Giúp người khuyết tật tham gia giao thông hàng không
Đời sống - Ngày đăng : 07:26, 17/07/2012
Hiện nay, theo Thông tư 26/2009/TT-BGTVT ngày 28-10-2009 về việc vận chuyển hàng không quy định: "Miễn phí, cước vận chuyển công cụ hỗ trợ là tài sản của hành khách; hãng hàng không thực hiện các nghĩa vụ như đối với hành khách thông thường, bố trí nhân viên chăm sóc, hỗ trợ, đồng thời có trách nhiệm tổ chức và triển khai các loại hình dịch vụ hỗ trợ trong quá trình vận chuyển hành khách đặc biệt". Tổng Công ty Hàng không Việt Nam cũng có quy trình phục vụ hành khách có nhu cầu sử dụng các loại dịch vụ đặc biệt (dịch vụ đón và trợ giúp khách là người già yếu, trẻ em đi một mình, phụ nữ có thai, khách khiếm thị, khiếm thính…", nhưng trên thực tế NKT vẫn chưa được hưởng lợi nhiều.
Bà Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc Trung tâm Sống độc lập Hà Nội cho biết, hiện dịch vụ hàng không mới chỉ hỗ trợ tốt cho những người đi lại được như người khiếm thị, người khuyết tật vận động nhẹ, nhưng chưa có cách thức thông tin cho người khiếm thính. Nhiều quy định về dịch vụ không thân thiện đối với người khuyết tật.
Ông Bùi Minh Đăng, Phó Trưởng phòng Vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam thừa nhận, hạ tầng tại nhiều cảng hàng không, nhất là những cảng địa phương còn nhiều hạn chế trong việc cung cấp các dịch vụ cho NKT. Hầu hết các cảng hàng không nội địa chưa có xe giúp NKT lên máy bay; đội ngũ nhân viên tiếp xúc với NKT chưa nắm vững các quy trình phục vụ của hãng để có những thông tin đầy đủ, chính xác về quyền lợi và trách nhiệm đối với NKT đi máy bay.
Hiện các cảng hàng không được trang bị xe lăn đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của hành khách là NKT là Tân Sơn Nhất: 154 xe lăn, Nội Bài 26 xe lăn, Đà Nẵng 24 xe lăn... Riêng đối với xe nâng, do chi phí đầu tư lớn nên hiện mới có một số sân bay như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng và Liên Khương được trang bị.
Hiện nay, Cục Hàng không Việt Nam đang soạn thảo tiêu chuẩn phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay; yêu cầu Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam đầu tư xe nâng tại các cảng hàng không địa phương; yêu cầu các hãng hàng không nâng cao kỹ năng hướng dẫn, phổ biến thông tin cần thiết cho hành khách cho đội ngũ nhân viên. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia trong lĩnh vực NKT thì trong quá trình xây dựng hoặc sửa đổi quy định, các hãng hàng không cần làm việc với các tổ chức của NKT, tiếp cận, lắng nghe ý kiến của NKT. Các cơ quan quản lý nhà nước, các hãng hàng không cần tìm hiểu kỹ nhu cầu và những khó khăn của NKT ở tất cả các dạng khuyết tật khi tham gia giao thông bằng đường bộ cũng như đường hàng không để có giải pháp thực hiện phù hợp, tạo điều kiện cho NKT thực hiện quyền đi lại.