Kỷ niệm 10 năm thành lập Ban Chỉ đạo Tây Nguyên
Chính trị - Ngày đăng : 12:47, 17/07/2012
Tham dự buổi lễ có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; nguyên phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng; Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên; đại diện các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nguyên cùng 179 đại biểu tiêu biểu đồng bào dân tộc, 25 đại biểu đại diện các chức sắc tôn giáo trên địa bàn Tây Nguyên.
Ảnh: VGPNews |
Tây Nguyên vững mạnh từng ngày
Cách đây tròn 10 năm, ngày 17/7/2002, Bộ Chính trị quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cùng với các bộ, ban, ngành và các tỉnh Tây Nguyên chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 10 ngày 18/01/2002 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên.
10 năm qua, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của đồng bào các dân tộc, đội ngũ trí thức, các giai tầng xã hội, đóng góp tích cực, quan trọng của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và sự góp sức của cả nước, Tây Nguyên đã và đang có bước phát triển mạnh mẽ và toàn diện với mức tăng trưởng bình quân đạt gần 12%/năm.
Đến nay mạng lưới đường giao thông ở Tây Nguyên phát triển rộng khắp, liên kết 5 tỉnh trong vùng và nối Tây Nguyên với tuyến hành lang Đông - Tây.
Hệ thống thủy lợi được đầu tư với năng lực tưới gấp ba lần so với 10 năm trước, đáp ứng trên 60% nhu cầu toàn vùng. Đường giao thông cũng đã mở đến hầu hết các địa bàn dân cư, kể cả vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và có tới 95% hộ dân đã được dùng điện.
Tây Nguyên không chỉ xây dựng được khối đại đoàn kết các dân tộc, giữ vững sự ổn định về chính trị xã hội mà còn ngăn chặn được âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch.
Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên cũng không ngừng được nâng lên với hơn một nửa số buôn làng từ nghèo đói đến nay đã đạt mức sống trung bình và khá, nhiều hộ gia đình đã giàu có và trở thành mô hình sáng về phát triển kinh tế trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Mục sư Y ky Ê Ban, Ủy viên Tổng liên hội Hội thánh Tin lành Việt Nam (Miền Nam), Mục sư quản nhiệm Chi hội tin lành Ea tun, huyện Chư Mgar, tỉnh Đắk Lắk phấn khởi nói: “Những năm qua chính sách của Đảng và nhà nước về công tác dân tộc và tôn giáo đã thực sự đổi mới đến từng buôn làng. Hiện nay tại nhiều buôn làng đều có điện đường, trường, trạm rất thuận lợi cho bà con sinh hoạt sản xuất hàng ngày. Tư tưởng bà con tín hữu rất an tâm, phấn khởi tin tưởng vào chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là về chính sách tôn giáo…”
Sức mạnh khối đại đoàn kết
Thay lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chúc mừng những thành tựu to lớn và toàn diện mà quân và dân Tây Nguyên đã đạt được; biểu dương các cá nhân tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số, người có công, đại biểu tôn giáo, các đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp đã có nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển của khu vực Tây Nguyên.
Thủ tướng nhấn mạnh sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc và sự nỗ lực cố gắng của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, nhất là tích cực chủ động đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số liên quan đến giải quyết đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt cho đồng bào nghèo tại chỗ.
Nhiều đề xuất về cơ chế, chính sách đặc thù đã góp phần quan trọng và quyết định trong việc ổn định và phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói riêng và trên phạm vi cả nước nói chung.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Cái được lớn lao ở Tây Nguyên không chỉ là sự phát triển từng ngày của vùng Tây Nguyên và sự trưởng thành qua thực tiễn theo năm tháng của Ban Chỉ đạo mà quan trọng hơn là chúng ta đã xây dựng được, đã tạo dựng được khối đại đoàn kết các dân tộc, hội tụ được sức mạnh tinh thần to lớn, tiếp nối được truyền thống chung sức, đồng lòng, kiên cường đấu tranh cách mạng của đồng bào, đồng chí các dân tộc trên vùng đất Tây Nguyên.
Cùng với đó, là lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước đã được phát huy, đã được nhân lên và trở thành cội nguồn của mọi thành công và thắng lợi....”
Để Tây Nguyên phát triển nhanh và bền vững, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ phải kết hợp đồng bộ cả về kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, vừa phát huy ý chí tự lực tự cường, khai thác nội lực tại chỗ, vừa phải có sự lãnh đạo toàn diện của Đảng và sự đầu tư tương xứng của Nhà nước cùng sự liên kết, hỗ trợ kịp thời của các tỉnh, thành phố trong khu vực và cả nước. Đặc biệt Tây Nguyên phải tiếp tục thực hiện tốt trên thực tế chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta.
Thủ tướng khẳng định tập thể Chính phủ sẽ tiếp tục xử lý kịp thời những vấn đề thực tiễn đặt ra, giúp cho Tây Nguyên phát triển mạnh mẽ, toàn diện và ngày vững mạnh.
Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; coi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của đồng bào là ưu tiên hàng đầu; theo dõi sát diễn biến của tình hình, cập nhật thông tin, nghiên cứu, đề xuất với Đảng và Chính phủ các cơ chế, chính sách đặc thù để phát huy tiềm năng, lợi thế cũng như khắc phục các hạn chế, yếu kém; đấu tranh ngăn chặn mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; tham mưu, xử lý kịp thời những tình huống đột xuất về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, giữ vững sự ổn định chính trị trên địa bàn...
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trao Huân chương lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước cho Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Huân chương Lao động hạng Ba cho đồng chí Mai Văn Năm, nguyên Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên.
Nhiều cá nhân và tập thể cũng vinh dự đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Ban chỉ đạo Tây Nguyên vì những thành tích xuất sắc đóng góp vào sự ổn định và phát triển của Tây Nguyên.