Cuộc tranh đua quyền lực chưa dứt

Thế giới - Ngày đăng : 06:50, 17/07/2012

(HNM) - Tân Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsy vừa tháo


Sắc lệnh này được chính tân Tổng thống M.Morsy ban hành chỉ một tuần sau khi đắc cử Tổng thống Ai Cập. Đây được xem là sự nhượng bộ đầu tiên của một tổng thống dân cử đầu tiên tại Ai Cập trước giới quân sự đầy quyền lực nhằm giữ ổn định đất nước vẫn đang chao đảo sau cơn lốc "mùa xuân Ả rập".


Không ai dám chắc không còn một “ngòi nổ” khác trong tương lai của chính trường Ai Cập.

Vốn là một thành viên của phong trào Anh em Hồi giáo, ngày 8-7, Tổng thống M.Morsy đã ban hành sắc lệnh cho phép Quốc hội do phe Hồi giáo kiểm soát, được triệu tập lại cho tới khi bầu ra Quốc hội mới với lý do, việc làm này không trái luật. Tuy nhiên, sắc lệnh của Tổng thống lại đi ngược với quyết định trước đó của Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang Ai Cập (SCAF) về giải tán Quốc hội căn cứ theo một phán quyết của SCC. Trước đó, ngày 14-6, SCC đã phán quyết rằng 1/3 số ghế trong Quốc hội được bầu đầu năm nay là không hợp lệ. Ngày 15-6, chỉ một ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống vòng hai ở Ai Cập, SCAF đã ra lệnh giải tán Quốc hội theo phán quyết của SCC. Trong khi đó, tại cuộc bầu cử Quốc hội hồi đầu năm nay, đảng Công lý và Phát triển (FJP) của tổ chức Anh em Hồi giáo đã giành được 235 ghế trong tổng số 508 ghế, tương đương 47,18% số ghế tại Hạ viện.

Ngay sau quyết định của tân Tổng thống Ai Cập, một loạt các sự kiện đã diễn ra theo chiều hướng xấu. Trong khi quân đội và SCC tuyên bố mọi phán quyết của SCC đều phải được tôn trọng thì chính phủ của Tổng thống M.Morsy khẳng định sắc lệnh triệu tập - thực chất là khôi phục - Quốc hội là hoàn toàn dựa trên quy định của Hiến pháp. Tuy nhiên, chỉ 48 giờ sau khi sắc lệnh được ban bố, ngày 10-7, SCC đã đình chỉ sắc lệnh này. Trong khi đó, SCAF vốn ủng hộ Tổng thống M.Morsy cũng đã họp khẩn cấp để thảo luận về tính hợp pháp của sắc lệnh triệu tập Quốc hội. Trong ngót hai tuần qua, mâu thuẫn liên tục xuất hiện trên chính trường Ai Cập khiến quan hệ quyền lực tay ba giữa ông M.Morsy với SCC và SCAF ngày một trầm trọng. Do đó, tân Tổng thống Ai Cập M.Morsy với bước đi "tôn trọng phán quyết" của SCC đã giúp giảm phần nào áp lực chính trị đang có nguy cơ bùng nổ trở lại tại quốc gia Bắc Phi này.

Tất cả những gì đang diễn ra cho thấy cuộc đua tranh quyền lực chưa đến hồi kết, đang đe dọa tương lai chính trị của Ai Cập. Mâu thuẫn giữa quân đội và tổ chức Anh em Hồi giáo được cho là mới chỉ là tạm lắng. Sự kiện ông M.Morsy đắc cử tổng thống mới của Ai Cập không chỉ đánh dấu bước ngoặt mới của xứ Kim tự tháp - kể từ sau khi Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ - mà còn khẳng định sự "lên ngôi" của tổ chức Anh em Hồi giáo sau 84 năm kể từ khi tổ chức này ra đời. Chính cuộc "lên ngôi" này đã khơi mào một cuộc chiến quyền lực thầm lặng giữa tổ chức Anh em Hồi giáo mà ông M.Morsy là đại diện với bên kia là giới quân sự đã nắm quyền từ lâu. Việc tân tổng thống ban hành sắc lệnh khôi phục Quốc hội được cho là nhằm giành lại quyền lực từ tay quân đội, cũng được xem là phép thử phản ứng đầu tiên với phía bên kia. Và cuộc "lui binh" vừa qua của Tổng thống M.Morsy là bước lùi chiến lược trước khi có thể mở rộng quyền của Tổng thống với các quyết sách quan trọng của đất nước.

Ai Cập tuy vừa gỡ được "ngòi nổ" tiềm tàng nhưng không ai dám chắc không còn một ngòi nổ khác trong tương lai khi quyền lực chính trị của đất nước đều đang được các bên muốn thâu tóm. Tạm gác bất đồng để cải thiện hình ảnh Ai Cập trên trường quốc tế là điều mà ông M.Morsy thể hiện trong những ngày đầu cầm quyền. Và Cairo đã nhận được sự ủng hộ từ Washington với chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton (ngày 14-7). Trước đó, ngày 11-7, Tổng thống M.Morsy đã có chuyến công du nước ngoài đầu tiên với việc chọn Saudi Arabia láng giềng là nơi dừng chân.

Thanh Hải