giao thầu để chuyển nhượng cho ông Vũ Hoài Lam? Bà Bùi Thị Minh Hiền, Phó phòng Tài nguyên - Môi trường, Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thị xã Sơn Tây cho biết: Những hồ sơ chuyển nhượng trái pháp luật đó, UBND thị xã đã yêu cầu xã Cổ Đông hoàn trả cho người dân vì không đủ điều kiện.
Với "cội nguồn" là đất hoang, sau khi được cho là có công trình trên đất, rồi được chính quyền địa phương xác định là đất thổ cư, cuối cùng là các biệt thự nhà vườn sừng sững "mọc" lên? Chẳng lẽ lại có chuyện "con voi chui qua lỗ kim" ở xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây? Có ý kiến cho rằng, do việc giải quyết "hậu" thanh tra của UBND thị xã Sơn Tây chưa được thực hiện đầy đủ trên thực tế, đến nay vẫn còn nhiều hợp đồng chuyển nhượng đất "có vấn đề" như trường hợp của ông Vũ Hoài Lam và có nhiều người đã lấn chiếm đất công để xây dựng công trình, làm nhà xưởng… nhưng chính quyền địa phương không xử lý triệt để. Thực trạng này nếu không được ngăn chặn kịp thời, sẽ gây hậu quả khôn lường và dẫn đến nhiều hệ lụy về sau.