Lộ ra nhiều sai phạm nghiêm trọng

Đời sống - Ngày đăng : 06:55, 17/07/2012

(HNM) - Tối 14-7, bệnh nhân Nguyễn Thị Thu Phong, sinh năm 1978 (trú tại phường La Khê, Hà Đông) đã tử vong tại Phòng khám đa khoa (PKĐK) Maria (số 65 Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội) sau khi đến đây khám bệnh và truyền dịch.

Dù Sở Y tế đã ra quyết định đình chỉ hoạt động của phòng khám, nguyên nhân tử vong chưa được xác định nhưng vụ việc cho thấy nhiều điều, đặc biệt là sự cần thiết đẩy mạnh công tác quản lý, thanh - kiểm tra đối với phòng khám tư nhân, quy trách nhiệm cụ thể trong từng trường hợp.

Quản lý "tượng trưng"

Chiều 14-7, sau khi đi làm về, thấy người mệt mỏi nên chị Phong đã tới khám tại PKĐK Maria. Điều trị cho bệnh nhân là một bác sĩ người Việt và hai bác sĩ Trung Quốc. Sau khi khám, chẩn đoán, bệnh nhân được chỉ định truyền 3 chai dịch, làm điện tâm đồ và một số thủ thuật với tổng chi phí lên đến gần 9 triệu đồng. Khi gia đình nhận được thông tin, đến nơi thì chị Phong đã tử vong.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, Công an quận Đống Đa đã tiến hành điều tra, giám định pháp y để làm rõ nguyên nhân tử vong, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cũng đã vào cuộc. Để làm rõ hoạt động của PKĐK này, hôm qua 16-7 lãnh đạo Sở Y tế đã làm việc với bác sĩ Đỗ Y Na, Trưởng PKĐK Maria.

Bà Đỗ Y Na nói hoàn toàn không biết thông tin về hoạt động của PKĐK trong suốt thời gian qua, kể cả về hoạt động của các bác sỹ người Trung Quốc cũng như trường hợp tử vong tại đây vì từ ngày 3-2-2011 bà Na đã có đơn gửi Sở Y tế Hà Nội xin thôi chức Trưởng PKĐK Maria, lý do là không đủ chuyên môn vì bà là bác sỹ chuyên khoa nội tim mạch, trong khi Ban Giám đốc Công ty cổ phần và đầu tư An Thịnh (nhà đầu tư của phòng khám này) lại định hướng phát triển chuyên khoa sản phụ. Bà Na khẳng định đã ủy quyền cho bác sỹ Phạm Thị Trang, chuyên khoa ngoại sản, nguyên Chủ nhiệm Khoa sản Bệnh viện 198 đứng tên, có trách nhiệm giải quyết mọi công việc khi bà Na vắng mặt, rằng đã từ lâu bà không nhận lương quản lý từ phòng khám, việc bà đến làm việc với lãnh đạo Sở Y tế chỉ là trên danh nghĩa pháp lý.

Tuy nhiên, theo bà Trần Nhị Hà, Trưởng phòng Quản lý hành nghề (Sở Y tế Hà Nội), thời gian qua Sở  không hề nhận được hồ sơ đề nghị thay đổi đại diện Phòng khám đa khoa Maria.

Lộ nhiều sai phạm nghiêm trọng

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, biên bản thẩm định việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề y tư nhân cho thấy Sở Y tế chỉ cấp phép cho 6 bác sỹ người Việt Nam hành nghề tại PKĐK Maria, không cấp phép cho bất cứ bác sỹ nước ngoài nào giúp việc hai người Trung Quốc. Ông Nguyễn Khắc Hiền khẳng định: Việc PKĐK sử dụng người Trung Quốc hành nghề khám chữa bệnh khi chưa đăng ký và chưa được cấp chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam là sai phạm nghiêm trọng. Hai người Trung Quốc giúp việc chỉ được làm các phần việc như đưa dụng cụ, thay rửa vết thương, hoàn toàn không được phép khám bệnh, kê đơn… Sở Y tế Hà Nội đã ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động của PKĐK Maria để phục vụ điều tra.

Điều đáng nói ở PKĐK Maria không chỉ là sự cố dẫn đến tử vong nói trên mà còn là nhiều sai phạm trước đó, những sai phạm mà nếu có cách xử lý triệt để thì chưa chắc đã có vụ việc đáng tiếc đối với gia đình chị Phong. Thời gian qua, nhiều bệnh nhân đến khám, điều trị tại PKĐK Maria liên tục bày tỏ sự bức xúc. Như bệnh nhân Đ.T.K.Q (Đống Đa, Hà Nội) được phòng khám này chẩn đoán mắc bệnh sùi mào gà, nếu không điều trị ngay thì sẽ dẫn đến ung thư. Thời gian chẩn đoán điều trị khỏi bệnh khoảng 6 tháng nhưng mới sau 4 ngày điều trị, bệnh nhân đã phải nộp tới 24.394.000 đồng. Do điều kiện khó khăn, bệnh nhân Q. đã xin dừng điều trị tại phòng khám này và đến khám, điều trị tại một bệnh viện công, kết quả là đã khỏi hẳn bệnh mà chi phí chỉ mất mấy trăm nghìn đồng… Ngày 27-6, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội kiểm tra, phạt PKĐK Maria 11,5 triệu đồng do quảng cáo không rõ ràng, 5,5 triệu đồng về lỗi niêm yết giá dịch vụ, đồng thời nhắc nhở quy trình vào sổ khám bệnh. PKĐK Maria bị buộc hoàn trả cho bệnh nhân Q. phần lớn chi phí điều trị (trừ tiền khám, xét nghiệm thông thường). Trước sự chứng kiến của một số cơ quan báo chí, PKĐK Maria cam kết hoàn trả toàn bộ chi phí cho bệnh nhân Q. (hơn 24 triệu đồng). Tuy nhiên, theo bệnh nhân Q., hiện phòng khám vẫn chưa thực hiện cam kết.

Hầu hết bệnh nhân tìm đến PKĐK Maria thông qua quảng cáo trên một số phương tiện thông tin đại chúng. Khi đến đây, người bệnh được khám, điều trị theo phương pháp giống nhau, thường được truyền dịch, chiếu tia sóng ngắn, điều trị bằng đông y… và phải nộp một số tiền rất lớn. Người bệnh phàn nàn về PKĐK Maria trong một thời gian dài, nay có thêm vụ tử vong, điều đó cho thấy công tác quản lý chưa được thực hiện tốt, đặc biệt là việc "hậu kiểm".

Từ trường hợp PKĐK Maria, thấy rõ là dù ngành y tế Hà Nội vẫn thường xuyên thực hiện kiểm tra, giám sát, xử phạt các phòng khám tư nhân có vi phạm nhưng hiệu quả còn hạn chế. Mặt khác, theo ý kiến của nhiều chuyên gia y tế cũng như người dân, mức phạt hiện nay vẫn chưa đủ sức răn đe, không thấm vào đâu so với lợi nhuận mà các phòng khám thu được.

Trên địa bàn Hà Nội hiện nay không chỉ có một phòng khám có yếu tố nước ngoài. Đã đến lúc ngành y tế cần thanh tra, kiểm soát một cách quyết liệt hơn, kiên quyết đình chỉ hoạt động của những cơ sở không đủ điều kiện hành nghề hoặc có vi phạm nghiêm trọng. Mặt khác, các cơ quan truyền thông cũng cần thận trọng, chính xác khi đăng phát thông tin quảng cáo về các cơ sở khám chữa bệnh.

Lộc Bình