Âm thầm và phức tạp
Xã hội - Ngày đăng : 07:00, 17/07/2012
- Xin ông cho biết tình trạng phân hóa giàu nghèo ở Hà Nội hiện nay?
- Giống với xu hướng phân hóa giàu nghèo của cả nước, mức chênh lệch giàu - nghèo ở Hà Nội đang tăng lên. Nếu như năm 2002, mức độ chênh lệch về thu nhập bình quân đầu người của nhóm 20% người giàu nhất so với nhóm 20% nghèo nhất Hà Nội chỉ là 6,7 lần, thấp hơn nhiều so với mức chênh lệch giàu nghèo bình quân của cả nước (8,1 lần) thì đến năm 2008, con số này đã tăng lên đến 7,1 lần. Khi Hà Nội mở rộng thì mức chênh lệch giàu - nghèo tăng lên 8,7 lần, gần bằng mức chênh lệch giàu nghèo của cả nước ở cùng thời điểm đó (9,2 lần).
Mức chênh lệch giàu - nghèo ở thành thị đang tăng lên.Ảnh: Bảo Lâm
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tại Hà Nội, chênh lệch giữa người có tiền lương cao nhất so với trung bình là 42 lần (75,2 triệu đồng/tháng so với mức bình quân 1,8 triệu đồng/tháng). Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu trong 3 năm gần đây, tình hình phân hóa giàu - nghèo càng diễn ra phức tạp. Nhóm hộ vừa mới thoát nghèo ở Hà Nội có xu hướng lâm vào tình trạng thoát nghèo không bền vững, rất dễ quay trở lại nhóm nghèo.
- Tình trạng này hẳn có nguyên nhân của nó, thưa ông?
- Nền kinh tế của Hà Nội hiện nay là đa thành phần. Trước khi có khủng hoảng kinh tế, khu vực kinh tế nhà nước tương đối ổn định dù có mức thu nhập thấp hơn so với khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Nhưng khi khủng hoảng kinh tế xảy ra, cả doanh nghiệp nhà nước lẫn doanh nghiệp tư nhân gặp rất nhiều khó khăn, nhiều đơn vị rơi vào cảnh phá sản. Điều đáng nói là do hệ thống pháp lý ở nước ta còn có những bất cập nhất định nên nhiều doanh nghiệp đã chọn cách “vượt rào” để tồn tại. Nhưng “vượt rào” không khéo thì dễ bị “thổi còi”, mà một khi doanh nghiệp bị “thổi còi” thì thiệt thòi sẽ đến với người lao động. Mặt khác, trong thời buổi khủng hoảng kinh tế, cũng có doanh nghiệp “ăn nên làm ra”. Trong thực tế, có một số người rơi trở lại nhóm nghèo nhưng cũng có không ít người lại giàu lên.
Cũng có vấn đề khác ảnh hưởng đến quá trình phân hóa giàu - nghèo, như là ở một số lĩnh vực, doanh nghiệp trả lương cho người lao động rất thấp nhưng lại trả lương cho người quản lý rất cao, dẫn đến làm gia tăng khối tài sản của người giàu. Ví dụ, ở một số đơn vị tài chính, ngân hàng, viễn thông, các doanh nghiệp lớn, ngoài lương quy định thì người lao động còn có thể nhận được nhiều khoản khác, những khoản thu rất khó đong đếm chính xác. Chính điều này góp phần nới rộng khoảng cách giàu - nghèo.
- Hệ quả của việc phân hóa giàu - nghèo là gì, thưa Tiến sĩ?
- Về mặt xã hội, mức chênh lệch giàu - nghèo quá lớn dẫn đến bất bình đẳng xã hội. Người có tiền có rất nhiều cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo nghề... Số liệu thống kê cho thấy, 20% nhóm giàu được hưởng phúc lợi xã hội nhiều hơn so với 20% nhóm nghèo. Điều đó chứng tỏ rằng người càng giàu thì càng được hưởng lợi nhiều hơn so với người nghèo.
- Thưa ông, đô thị hóa đóng vai trò như thế nào trong quá trình phân hóa giàu - nghèo?
- Đô thị hóa là quá trình tất yếu và diễn ra thường xuyên. Trong khoảng 10 năm gần đây, tốc độ đô thị hóa rất nhanh. Trước đây, người giàu, người có quyền lực có mức sống không chênh lệch nhiều lắm so với người dân bình thường. Nhưng trong đà đô thị hóa, những người này có nhiều cơ hội tiếp cận với những nguồn tài nguyên, đặc biệt là đất đai và nhờ đó, họ giàu lên rất nhanh trong khi đại bộ phận người nông dân mất đất là bị mất việc làm - thu nhập. Điều đó cũng khiến cho phân hóa giàu - nghèo gia tăng.
- Nói vậy, có vẻ như rất khó thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa các nhóm xã hội. Theo ông, liệu có giải pháp nào giúp hạn chế đà phân hóa ấy?
- Trước hết, về cơ chế chính sách, Hà Nội phải bảo đảm cho người dân có quyền bình đẳng hơn nữa trong việc tiếp cận với các nguồn tài nguyên, các nguồn lợi, tài sản của Thủ đô. Bên cạnh đó, cần tạo thêm cơ hội cho họ được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, đào tạo nghề... Quan trọng hơn là phải bảo đảm thực hiện chủ trương công khai dân chủ, minh bạch trong hoạt động của các cấp chính quyền, đặc biệt là minh bạch về tài chính, các nguồn tài sản, minh bạch về thông tin, các vấn đề liên quan đến cộng đồng.